Tác phẩm “Lăng Tự Đức” của Nguyễn Quang Mẫn - Tác phẩm đạt giải thưởng của Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế
Những khai phá mới
Gọn gàng nhưng chất lượng là nhận xét của giới chuyên môn khi đến dự triển lãm mỹ thuật trẻ lần thứ 3 tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế (diễn ra từ ngày 26/3 đến 2/4). Quy tụ 52 tác phẩm của 51 tác giả trẻ có tuổi đời dưới 40, triển lãm giới thiệu đến công chúng những sáng tác mới thuộc nhiều thể loại, như: sắp đặt, tranh giá vẽ, đồ họa in ấn, điêu khắc tượng tròn, phù điêu với đa dạng chất liệu.
Dù còn vắng bóng nhiều thể loại nghệ thuật mới nhưng qua những khai phá, tìm tòi trong 1 năm qua, tại triển lãm này, năng lực sáng tạo trẻ được bộc lộ rõ nét từ sự đa dạng hình thức thể loại, kỹ thuật, chất liệu cho đến bút pháp thể hiện và sự phong phú chủ đề. Hội họa có lụa, sơn dầu, màu nước, acrylic, sơn mài, chất liệu tổng hợp. Điêu khắc có composite, gỗ, sắt, tổng hợp. Đồ họa có bút sắt, thủy ấn họa, trucchigraphy... Bên cạnh sự tươi mới trong phong cách mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ, nhiều tác phẩm có bút pháp vững vàng, kỹ thuật, chất liệu điêu luyện thể hiện sự dày công lao động và sức bền sáng tạo.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Mặc dù chưa hoàn hảo vì không gian chật, khó hiện diện đầy đủ các hình thức nghệ thuật mới nhưng phòng tranh này cũng thể hiện được lát cắt khá đầy đủ các xu hướng thiết kế, thể loại tạo hình, cách nhìn, cách nghĩ của các nghệ sĩ trẻ”.
Tác phẩm “Thế hệ cuối cùng” của Phạm Văn Nhân - Tác phẩm được trao giải thưởng mỹ thuật Đinh Cường
“Lăng Tự Đức” của Nguyễn Quang Mẫn là bộ ba tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên hữu tình ở lăng Tự Đức bằng chất liệu khắc gỗ phá bản. Phong cảnh, kiến trúc của di tích này được tác giả đồng hiện bằng những hình ảnh chồng lớp lên nhau, tạo nên chiều sâu, độ xa gần của tác phẩm và người xem hẳn có cảm tưởng như đang dạo bước lên lăng Tự Đức. Quang Mẫn cho biết: “Khắc gỗ phá bản đòi hỏi sự kỳ công, độ chính xác cao. Sau khi thu thập thông tin, ký họa, em chọn lọc những hình ảnh đặc trưng để tạo ra từng lớp không gian.
Trong hành trình sáng tạo, hình tượng người phụ nữ luôn gắn liền với nhà điêu khắc Phan Thanh Quang. Tại triển lãm này, tác phẩm “Thiếu nữ” của anh hội tụ vẻ đẹp và thiên chức của người phụ nữ qua cách tạo hình và kết hợp chất liệu. Thể hiện tác phẩm bằng gỗ và đất nung, tác giả muốn dùng chất liệu thiên nhiên ban tặng để tôn vinh hình tượng người phụ nữ, gửi gắm thông điệp về sự trường tồn, vĩnh cửu.
Tác phẩm “Thiếu nữ” của Phan Thanh Quang - Tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế
Cú hích sáng tạo
Từ năm 2016, triển lãm mỹ thuật trẻ được tổ chức thường niên, là nỗ lực của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế trong việc đổi mới nội dung hoạt động chuyên môn giai đoạn 2015-2020. Sân chơi này hướng đến đối tượng sáng tác trẻ đang dồi dào năng lượng và khát khao sáng tạo; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng và đánh giá những kết quả đạt được trong hoạt động thực hành nghệ thuật của giới trẻ trong và ngoài Hội Mỹ thuật.
Qua 3 lần tổ chức, triển lãm mỹ thuật trẻ với những tìm tòi thể nghiệm đang dần khẳng định tính chuyên nghiệp. Sân chơi này tạo được cú hích kích thích giới mỹ thuật trẻ giàu năng lượng sáng tạo hơn, để họ tự tin trổ tài, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mới.
Dù trẻ nhưng nhiều tác giả thể hiện tay nghề chín và có những suy nghĩ táo bạo. Nhiều tác phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, mang dấu ấn phát triển cho tương lai. Trong đó, một số tên tuổi nghệ sĩ trẻ được khẳng định qua các giải thưởng và được công chúng biết đến nhiều hơn. Những tác phẩm được Ban tổ chức lựa chọn trao giải khá tiêu biểu, thể hiện độ chín của sự sáng tạo; chất lượng và ngôn ngữ tạo hình, kỹ năng thể hiện khá phong phú. Đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới là sinh viên mỹ thuật, có người đã tốt nghiệp nhưng có bạn vẫn đang còn học trên ghế nhà trường.
Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Phạm Văn Nhân chưa từng tiếp xúc với hội họa. Nhân kể: “Một lần tình cờ xem tranh trên mạng, em nảy ra ý định vẽ tranh để thoát ra cuộc sống nhàm chán thường nhật. Thế là em bỏ việc ở Sài Gòn về Huế học vẽ. Mày mò học vẽ trên mạng là chính, dần dà em tự thể hiện được ý tưởng, suy nghĩ về những điều bình dị trong cuộc sống bằng giá cọ”. Lần đầu tiên tham gia triển lãm, tác phẩm “Thế hệ cuối cùng” của Phạm Văn Nhân được trao giải thưởng mỹ thuật Đinh Cường bởi chất lượng tác phẩm tốt, đường nét, màu sắc chỉn chu. Bức tranh vẽ lối hiện thực nhưng được tư duy bài bản, chuyển tải đến người xem thông điệp về việc giữ gìn giá trị văn hóa nguyên thủy của dân tộc Dao đỏ.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế cho rằng: “Với triển lãm mỹ thuật trẻ, chúng tôi mừng vì các thế hệ trẻ tiếp nối được nền tảng, dòng chảy của mỹ thuật Thừa Thiên Huế. Tác phẩm của họ là sự tìm tòi về chuyên môn, đào sâu về kỹ thuật. Tuy vậy, tôi mong mỹ thuật trẻ có những tác phẩm va đập vào hiện thực đời sống nhiều hơn, thể hiện sự rung cảm gắn liền với đời sống xã hội”.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN