Buổi tối, trong tiếng mưa đêm ầm ầm dội xuống mái tôn, cả nhà ngồi xúm xuýt quanh rổ đậu phụng vừa bóc vỏ, vừa theo dõi các bản tin về mưa lũ. Tôi nói với mấy đứa con, ráng lột xong mớ đậu phụng, sáng mai làm món muối sả. Hộp sả băm cấp đông trong ngăn tủ, đang chờ có bạn “kết tóc se duyên”. Bọc đậu phụng này được người bạn ở quê gửi tặng từ mùa hè. Mấy tháng nay vẫn cất kỹ trên kệ bếp, giờ mới có đất dụng võ. Trời mưa gió, ăn cơm với muối đậu sả thì ngon nhất hạng.
Vậy mà mưa mãi không dứt. Đến nửa đêm thì nước lấp xấp lên đường, rồi mấp mé bên hiên, sau thì tràn vào nhà. Chạy theo con nước, cả nhà tôi cũng tất tả dọn lụt, cái nào kê cao được thì kê lên cao, cái nào chuyển lên gác được thì chuyển. Sau khi đã dọn dẹp xong, nước cũng lấp xấp mặt giường, vậy là mọi người leo lên căn gác xép cố thủ. Cả nhà 5 người cả lớn lẫn nhỏ chen chúc trên căn gác chưa đầy 10m2 với ngổn ngang đồ đạc chất đầy xung quanh. Nằm trên gác, nghe tiếng mưa cũng gần hơn, lòng lại cuộn lên bao nhiêu lo lắng, chỉ mong mưa dừng lại nghỉ ngơi đôi chút, để nước ngoài kia còn kịp rút về biển khơi.
Chợt nhớ ngày ở quê, mùa mưa năm nào người lớn cũng thấp tha thấp thỏm. Đêm nghe tiếng mưa dội chan chát xuống mái nhà là trở trăn mất ngủ. Gạo cơm còn ở hết ngoài đồng, nên lòng lo lắng trăm bề không yên. Làng tôi nằm ven sông, nên nhiều lúc trời đang nắng mà nước lụt vẫn có thể cuồn cuộn đổ về. Cha nói, tại mưa lớn trên nguồn gây lụt. Hồi ấy ở quê còn chưa có điện, người làng chẳng mấy ai tiếp cận được dự báo thời tiết, nên đêm đang ngủ bỗng thức giấc, thò chân xuống giường mang đôi dép mới biết nước lụt đã chạy đến chân giường là chuyện bình thường.
Tôi nhớ năm đó, nước lũ âm thầm về giữa đêm. Ở quê mùa mưa, nhà nào cũng đi ngủ sớm. Ngọn đèn dầu leo lét không đủ thắp sáng gian nhà nhỏ, sao có thể soi rõ nước trên sông. Ban ngày trời tạnh nắng, người làng nhìn về phía núi âm u mây mù là biết có mưa phía đầu nguồn. Quanh năm sống chung với lũ, nhưng có lúc lụt về vẫn không kịp trở tay.
Làng tôi có một chiếc trống to, được dùng vào các dịp lễ tế. Nhà tôi ở gần đình làng, nên chiếc trống làng được gửi ở nhà tôi, treo trên căn gác gỗ. Đêm đó dù nước lụt đã lấp xấp quanh nhà, thau chậu đều nổi lềnh bềnh khắp nơi, cha vẫn đội mưa tìm cây thang ở sau hè leo lên gác. Một hồi trống dài kéo cả làng thức giấc, sau đó là tiếng chiêng, tiếng kẻng cũng xôn xao nối tiếp. Người làng ai nấy nghe tiếng trống, tiếng kẻng vang dậy thì hốt hoảng trở dậy mới biết lũ đã vây quanh.
Làng ở vùng thấp lụt, nên nhà nào cũng có căn gác gỗ kiên cố để tránh lụt và chứa thóc lúa. Có nhà còn sắm thêm ghe nan, để khi nước cao có thể lên ghe rồi cặp theo các vườn nhà tiến vào mép núi tránh lụt. Mỗi lần lụt cao, gà, vịt, heo trong chuồng đều được người làng chất lên ghe cho đi chạy lụt trước. Từng bội vịt, gà được phủ kín ni lông che chắn gió mưa, đưa lên những đồi cao. Đợi khi nước rút thì gánh về.
Ngày còn nhỏ, thích nhất là đi lội lụt, thấy nước lấp xấp lên đường là lăng xăng chạy đi vọc nước, đâu hiểu nỗi nhọc nhằn lo toan của người lớn. Thường thì nước tràn lên đường, trước khi cắt hết các lối đi, bọn trẻ con trong nhà sẽ được người nhà dẫn đi chạy lụt cho đỡ vướng chân vướng tay. Trong làng có nhà mụ Đấu, mụ Lộc, ông Lập… nằm trên triền núi cao, năm nào người làng cũng nườm nượp kéo đến tránh lụt.
Tôi nhớ mạ sẽ nấu một nồi cơm to, rồi kho thêm một nồi cá vụn vừa cất rớ được lúc chiều, gói thêm ít áo quần, xong là dắt theo mấy đứa con lên gửi ở nhà mụ Đấu. Người trong làng không bà con thì quen biết cả. Chị em tôi yên tâm ở nhờ cho đến khi nước rút hết thì về. Mạ với cha ở nhà canh lũ. Nước vào nhà thường mang theo đầy bùn non, nên khi nước rút phải có người sẵn để đánh lớp bùn trên sàn nhà để nước lũ rút đi cũng kéo theo lớp bùn non sạch sẽ. Việc dọn nhà cũng bớt nhọc nhằn.
Đêm nay, nằm trên gác nhỏ giữa phố, nhìn nước lấp xấp trong nhà, chợt thấy mình như mạ ngày xưa, chỉ trông mưa ngớt và nước lụt ngừng lên.
NGỌC LINH