Tập thơ “Neo bóng trăng gầy”, NXB Thuận Hóa, năm 2021
Với Trường Thắng, người miệt mài cùng con chữ trong nhiều năm qua đã tạo dựng nên hình hài của 6 tập thơ, dựa trên nhiều chất liệu, nội dung đề tài và thi pháp, cho thấy sự đam mê đã có thành quả bước đầu.
Từ điểm nhìn của một nhà giáo có trái tim nồng hậu, thơ Trường Thắng là điểm nhìn đa cảm, cả nghĩ về kiếp nhân sinh, những chuyến đò của số phận, chút men của tình yêu, những sắc màu theo năm tháng của thiên nhiên, cảnh vật.
“Neo bóng trăng gầy” là tập thơ mới nhất, đi theo dòng chủ lưu như thơ anh theo đuổi, nơi ký ức ngừng lại, tìm vui trong gió mây, tìm quên trong trái tim đương đập những nhịp rộn ràng, trìu mến. Tập thơ chia làm bốn phần về các chủ đề: Tình - đời - đạo - hoa là tập hợp các đề tài tác giả yêu thích, được thể hiện bằng các thể thơ tự do, lục bát…
Tập thơ được trình bày và in bắt mắt
Sông Hương, dòng sông thi ca và huyền thoại đã hằng hiện những vết tích ảo diệu, lóng lánh của mình lên nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật cổ kim. Sống giữa nắng mưa xứ Huế, đi về giữa bên ni bên nớ hai bờ sông Hương, người thơ đôi lúc gửi nỗi niềm thân phận về phía dòng sông ấy. Dòng sông là nơi hò hẹn, nơi chân ái tỏa đi làn ánh sáng son sắt của kiếp tình chung:
Anh vẫn ngồi chờ người năm cũ
Bến nước dòng sông vẫn chảy dài...
(Bến chưa chồng)
Sông Hương trong thơ Trường Thắng còn là khoảng ký ức của tuổi hoa niên theo đò đến lớp. Người thầy ấy không quên những chuyến đò chở học trò qua sông như những ngày xưa ấy mình cũng theo những nhịp chèo từ xa vắng vọng về:
Quai chèo gác mái qua sông
Già ơi năm tháng chất chồng
thời gian
(Bến đò Thừa Phủ vọng âm)
“Già ơi năm tháng chất chồng thời gian” đưa ta quay về hôm nay của tuổi già hồi nhớ. Thời gian như bóng câu, quai chèo giờ gác mái nhưng kỷ niệm xưa vẫn còn đó, đau đáu hằn lên nếp nhớ đến nỗi tác giả phải thán lên rằng:
Bến đò Thừa Phủ giờ đâu
Nam Bình Cổ Bản giọt sầu vọng âm
(Bến đò Thừa Phủ vọng âm)
Bến đò Thừa Phủ giờ đã là dĩ vãng, còn đây trong những tấm hình cũ và những câu chuyện dài man mác. Bao nhiêu học trò qua sông nơi bến đò Thừa Phủ giờ đi đâu cả rồi, chỉ còn những bản ca Huế “Nam ai, Nam bình”, Cổ bản nhặt khoan từng tiếng cất lên nỗi buồn vang đọng.
Dòng sông cho thấy sự biến chuyển, khắc đậm dấu ấn thời gian. Và những vòng quay của bốn mùa, của thiên nhiên, thời tiết trút lên dâu bể muôn vàn đổi thay:
Nắng mưa quả mong manh
Trần gian đầy dâu bể.
(Bao la)
Sự mong manh của hiện hữu, của thân phận không phải là yếu tố có tính phát hiện, đó là sự đồng cảm. Cũng giống như, việc tác giả bày tỏ thái độ bất ngờ với muôn chuyện trải lòng, bất ngờ nhất có lẽ là bất ngờ với sự biến đổi của thời gian phôi pha màu tóc:
Bất ngờ tóc bạc đa mang
Bất ngờ tỉnh thức thuyền nan
lững lờ
(Bất ngờ)
Tập thơ như những dòng nhật ký, những mảnh rời của ký ức, nơi người thơ nhắc nhớ mình về thời gian, những trải nghiệm đã lấm lên màu tóc. Chỉ chừng đó thôi, Trường Thắng cũng đã ngân lên những nhịp lắng đọng, toát ra những điều vang bóng ít nhất là trong lòng tác giả, trong khoảnh khắc sống lại những ngày đã qua.
Bài, ảnh: VIÊN THI