ClockThứ Sáu, 25/10/2024 16:50

Sưu tập tranh quý, dù chưa có không gian trưng bày

TTH - Sau hơn 5 năm thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập được 68 tác phẩm, kinh phí từ ngân sách nhà nước. Năm 2024 này, Bảo tàng dự kiến sẽ đề xuất UBND tỉnh sưu tập thêm 4 tác phẩm. Hội đồng thẩm định tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã họp và thống nhất trình danh sách 4 tác phẩm đề xuất sưu tập. Trong số đó, đáng chú ý có tác phẩm “Cảnh trong vườn” của họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979).

Phát hiện tranh gương từng thuộc về Điện Cần ChánhRa mắt bộ sưu tập tranh quý của họa sĩ Huế Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tặng tranh quý cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

 Tác phẩm “Hùng Vương dựng nước” (chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1990, họa sĩ Vĩnh Phối)

Sưu tập thêm tác phẩm quý

Họa sĩ tài danh Tôn Thất Đào từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Hiện tư gia của cụ vẫn còn lưu giữ hơn 30 tác phẩm. Tranh của cụ ở trên thị trường vốn rất hiếm. Nếu “thương vụ” sưu tập nói trên thành công, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ sở hữu tác phẩm thứ 2 của họa sĩ Tôn Thất Đào. Trước đó nhiều năm, sau nhiều lần thương lượng, bảo tàng này đã sở hữu được tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa sen” (lụa, 50x70cm).

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nói rằng, tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào hiện nay rất quý, không có nhiều trên thị trường, vì thế sẽ cố gắng để sưu tập. Ngoài ra, bảo tàng cũng muốn tìm đến gia đình để tìm hiểu và sưu tập đúng địa chỉ, đảm bảo đúng nguồn gốc.

“Cảnh trong vườn” chất liệu bằng lụa, có kích thước 45x85cm được họa sĩ Tôn Thất Đào sáng tác vào năm 1955. Bối cảnh trong tác phẩm là không gian một khu vườn rộng lớn, có bình phong, hòn non bộ và cây cối, chim muông… Cạnh đó có nhiều người, trong đó phần đông là các thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha cùng dạo chơi, nô đùa. “Đây là bức tranh lụa xếp vào hàng hiếm của cụ Đào. Nhìn vào đó ta thấy được cảnh sắc đậm chất Huế, gắn liền với ngôi nhà vườn vùng đất Cố đô”, một người cháu trong gia đình cố họa sĩ chia sẻ.

Đợt này còn có 3 tác phẩm khác được đưa vào danh sách đề xuất sưu tập, gồm: “Hùng Vương dựng nước” (chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 1990, họa sĩ Vĩnh Phối), “Lễ đính hôn của người K’Tu” (chất liệu gỗ, sáng tác năm 2022, điêu khắc gia Molokai) và “Chân dung” (chất liệu sơn dầu, sáng tác năm 2020, họa sĩ Vũ Duy Tâm).

Ngân sách cho việc sưu tập các tác phẩm năm nay vào khoảng 2 tỷ đồng. Đây được xem là con số khá khiêm tốn để đầu tư cho việc sưu tập các tác phẩm mỹ thuật quý cho bảo tàng còn non trẻ như Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Tuy nhiên, những nỗ lực của bảo tàng đáng ghi nhận khi những năm qua đã sưu tập thành công rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi gắn liền với vùng đất Cố đô như Tôn Thất Đào, Tôn Thất Sa, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, Mai Trung Thứ, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé, Đỗ Kỳ Hoàng, Vĩnh Phối, Đinh Cường, Phan Xuân Sanh, Võ Xuân Huy…

Chưa biết treo ở đâu?

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, với tiêu chí sưu tầm ưu tiên cho từng giai đoạn, trong thời gian qua công tác sưu tầm tập trung vào các tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi - là người Huế; sinh sống, học tập và làm việc tại Huế - những nghệ sĩ đã góp phần xây dựng nên nền mỹ thuật Huế, từ những thập niên đầu của thế kỷ XX đến nay. Đa số những nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ đang còn sinh sống ở Huế nên công tác sưu tầm có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu, khảo sát và trao đổi trực tiếp với nghệ sĩ hay gia đình của nghệ sĩ nhằm lựa chọn những tác phẩm tốt cho bảo tàng.

Thế nhưng bà Trai cho rằng, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương cấp cho việc mua tác phẩm mỹ thuật ngày càng hạn hẹp, trong khi đó những tác phẩm có giá trị phù hợp với bảo tàng lại có giá cao. Điều này sẽ là lực cản trong lựa chọn và mua được những tác phẩm tốt của các họa sĩ.

“Đã gần 6 năm thành lập, đến nay bảo tàng vẫn chưa được bố trí trụ sở, cơ sở vật chất để tổ chức trưng bày nên những tác phẩm mỹ thuật mà Bảo tàng sưu tầm trong thời gian qua chỉ được lưu kho, bảo quản nên không thể phục vụ nhu cầu thưởng lãm, nghiên cứu, tìm hiểu của công chúng. Điều này cũng mang lại nhiều sự băn khoăn, trăn trở đối với các họa sĩ, gia đình họa sĩ khi quyết định chuyển nhượng tác phẩm cho bảo tàng cũng như các tổ chức, cá nhân hiến tặng tác phẩm cho bảo tàng”, bà Trai trăn trở.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn”

Hưởng ứng Festival mùa thu Huế 2024 và nhân Lễ Vu lan năm Giáp Thìn, Bảo tàng Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn tại số 114 đường Mai Thúc Loan, TP. Huế tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn” vào sáng 15/8.

“Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn”
Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chiều 22/3, tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại TX. Hương Thủy) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam”.

Trưng bày chuyên đề về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật

Bên cạnh lối trưng bày truyền thống, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng đến kết hợp công nghệ số để thu hút, hấp dẫn, tăng cường khả năng trải nghiệm cho người xem. Công nghệ số cũng cần tập trung đến việc số hóa dữ liệu trưng bày để phục vụ, khai thác các giải pháp thông minh.

Tính toán cho không gian trưng bày mỹ thuật
Return to top