ClockChủ Nhật, 02/09/2018 12:08

Hai thế hệ họa sĩ vẽ về một cuộc chiến

TTH - Đó là nhà điêu khắc Lê Minh Kai và họa sĩ Nguyễn Văn Hè, một người từng trải qua cuộc chiến và một người sinh ra trong thời bình, nhưng sáng tác của họ luôn ám ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh.

“Những chuyến xe thần kỳ”Nữ bác sĩ mê vẽ34 tác phẩm tham gia triển lãm “Sắc thu”"Sắc thu"Triển lãm 50 bức tranh cổ động nhân 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

Khắc họa khí chất anh hùng

Năm 1957, cậu bé người Cơ tu Lê Minh Kai, khi ấy mới 10 tuổi từ giã quê nhà A Lưới men theo đường Trường Sơn ra Bắc. Có năng khiếu mỹ thuật, anh theo học điêu khắc ở Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự khốc liệt của chiến tranh ăn sâu vào ký ức của ông Kai. Trong sự nghiệp sáng tác, những tác phẩm chủ đề về chiến tranh giúp ông sớm ghi tên tuổi vào làng điêu khắc Việt Nam.

Nhà điêu khắc Lê Minh Kai sáng tác tác phẩm “Bác Hồ với các dân tộc A Lưới”

Tác phẩm “Tiếng cồng Tây Nguyên” (1970) của ông đã đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hình tượng một người đàn ông Tây Nguyên khỏe mạnh giơ cao cồng chiêng như là sự thức tỉnh của núi rừng, là khí phách quật cường của những người con Tây Nguyên trong những năm kháng chiến. Nhà điêu khắc Lê Minh Kai nhớ lại: Cảm hứng sáng tác “Tiếng cồng Tây Nguyên” đến khi tôi đọc “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi nhớ đến tiếng cồng quê tôi. Đối với người vùng cao, tiếng cồng là báu vật, vang lên mỗi khi vui ca hát, vui thắng lợi hay hiệu triệu bà con đứng lên đánh giặc, thôi thúc cả những người ở trong hang, trong núi.

Khi Mỹ ném bom Hà Nội, nhà điêu khắc Lê Minh Kai thoát chết trong gang tấc. Sự kiện ấy là cảm xúc để ông sáng tác tác phẩm “Mạnh hơn bom đạn” (1972) với hình ảnh cô du kích giơ bàn chông mạnh mẽ và đầy thách thức. Dù Mỹ ném hàng vạn tấn bom, người dân tộc vẫn không run sợ, đánh Mỹ bằng chông, bằng bẫy, bằng chiến tranh du kích. Đây là tác phẩm được nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thích, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trở về quê hương, nhà điêu khắc Lê Minh Kai theo đuổi đề tài sáng tác về quê hương, cuộc sống sinh hoạt của dân tộc mình với những hình ảnh lên nương, trâu về bản, trân trọng nhất là hình tượng Bác Hồ. Từng được gặp Bác Hồ hai lần khi ở Hà Nội. Đó cũng là cảm hứng để ông sáng tác bức tranh “Bác Hồ với các dân tộc A Lưới” bằng lụa.

Nhà điêu khắc Lê Minh Kai tạc, đục không nhiều nhưng ấn tượng như nhận xét của một nhà phê bình: “Mỗi tác phẩm là một dấu ấn cá nhân, trong đó toát lên sắc thái tâm hồn của người con dân tộc Cơ tu thiết tha yêu cuộc sống và sảng khoái bộc lộ cảm xúc qua những khối hình điêu khắc hiện đại”. Bây giờ, ông vẫn muốn tiếp tục niềm đam mê với nghệ thuật: “Càng lớn, ký ức tuổi thơ của những ngày sống trong bom đạn lại quay về dữ dội. Tôi muốn tiếp tục ghi lại cuộc chiến đã qua với những hy sinh, cống hiến của bạn bè, đồng bào mình”.

