Tác phẩm “Nhật thực” - Lê Bá Cang
Giới thiệu đến công chúng 32 tác phẩm của 23 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, triển lãm “Sắc thu” năm nay (trưng bày từ 31/7 đến 6/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng) với nhiều phong cách sáng tạo mang dấu ấn riêng của từng tác giả, phong phú về nội dung và đa dạng về chất liệu đã thể hiện rõ tinh thần sáng tạo không ngừng của đội ngũ mỹ thuật, góp phần khẳng định các giá trị của mỹ thuật Huế trong dòng chảy mỹ thuật của cả nước.
Cố định mang tên “Sắc thu” bởi được tổ chức trong mùa thu, nhưng triển lãm không chỉ là những xúc cảm, sắc màu lãng mạn về mùa đẹp nhất trong năm, mà đã vượt qua định tính về không gian, thời gian để biểu đạt những vấn đề mang tính thế sự, như ô nhiễm môi trường, những vấn đề về chiến tranh và cả những chiêm nghiệm của tác giả về đời sống nhân sinh...
Với sự góp mặt của những tên tuổi đã tạo được dấu ấn, như: Phan Thanh Bình, Nguyễn Thiện Đức, Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Thị Hải Hòa, Tô Trần Bích Thúy, Hoàng Thanh Phong, Nguyễn Thị Huệ... triển lãm mang đến cho người xem một không gian thưởng lãm nghệ thuật đa sắc màu, từ sơn dầu trên bố, sơn mài, acrylic đến điêu khắc, đồ họa, tổng hợp… Mỗi tác phẩm là một lát cắt của cuộc sống, thể hiện sự tìm tòi, khai phá trên con đường sáng tạo.
Theo giới thiệu của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, tất cả các tác phẩm tại triển lãm “Sắc thu” đều là những sáng tác mới, với nhiều biểu hiện tạo hình đặc sắc, được tạo nên từ tình yêu và khát vọng sáng tạo. Các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đa phần tạo được dấu ấn trong giới mỹ thuật Huế và triển lãm này tiếp tục định hình phong cách, tên tuổi của họ. Những khai phá, tìm tòi trong một năm qua của các họa sĩ được bộc lộ rõ nét từ sự đa dạng hình thức thể loại, kỹ thuật chất liệu cho đến bút pháp thể hiện và sự phong phú chủ đề, mang đến cho triển lãm những tác phẩm sinh động, ấn tượng.
Tác phẩm “Chốt gác ven sông” - Đặng Mậu Tựu
Bên cạnh những tác phẩm có bút pháp vững vàng, kỹ thuật chất liệu điêu luyện của những tên tuổi đã quen thuộc với công chúng, ở “Sắc thu” còn có những tìm tòi, thể nghiệm mới. “Nhật thực” của họa sĩ Lê Bá Cang là sự thể nghiệm mới về chất liệu với sự pha trộn giữa màu vẽ, đất sét, nhựa thông và acrylic. Với bề mặt gồ ghề từ đất sét được bao bọc bởi lớp nhựa thông phẳng bên ngoài, tác phẩm thể hiện sự chuyển động của mặt trời, mặt trăng với 9 khúc đoạn khác nhau. Lấy cảm hứng từ các mô tip trang trí triều Nguyễn với những họa tiết đám mây, hạt mưa trên cửu đỉnh, “Nhật thực” phản ánh những bức tranh sáng – tối trong cuộc sống, cũng như thể hiện sự giao hòa giữa đất – trời và con người trong vũ trụ.
Chủ đạo là đen - trắng, hai tác phẩm “Chuyện của rừng” của Nguyễn Thị Huệ nằm trong loạt tranh có chủ đề “mưa than” tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ môi trường. Đây được xem là bước ngoặt trên con đường sáng tạo của nữ họa sĩ với những thao thiết, trăn trở về việc bảo vệ môi trường. Cũng đề cập đến chủ đề môi trường, tác phẩm “Khát vọng” của Ngô Tâm là hình ảnh về sự hủy diệt khi biển chết do ô nhiễm. Đề cập đến một chủ đề khác, trong tác phẩm “Vô đề”, họa sĩ này lại thể hiện sự hoài vọng trong trẻo của ký ức tuổi thơ với hình ảnh những đứa trẻ núp mưa dưới tàu lá chuối.
Những sắc độ nao lòng của mùa thu cũng được các họa sĩ gợi tả qua một số tác phẩm, chẳng hạn “Thu xưa” của Hải Hòa là sắc vàng của đất trời vào thu với những ngọn lau lả lơi, bình yên trong gió chiều. Trong bức tranh “Ráng chiều trên phá Tam Giang” của họa sĩ Tuyết Mai, những con thuyền neo đậu, những ngôi nhà chồ trên phá, những tấm chắn nò sáo đặc trưng như chìm trong hoàng hôn buông xuống hững hờ, chầm chậm dát vàng trên mặt nước.
Mùa thu cũng gợi nhắc các họa sĩ về thời khắc quan trọng của đất nước: Cách mạng tháng Tám. Thế nên, triển lãm “Sắc thu” có sự góp mặt của nhiều tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng. “Chốt gác ven sông” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu thể hiện vùng phi chiến sự ở sông Bến Hải. Dẫu không có tiếng súng nhưng hình ảnh những hàng rào dây thép gai, những hố đen, những con mắt gầm gừ được thể hiện bằng bút pháp trừu tượng vẫn khiến người xem cảm thấy ngột ngạt khi nhìn vào sự phi lý của chiến tranh.
Tác phẩm “Sức mạnh hậu cần” - Hoàng Thanh Phong
Từng thành công với tác phẩm “Những chuyến xe thần kỳ” thể hiện hình ảnh chiếc xe vượt bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Hoàng Thanh Phong tiếp tục chủ đề này với tác phẩm “Sức mạnh hậu cần” thể hiện vẻ đẹp của anh dân công hỏa tuyến trên đường đi thồ gạo với ước mơ về ngày hòa bình. Bức tranh sơn mài “Nối lại đôi bờ Hiền Lương” của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên cũng thể hiện sự sum họp của ngày đất nước thống nhất.
Hầu hết các tác phẩm tại triển lãm “Sắc thu” sẽ tham dự triển lãm Bắc miền Trung. Trước thềm triển lãm khu vực, các tác phẩm được trưng bày tại Huế, là cơ hội để công chúng được thưởng lãm những tác phẩm đẹp, có giá trị như mong muốn của Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Huế khi duy trì triển lãm “Sắc thu” hàng năm.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN