ClockChủ Nhật, 16/04/2023 06:35

“Đánh thức di sản” áo dài

TTH - Di sản phải thuộc về cộng đồng, phải do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị thì di sản ấy mới bền. Áo dài là một di sản đặc biệt của Cố đô Huế và nó vốn thuộc về cộng đồng.

Lan tỏa vẻ đẹp áo dàiĐưa áo dài lên sàn diễn

leftcenterrightdel
 Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải đã nhận định như thế khi trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần sau khi đề án “Huế - Kinh đô áo dài” vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Ông Hải cho rằng: “Việc “đánh thức di sản”, đưa di sản ấy trở lại với cộng đồng, khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ và phát huy di sản áo dài là công việc của ngành văn hóa”.

Ông nghĩ gì khi đề án “Huế - Kinh đô áo dài” chính thức được phê duyệt?

Tôi rất vui mừng khi nhận được tin UBND tỉnh phê duyệt đề án. Đây chính là cơ sở pháp lý để Sở triển khai đồng bộ và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài truyền thống tại Cố đô Huế.

Như tôi đã nhiều lần khẳng định, việc khôi phục lại vị thế và thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống xã hội đương đại, để di sản ấy tỏa sáng như nó đã từng. Đây cũng là quá trình chúng ta từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, thành một lợi thế đặc biệt của Cố đô Huế.

leftcenterrightdel
 Áo dài được xem là di sản đặc biệt của Cố đô Huế, luôn được bảo tồn, phát huy và lan tỏa trong đời sống đương đại

Và như vậy, áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa của Thừa Thiên Huế mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là thứ góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính thế mạnh của mình. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành văn hóa và các ban, ngành liên quan, và đặc biệt là với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng nhân dân địa phương, đề án sẽ được triển khai thành công.

Những năm qua, câu chuyện lan tỏa áo dài từ các lễ hội truyền thống cho đến đời sống thường nhật được ngành văn hóa triển khai, vận động rất hiệu quả. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào trong hành trình thực hiện đề án thời gian tới?

Thời gian qua, bên cạnh những công việc mang tính chuyên môn như tổ chức hội thảo khoa học, sưu tầm, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản…, Sở luôn tìm cách đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ chào cờ nơi công sở, trong đón tiếp khách ngoại giao… Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để lan tỏa và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài.

Có thể nói phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã và đang được đông đảo giới trẻ quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, cho thấy giới trẻ nhận thức được giá trị di sản văn hóa, cổ phục Việt Nam rất đẹp, đáng tự hào, và nhận thấy cần thể hiện cái riêng của dân tộc mình trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Những việc làm và hành động cụ thể nêu trên đã xây dựng một nền tảng cơ bản vững chắc để thực hiện những mục tiêu của đề án.

Có rất nhiều mục tiêu cụ thể được chỉ ra, vạch rõ trong đề án. Theo ông, mục tiêu nào là quan trọng xuyên suốt nhất, vì sao?

Đúng là trong đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, chúng tôi đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, rõ ràng và quyết tâm phải hoàn thành tất cả mục tiêu ấy. Trong đó, mục tiêu cao nhất của đề án là đưa di sản thực sự về với cộng đồng, có vậy thì Huế mới thực sự là Kinh đô áo dài của Việt Nam.

Về danh hiệu, tôi cho rằng mục tiêu hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là quan trọng xuyên suốt. Bởi nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân Huế, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay. Vì vậy, di sản này xứng đáng được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Trước mắt cần tiến hành kiểm kê, nhận diện giá trị di sản, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau đó tiếp tục đề nghị Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nếu được UNESCO ghi danh, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa và xây dựng biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng. Đồng thời cho thấy cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại.

Được biết, trong hơn 535 tỷ đồng tổng kinh phí thực hiện đề án, có hơn 524 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Điều này cho thấy vai trò của xã hội hóa trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa quyết định gần như toàn bộ, đúng không ông?

Đúng vậy! Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa được triển khai ở nhiều địa phương, trong đó có Cố đô Huế với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống.

Với ý thức tôn trọng quá khứ, lòng tự hào về tổ tiên của Nhân dân, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, việc thực hiện thành công đề án “Huế - Kinh đô áo dài” trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa có ý nghĩa quyết định và mang tính khả thi.

Vả lại, khi thực hiện đề án này, chúng tôi xác định phải hướng đến cộng đồng, để cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nguồn lực đầu tư cho đề án phần lớn cũng từ cộng đồng. Vì vậy cùng với việc triển khai đề án chúng tôi cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng.

Một bảo tàng áo dài cho Huế là rất hay. Ông có thể nói rõ thêm việc hình thành bảo tàng này?

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 bảo tàng công lập và 5 bảo tàng ngoài công lập. Việc thành lập thêm một Bảo tàng “áo dài Huế” trong tương lai sẽ góp phần giới thiệu áo dài đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước một cách bài bản, khoa học hơn. Bảo tàng áo dài sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm gắn liền với những câu chuyện về chiếc áo dài Huế, từ lúc hình thành đến những đổi thay trong đời sống xã hội, đi cùng lịch sử đất nước. Đây cũng là nơi tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm trưng bày tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo từ áo dài ngũ thân. Người tham quan có thể được trải nghiệm quy trình tạo tác ra chiếc áo dài từ khâu cắt may đo, vẽ, thêu trên áo dài ngũ thân…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công

Theo ông Phan Thanh Hải, tỉnh đang thúc phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài” sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế.

Cùng với áo dài, Thừa Thiên Huế có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.


PHAN THÀNH (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản

TIN MỚI

Return to top