ClockThứ Sáu, 17/01/2014 14:39

Hoạt động văn hóa năm 2013 đạt nhiều thành tựu

TTH.VN - Năm 2013 đã khép lại với những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa. 

Các hoạt động văn hóa đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, năm 2013 cũng là năm phát sinh không ít vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: tình trạng xâm hại di tích, quản lý lễ hội còn chồng chéo, thiếu các thiết chế văn hóa cơ sở, buông lỏng trong quản lý hoạt động nghệ thuật, biểu diễn...

Năm 2013 là năm được mùa trong lĩnh vực di sản văn hóa với 14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trình Thủ tướng chính phủ công nhận 37 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong khuôn khổ Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37, Việt Nam được bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Cùng với đó, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  

 
Đờn ca tài tử được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2013. (ảnh: Báo Bạc Liêu)

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: “UNESCO đã ghi nhận những hoạt động chúng ta đã làm để bảo tồn, ghi nhận những lỗ lực của cộng đồng của chính quyền địa phương vào việc bảo tồn. Đặc biệt, năm qua Đờn ca tài tử được vinh danh, đây là vinh dự của Việt Nam nói chung và cũng là vinh dự của 21 tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể này. Điều đó càng có ý nghĩa khi đây là di sản đầu tiên của chúng ta nằm tại miền Nam và Nam Trung Bộ được vinh danh ở cấp độ quốc tế.”

Cùng với những tín hiệu vui trong lĩnh vực di sản, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Công tác quản lý lễ hội đã có nhiều tiến bộ, phần nào khắc phục những tồn tại từ nhiều năm qua. Những hiện tượng chen lấn, cờ bạc trá hình tại lễ hội được đẩy lùi.

Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được khôi phục và tổ chức trên cả nước. Lễ hội dân gian của làng, thôn, ấp, bản tại các địa phương quy mô tổ chức không lớn nhưng mang giá trị sinh hoạt nghi lễ cộng đồng được tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có nhiều chuyển biến.

Nghị định 75 của Chính phủ và Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc trên sân khấu cũng được ban hành trong năm qua.

Cùng với đó là hàng loạt các chế tài xử phạt được áp dụng đã đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong cả nước đi vào nề nếp. Điển hình như việc thu hồi giấy phép cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam” khi phát hiện ra sai phạm. Cấm biểu diễn trên toàn quốc với những nghệ sĩ, diễn viên có hành động phản cảm trên sân khấu. Xử phạt nghiêm với những chương trình nghệ thuật có phần trình diễn trái với thuần phong mỹ tục và không đúng với nội dung được phê duyệt. Tuy vậy, hoạt động nghệ thuật biểu diễn vẫn để xảy ra một số sai phạm, trong đó có sự buông lỏng trong quản lý các chương trình biểu diễn trên truyền hình.  

 
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết công tác quản lý nghệ thuật trên truyền hình còn nhiều khó khăn. (ảnh: TTVH)

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay trong tất cả các nghị định của chúng ta về nghệ thuật biểu diễn cũng như xử phạt đều không đề cập đến vấn đề quản lý các chương trình nghệ thuật trên truyền hình. Đây là một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý nhà nước. Trong quá trình thực hiện chỉ thị 65 và chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã vấp phải vấn đề này.”

Bên cạnh những lỗ hổng trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn nhiều bất cập như: việc đặt hòm công đức giả, dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao, bày bán tràn lan đồ chơi bạo lực, tình trạng bỏ ngỏ việc giám sát nguồn thu chi tiền công đức, giọt dầu tại nhiều di tích, lễ hội.

Thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương bị bỏ hoang, xuống cấp. Việc xâm hại các di tích được xếp hạng như chùa Trăm Gian, chùa Chân Long hay việc để xuống cấp nghiêm trọng tại di tích cấp quốc gia chùa Một Cột; đưa hiện vật không rõ nguồn gốc vào di tích; đình, chùa đặt sư tử đá, đèn lồng Trung Quốc, tượng Phật lạ... vẫn tồn tại đã gây bức xúc trong thời gian qua.         

Với tinh thần "Kỷ cương, trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả", năm 2014 ngành văn hóa quyết tâm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, trọng tâm, trọng điểm là những lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ gây bức xúc, xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài: công tác tổ chức và quản lý lễ hội, hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, biểu diễn nghệ thuật... Dư luận đang rất quan tâm, bởi nếu cơ quan quản lý ngành không mạnh tay với những chế tài xử lý các sai phạm thì các hoạt động văn hóa vẫn mãi sẽ tồn tại những bất cập .

Ngọc Ngà (Theo VOV)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top