Thể hiện nỗi đau hậu chiến

Sinh ra trong thời bình, họa sĩ Nguyễn Văn Hè không có những trải nghiệm về chiến tranh nhưng anh lại chứng kiến hậu quả khốc liệt thời hậu chiến. Quê ở chiến khu Hòa Mỹ, tuổi thơ của Hè gắn liền và sống chung với bom đạn, ký ức tuổi thơ của Hè là những ngày đi lượm phế liệu chiến tranh. Anh kể: “Hồi ấy, gia đình tôi và nhiều người sống xung quanh, hầu như 90% người dân trong làng đều đi lượm phế liệu chiến tranh. Tôi chứng kiến nhiều người cuốc phải bom mìn nên không còn lành lặn, thậm chí mất mạng. Khi người chú của tôi mất vì cưa bom nổ thì nỗi đau chạm đến tận cùng, tôi thật sự sợ hãi và không dám đụng vào phế liệu mà trước đó vẫn chơi đùa với chúng”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Hè với tác phẩm “Trò chơi”

Khi Hè vào học Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, những ký ức đó được anh thể hiện một cách vô thức trong các bài học. Dù vẽ gì, anh cũng đều vẽ về chiến tranh mà hoàn toàn không ý thức được. Mãi khi ra trường, Hè mới nhận ra đó là đề tài xuyên suốt đã ăn sâu vào tiềm thức đến ám ảnh. Hè chia sẻ: “Tốt nghiệp đại học, về quê, một buổi trưa tôi nghe tiếng bom mìn nổ đến giật bắn người, tôi bắt gặp lại ký ức ngày xưa và nhận ra đây là câu chuyện mình sáng tác từ trước đến nay. Từ đó, tôi bắt tay vào sáng tác những bộ tranh về chủ đề này”.

Dù bằng sắp đặt, sơn dầu hay sơn mài, hầu hết tác phẩm của Nguyễn Văn Hè đều lấy cảm xúc từ chiến tranh. Sáng tác về chủ đề này nhưng tranh của anh không phản ánh hiện thực cuộc chiến mà thể hiện bằng cách làm của nghệ thuật mới để lên án chiến tranh. Với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” (đạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam), chiến tranh gây ra nỗi đau, đè nặng người phụ nữ với hình ảnh người phụ nữ bị quấn chặt đến bí bách, ngột ngạt trên hố bom.

Mới nhất là bộ tác phẩm sắp đặt “Trò chơi” được họa sĩ Nguyễn Văn Hè sáng tạo bằng chất liệu từ phế liệu chiến tranh. Từ vỏ pháo, anh gấp thành chim hạc, chiếc máy bay - những trò chơi thơ ngây của trẻ con để chuyển tới người xem thông điệp: “Chiến tranh chẳng qua là trò chơi gây đau khổ cho bao người, tôi muốn biến đau khổ trở thành niềm vui qua trò chơi của trẻ thơ”, Hè bộc bạch.

Khi có con, mỗi khi con đau, Hè rất đau lòng. Anh liên tưởng đến những đứa trẻ ở nhiều nơi trên thế giới đang bị giày xéo bởi chiến tranh. Chùm tác phẩm “Trở dạ”, “Đất” và “Nước” ra đời. Hình ảnh người đàn ông cầm súng cõng con trên lưng đang ngước nhìn bầu trời, vầng trăng là mơ ước về một không gian yên bình, không còn chiến tranh trên trái đất này, để những đứa trẻ sinh ra không còn bị ám ảnh bởi chiến tranh như anh.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ma túy, “cuộc chiến” không ngưng nghỉ

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu vì một TP. Huế “không ma túy, không trộm cắp, không cướp giật tài sản”, nhưng thực tế, ma túy vẫn len lỏi vào đời sống xã hội, nhất là giới trẻ.

Ma túy, “cuộc chiến” không ngưng nghỉ
Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết

Gần đây, Đông Nam Á ghi nhận hàng chục nghìn ca sốt xuất huyết, với hàng trăm ca tử vong. Chính phủ Singapore, Malaysia và Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp như thả muỗi mang vi khuẩn đặc biệt nhằm giảm số lượng muỗi mang virus gây bệnh, cùng với hàng loạt nỗ lực của cộng đồng nhằm giải quyết bệnh sốt xuất huyết. Nhưng với số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, những biện pháp này hiệu quả đến mức nào?

Đông Nam Á trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết
Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

TIN MỚI

Return to top