ClockThứ Hai, 05/06/2023 16:06

Cội nguồn Bảo tàng Khải Định ở Huế

TTH - Trong chương trình hoạt động của Hội Đô thành Hiếu cổ, chiến lược nghiên cứu và sưu tầm, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa - nghệ thuật Việt Nam rất được chú trọng, Tập san Hội Đô thành Hiếu cổ và Bảo tàng Khải Định là thành tựu điển hình, với sứ mệnh to lớn, giúp Huế sáng tỏ vượt thời gian.

Khai trương không gian Tàng Thư Lâu

leftcenterrightdel
Khuôn viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày nay, tiền thân là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định). Ảnh: Bảo Phước 

Khởi nguồn là tâm huyết và tầm nhìn chiến lược về di sản văn hóa dân tộc của Hoàng đế Khải Định, cộng hưởng với chính sách, xu hướng canh tân từ phía Pháp, để đồng thuận xây dựng tại Kinh đô Huế một bảo tàng độc đáo, đặc trưng.

Trong thông tư ngày 15/5/1923 về việc thành lập Bảo tàng Khải Định tại Huế, Khâm sứ Trung kỳ P. Pasquier khẳng định: “Sự hiểu biết sáng suốt của Đức Khải Định về các vấn đề ảnh hưởng đến việc giáo dục nghệ thuật của người dân Việt Nam đã khiến chúng ta có thể thành lập ở Huế một Bảo tàng nhằm tập hợp các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho đời sống xã hội, nghi lễ và chính trị của xứ Đại Nam. Hoàng thượng đã rất tuyệt vời khi đánh dấu sự quan tâm to lớn mà Ngài dành cho tuyệt phẩm này bằng cách cung cấp cho Ngài, để sắp đặt các bộ sưu tập trong tương lai, tại Cung Tân Thơ Viện, mà từ nay sẽ mang tên là Viện Bảo tàng Khải Định” (Khải Định Tàng cổ viện).

Theo đó, bảo tàng được đặt dưới sự giám sát của Hội Đô thành Hiếu cổ, nhằm tạo ra các quần thể, tái tạo một số nội thất bản địa, để lưu giữ những mẫu vật đẹp nhất của nghệ thuật Việt Nam (bao gồm đồ cổ, đồ sứ, đồ tráng men, sơn mài, đồ đồng, đồ thêu, bản vẽ và tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, đồ khảm, đồ trang sức, đồ thuộc da, đồ thờ cúng hoặc vật dụng thường nhật...), tất cả các đồ vật thể hiện rõ nét tư tưởng của người thợ thủ công, của người nghệ sĩ và sẽ tạo thành một bộ sưu tập các mô hình quý giá để hình thành thị hiếu và cảm xúc nghệ thuật cho hậu thế. Họ cũng sẽ sản xuất một bộ phim tài liệu để nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử và cuộc sống của người dân Việt Nam.

Bảo tàng Khải Định là sự bổ sung cần thiết cho khóa học về mỹ học Viễn Đông được tạo ra tại trường cao học ở Huế. Trên thực tế, cần tôn trọng mọi nguồn nghệ thuật, giáo dục đậm tính dân tộc, có khi quá dễ dàng quên đi những hình thức, đôi khi cổ xưa - nơi chứa đựng bản sắc và tư tưởng dân tộc, để sao chép các mô hình phương Tây mà không hiểu ý nghĩa bên trong của chúng bởi sự không tương thích với tài năng và tư tưởng Việt. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết bảo vệ một di sản tuyệt vời và hấp dẫn, không để mất đi một mạch nghệ thuật đã tạo ra những kiệt tác, không được tạo ra theo quan niệm thẩm mỹ của người phương Tây, nhưng không kém phần đặc trưng cho tinh thần, thị hiếu của dân tộc Việt.

Cả hai phía Pháp, Việt Nam đều có văn bản gửi về các địa phương, các ngành. Phía Pháp bố trí một khoản tín dụng trong ngân sách địa phương để mua các hiện vật, nên hy vọng những đóng góp của toàn xã hội sẽ cho phép thu thập nhanh, phong phú đa dạng bộ sưu tập độc đáo này bởi tất cả cần được tiếp cận như là di sản quốc gia, nếu không có bảo tàng Khải Định thì rất có nguy cơ bị biến mất, bị phân tán, phá hủy. Chính quyền yêu cầu truyền thông rộng khắp về bảo tàng để triển khai việc tổ chức điều hành và sưu tập những tác phẩm thú vị bằng cách mua hoặc hiến tặng; riêng với những đồ vật đặc biệt quý hiếm, có thể xin phép chủ nhân để có thể có được một bản sao, hoặc bức ảnh hiện vật. Cũng trong chiến lược này, sau khi bảo tàng mở cửa, sẽ có thể thêm Trường Mỹ thuật An Nam với những nguyên tắc và thời điểm thích hợp (Công báo Trung kỳ, số 11 năm 1923, tr. 717-719).

