ClockChủ Nhật, 05/03/2017 11:08

Đường sách ở Huế

TTH - Giới mê sách Huế lâu nay đã thật sự “sốt ruột” khi một số thành phố lớn trong nước đã xuất hiện đường sách, mà Huế - một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, lại đang im lìm.

Ở Hà Nội, từ lâu phố sách Đinh Lễ đã trở thành “thiên đường” của văn hóa đọc, được mệnh danh là “kho sách”của Hà Thành. Ở TP. Hồ Chí Minh, gần đây vừa khai trương đường sách Nguyễn Văn Binh, đường sách Nguyễn Huệ. Mỗi đường sách ấy chỉ dài khoảng 100m, quy tụ nhiều gian hàng của các đơn vị xuất bản nổi tiếng. Dịp lễ tết vừa qua, các đường sách này còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi động như giao lưu giới thiệu tác giả - tác phẩm, các chương trình âm nhạc, các cuộc trò chuyện về trà đạo, các cuộc bình Kiều, bói Kiều… Người Huế nghe chuyện, cứ nghĩ ước chi Huế mình cũng có đường sách.

Huế từ lâu định danh đất học, trung tâm đào tạo lớn của miền Trung và cả nước, với đội ngũ trí thức đông đảo, hàng trăm ngàn sinh viên - học sinh có tinh thần yêu chuộng sách vở là căn nền lý tưởng cho việc tổ chức đường sách. Thật ra, lâu nay các đơn vị xuất bản cũng thỉnh thoảng tổ chức những ngày hội sách, hội chợ sách cũ… tuy nhiên các hoạt động đó chưa đáp ứng hết nhu cầu của đông đảo người yêu sách. Thành phố vẫn thiếu vắng một không gian sách cố định để tạo nên một dấu ấn hẳn hoi về văn hóa đọc ở vùng đất văn hóa. Trong lúc đó, các quầy hàng dịch vụ ăn uống, thời trang mọc lên ngày mỗi nhiều, che lấp hết cả phần sinh hoạt tri thức vốn đang rất ít ỏi của Huế…

Cuối tháng 2/2017, một tin rất vui cho giới mê sách: UBND thành phố Huế, Phòng VHTT Huế vừa gửi đến các nhân sĩ, trí thức Huế bản dự thảo “Đề án đường sách thành phố Huế” để lấy ý kiến góp ý. Theo đề án, Huế sẽ tổ chức một đường sách có tên gọi là “Đường Sách thành phố Huế”. Con đường được lựa chọn là đường Bà Huyện Thanh Quan nằm ở bờ nam sông Hương. Đường này có điểm khởi đầu giáp đường Trương Định, băng qua ngã tư Lê Lợi chạy đến sát phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu vực trung tâm của thành phố. Con đường dài 152m, hai bên tiếp giáp với Trung tâm Học liệu Đại học Huế, Sở Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế. Mật độ xe cộ đi qua con đường này không nhiều, lại không vướng nhà dân, rất thuận tiện cho việc hình thành một đường sách. Việc xây dựng đường sách hình tại đây sẽ tạo nên một điểm nhấn văn hóa trong chuỗi các thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đang hình thành ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu…

Đường sách hình thành sẽ là nơi trao đổi, gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp giữa những người hoạt động văn hóa trong cả nước; nơi giao lưu của các tác giả, độc giả, nơi giới thiệu các xu hướng, trào lưu làm sách mới; tạo một không gian lan tỏa tri thức… Tại đường sách sẽ tổ chức giới thiệu và mua bán những tác phẩm mới, trao đổi sách hay, sách quý; tổ chức các phiên chợ sách cũ, các vật phẩm văn hóa; nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ, các nhà sưu tập sách cổ, tiền cổ, tem, postcard… Tại đây, các hoạt động định kỳ được xác định như giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu tác phẩm mới, các buổi tọa đàm, các hoạt động gắn với các dịp lễ hội như Ngày sách Việt Nam, Festival Huế… Các hoạt động không định kỳ sẽ được tổ chức như các chương trình phục vụ văn hóa đọc, các buổi sinh hoạt của các cơ quan văn hóa, các câu lạc bộ…

Như vậy có thể xác định, Huế sẽ có một đường sách ở vị trí đẹp trong thành phố. Một số ý kiến trao đổi bước đầu là liệu tên “Đường Sách thành phố Huế” đã hợp lý chưa? Bởi nhiều khi chỉ cần gọi đúng tên đường: “Đường sách Bà Huyện Thanh Quan”, là đủ?

Tên gọi cụ thể như thế nào thì các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu Huế sẽ có ý kiến thống nhất với UBND thành phố Huế. Nhưng với việc giấc mơ đường sách đang dần trở thành hiện thực, thì đây thật sự là tin vui!

HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã trở thành một sự kiện được chú ý trong hệ thống các Festival trên thế giới.

Festival Huế - Thương hiệu, đẳng cấp, hấp dẫn
Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế

Là điểm nhấn ý nghĩa thu hút du khách và người dân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không gian trải nghiệm ẩm thực, thơ, áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 tại Công viên Thương Bạc diễn ra từ ngày 27/4- 1/5 đã mang đến một địa điểm vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực các vùng miền trong cả nước, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp cho kỳ nghỉ lễ dài.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Huế
Huế tạo bức tranh lớn về du lịch

Tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách quốc tế cũng như sự ghi nhận của báo chí và những tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội để Huế tạo được một bức tranh lớn về du lịch. Du lịch Huế 2024 và những năm tiếp theo sẽ là những gam màu sáng.

Huế tạo bức tranh lớn về du lịch
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Return to top