ClockThứ Năm, 24/01/2013 05:46

Hoa mới & người cũ

TTH - Buổi sáng, trời đầy sương mù. Cứ ngỡ rồi sẽ nhiều nắng nhưng rồi lại có mưa. Đường về làng hoa Phú Mậu rớm lạnh và khá vắng. Không thấy người, chỉ thấy những chiếc xe máy bỏ lại bên rệ cỏ. Mùi bùn ngai ngái trong se sẽ gió. Hình như bên thửa ruộng nào cũng có người đang lúi húi làm đất, chuẩn bị sạ lúa cho vụ đang tới. 

Có lẽ vì sương, mà có lẽ cũng vì chưa vào ngày bận rộn, nên những vườn hoa ở Phú Mậu đang lúc ít người. Chỉ có màu vàng của vạn thọ là bận rộn cho ngày rằm và các lễ cúng thường ngày. Nhìn những vườn cúc đã vào chậu trong các khu vườn hai bên đường, có thể thấy vụ hoa này khó mà thất bát...

Sen giấy Thanh Tiên. Ảnh: Võ Nhân

Cũng khá lâu rồi tôi mới trở lại Phú Mậu khi hoa vào vụ Tết. Làng quê bình yên trong gió. Sau mấy mùa Festival, hai biển hiệu ghi tên làng hoa giấy Thanh Tiên vẻ như đã mang lại một không khí chộn rộn hơn so với trước. Bán chạy nhất bây giờ vẫn là sen giấy. Khi chúng tôi đến, hai con trai nhà ông Hoá vẫn không ngừng tay phết phẩm màu lên giấy và kết hoa. Một bác trai chạy xe từ Huế về rổn rảng vào chọn sen. Cô gái trẻ đến từ châu Âu thì ngồi bệt xuống chiếu, vừa chăm chú vào những cánh sen hồng tía, vàng, xanh và liên tục hỏi phiên dịch về những điều với cô là lạ lẫm. Sen giấy cũng là sự trở lại vừa cũ, vừa mới và định danh một sản phẩm mới của làng hoa giấy truyền thống.

Ông Lự bên vườn lan Mokara. Ảnh: Võ Nhân

Đã quá quen với khách đến thăm hoa và gần như cũng đã nhớ mặt và thuộc tên cánh truyền thông, lão nông Lê Văn Lự cười hiền hậu đón khách bên hiên nhà. Giữa khi khách áo đơn áo kép và vẫn có vẻ co ro vì gió, ông chỉ phong phanh một chiếc sơ mi cũ. Dù cũ, nhưng câu chuyện về các loài hoa dường như vẫn bất tận. Trên vườn nhà ông, hoa ly đã có 6 mùa “định cư”, thế mà lão nông tri điền này vẫn thắc thỏm mỗi ngày để canh gió, canh trời dù ông hiểu thời tiết như lòng bàn tay. Năm nay, trời Huế có phần khác nhưng theo ông, cơ bản là thuận. Tôi nghe ông nói về độ khó trong mùa sinh nở của hoa ly, về sự cần cù chăm chút từng ngày, từng giờ cho mỗi nụ hoa, lòng cứ mường tượng về đôi tay gượng nhẹ, nâng niu của một bảo mẫu, như một cách khác về sự chu toàn cho sự sinh sôi và cái đẹp, cái có ích cho cuộc sống.

Du khách nước ngoài (giữa) ấn tượng trước sen giấy Thanh Tiên. Ảnh: Võ Nhân

Trên thửa vườn quen thuộc, màu vàng đỏ, vàng cam của hoa lan mokara làm chúng tôi hào hứng. Lần đầu tiên, mokara hiện diện ở Huế với tất cả sự quyến rũ đài các của mình. Cũng là lần đầu tiên, những gốc tuylip sẽ nở hoa trên đất Phú Mậu. Đồng nghiệp trẻ cùng đi cứ nấn ná mãi bên những chậu hoa mà có lẽ lúc mới vào, sự nhỏ bé khiêm nhường của chúng không làm anh để ý. Vài cây đã chơm chớm nụ lên. Một cánh lá trông non tơ và mỏng mảnh khi lọt trong bàn tay thô và gân guốc của người chủ vườn. “Năm trước, một gốc như ri trên chợ hoa người ta đòi bảy chục, làm tui đặt xuống liền – bác Lự bảo – Nghĩ mà tức chơ, họ làm được, răng mình không làm được? Nay thì ổn rồi. Tui đã bắt đầu nhớ tâm tính của hắn...” Nụ cười và giọng nói phấn chấn của lão nông sáng cả góc vườn nhỏ...

Cứ nghĩ, giá như mà nhiều người có cái “tức chơ” như bác Lự, hẳn cuộc sống sẽ có lắm điều thú vị đến bao nhiêu.

Gần trưa. Chút mưa nhỏ đã tan dù nắng vẫn hãy còn ngập ngừng lắm trong đợt rét lạnh. Líu ríu quanh bước chân chúng tôi là lũ hoa thược dược lùn dễ thương. Năm sau, nếu lại quay về, lũ hoa này chắc đã thuộc về loại cũ bên cạnh chủ nhân của chúng. Mấy mươi năm trồng hoa, lam lũ với hoa, cực nhọc với hoa và cũng thảnh thơi với hoa, thế mà ông trông vẫn rất nhanh nhẹn. Ừ thì có thể đã là người của nghề cũ, nhưng những ngày mới, mùa xuân mới bao giờ cũng về sớm trên đôi tay dãi dầu của những người như ông...

Thường Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Tự hào quốc hiệu Việt Nam

“Quốc hiệu Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá và linh thiêng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt. Từ trong sâu thẳm tâm thức của mình, tôi tự hào là người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu đã chia sẻ như thế nhân kỷ niệm 220 năm quốc hiệu Việt Nam.

Tự hào quốc hiệu Việt Nam
Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Return to top