Trong buổi giao thời, có thể thấy vua Khải Định rất nhạy bén với những giá trị văn minh mới từ phương Tây, nhất là sau chuyến sang Pháp năm Nhâm Tuất (1922) càng thúc đẩy khát vọng canh tân đó và sản phẩm đầu tiên là khơi nguồn thành lập một viện bảo tàng tại Huế, như ông P. Pasquier khẳng định. Nhờ những trao đổi đầu tiên đó mà từ ngày 18/4/1923, Nghị định số 458 của Khâm sứ Trung kỳ đã cấp ngân sách 3.000f  cho Hội Đô thành Hiếu cổ để thành lập Viện Bảo tàng Huế (ngân khoản thuộc chương 17, điều 2, khoản 1 ngân sách địa phương Trung kỳ năm tài chính 1923).

Đến ngày 7/5/1923, Khâm sứ Trung kỳ bàn với Bộ Công việc thành lập bảo tàng viện tại Kinh thành do ngân sách trong năm dành cho khoản bảo tồn cổ tích vẫn còn, để tìm kiếm và lưu trữ các đồ mỹ thuật và trang sức, đồ rất tinh xảo và nhất là những hiện vật gắn liền lịch sử Việt Nam. Phía Pháp đề nghị Bộ Công tâu xin đặt tên là Khải Định Tàng cổ viện, đặt tại Tân thư viện. Hoàng thượng đồng ý, có châu phê thì xin khắc bảng vàng lời châu phê treo lên gian chính giữa bảo tàng, đến khi khánh thành, lại xin Hoàng thượng ngự bút châu phê vào trong một quyển sách vàng để làm kỷ niệm (Thực nghiệp dân báo, số 768, ngày 12/5/1923, cảm ơn GS. Nguyễn Bá Dũng!).

Đó là tinh thần, bối cảnh ra đời Đạo dụ ngày 6/7/Quý Hợi (17/8/1923) của Hoàng đế Khải Định để thành lập Bảo tàng Khải Định: Trước nay văn minh của mỗi dân tộc đều thể hiện qua mỹ thuật. Mỹ thuật là tiêu biểu cho giao thông, điển lễ, chính trị và tâm lý của dân tộc ấy. Các vật phẩm mỹ thuật khéo léo của nước Nam ta đời nào cũng có lưu truyền, rất đáng gìn giữ để làm kế sách rốt ráo về quy tắc mỹ thuật cho dân ta trong tương lai. Nay quý Khâm sứ đại thần xin lập một Tàng cổ viện trong Kinh thành, thu gom các vật phẩm mỹ thuật khéo léo của nước ta để gìn giữ cho các nhà kỹ nghệ về sau có cái khảo sát, nhờ đó ngộ ra, ích lợi không nhỏ. Quý đại thần lại xin lấy Tân Thư viện do Hiến tổ Chương hoàng đế thánh chế mỹ quan để làm, vả lại còn bàn lấy niên hiệu của trẫm để mệnh danh, gọi là Khải Định Tàng cổ viện... Còn thư viện nên chờ có tiền xây dựng sẽ xây dựng một nơi khác để chứa cất sách vở” (Đại Nam thực lục phụ biên 7, Nxb. VHVN, 2012, tr 422-243).

Một ủy ban chịu trách nhiệm quản lý, điều hành Bảo tàng được thành lập, do M. Gras - Giám đốc Ngân khố Trung kỳ làm Chủ tịch và ông Peyssonnaux - Quản thủ Bảo tàng; lập ra Ban tuyên truyền và nghiên cứu của Bảo tàng, do Thượng thư bộ Công Thân Trọng Huề làm Chủ tịch (với các thành viên Tham tá Viện Cơ mật Nguyễn Đình Hòe, Tế tửu Quốc Tử giám Lê Văn Miến, giáo sư Trường Bá Công Tôn Thất Sa)..., đã giúp Bảo tàng đi vào hoạt động quy củ, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường dài phát triển về sau.

Chặng đường tròn trăm năm đó đã thực sự xây dựng Bảo tàng Khải Định - Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế trở thành một không gian lịch sử - văn hóa độc đáo, đặc trưng, với nhiều giá trị tinh hoa của Kinh đô - Cố đô Huế hiện nay.

TRẦN ĐÌNH HẰNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Thông tin doanh nghiệp:
Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về

Cố đô Huế là điểm đến du lịch mà ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Với sự lãng mạn, thơ mộng và sự nhẹ nhàng Huế đã đi vào thơ ca của rất nhiều tác giả nổi tiếng. Đến Huế bạn có thể khám phá và trải nghiệm đa dạng các hoạt động thú vị và ý nghĩa. Nếu đang có ý định du lịch Huế và chưa hiểu rõ về mảnh đất này hãy cùng Traveloka khám phá 5 hoạt động thú vị nhất ở nơi đây.

Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về
Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Du lịch đường thủy ở Huế Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Return to top