Thuyết minh viên Diệp Thúy Hằng (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế với du khách
Nguyện gắn bó suốt đời
Giữa khung cảnh yên bình của làng quê Dương Nổ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xanh mát bóng cây, hòa mình giữa thiên nhiên. Trong ngôi nhà mái tranh ấy, hàng ngày, anh Nguyễn Hạnh cần mẫn với công việc chăm sóc di tích của Bác. Công việc thường nhật của anh mỗi buổi sáng là tưới cây, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn tược, lau chùi hiện vật. Xong đâu đấy, anh thay hoa, kính cẩn thắp nén hương lên bàn thờ. Công việc tưởng chừng nhàm chán nhưng với anh Hạnh lại rất cuốn hút bởi anh cảm nhận được sự ấm áp tỏa ra từ căn nhà, từ những kỷ vật thân thuộc.
Anh Hạnh là thế hệ thứ hai trong gia đình đảm nhận việc trông coi, chăm sóc di tích của Bác tại Dương Nổ. Cha anh, ông Nguyễn Liêm cũng từng làm công việc này từ khi nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nổ ra đời. Nhà ông Liêm vốn sống cạnh di tích, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh mở rộng di tích này, gia đình ông Liêm tự nguyện di dời để nhường phần đất lại cho bảo tàng xây dựng không gian trưng bày.
Sống cạnh di tích của Bác, tuổi thơ của anh Nguyễn Hạnh gắn bó với ngôi nhà này. Anh chia sẻ: “Thuở lên 9, lên 10, tôi vẫn chạy sang đây chơi mỗi ngày. Lớn lên, biết đây là ngôi nhà Bác Hồ từng sống thời niên thiếu, tôi rất tự hào khi trên quê hương mình từng lưu dấu chân Người. Càng vinh dự hơn khi 15 năm nay, với công việc bảo vệ, tôi góp phần lưu giữ hơi ấm, hình bóng của Bác để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thăm có thể tự hào".
Từng là người lính Cụ Hồ, anh Nguyễn Thanh Thoại cũng có 19 năm gắn bó với công việc bảo vệ ở nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Mai Thúc Loan. Quan sát anh Thoại làm việc mới cảm nhận được tình cảm của anh đối với Bác Hồ cũng như những kỷ vật của Bác và gia đình. Chiếc xa quay, khung cửi, bàn têm trầu của bà Hoàng Thị Loan, cho đến chiếc đĩa đèn dầu, nồi niêu, bát, đĩa... đều được anh vệ sinh cẩn thận. Ngay cả cách cầm cái khăn, cái chổi cũng rất nhẹ nhàng.
Truyền xúc cảm
Ngoài những người làm công tác bảo vệ, đội ngũ thuyết minh viên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là những người có nhiều kỷ niệm gắn bó với di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mai Thúc Loan và Dương Nổ. Hàng tháng, cứ luân phiên một tuần trực ở Dương Nổ, một tuần ở Mai Thúc Loan, những câu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế dẫu đã thuộc nằm lòng vẫn khiến các thuyết minh viên xúc động khi giới thiệu với du khách.
Dịp Tết Độc lập năm ngoái, hòa vào dòng người đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở Mai Thúc Loan, tôi được nghe thuyết minh viên Diệp Thúy Hằng xúc động giới thiệu: “Đây là nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khi đến Huế, nơi lưu dấu tuổi thơ đầy nước mắt của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ở ngôi nhà này, thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan đã qua đời trong cảnh cơ hàn, để lại cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung lúc ấy mới 11 tuổi người em mới chào đời, chẳng bao lâu em cũng mất. Kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ của Người ở Huế là nỗi đau mất mẹ, là tiếng khóc của em thơ khát sữa, là nơi đã hun đúc ý chí, khát vọng về độc tập tự do cho dân tộc…”. Nói đến đây, giọng chị Hằng cũng nghẹn lại. Chị Hằng kể, 14 năm làm thuyết minh viên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã không biết bao lần chị giới thiệu về thời thơ ấu của Bác ở Huế nhưng mỗi một lần nhắc đến những mất mát, đau thương của Người, chị vẫn xúc động muốn khóc.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, thuyết minh viên Nguyễn Thị Minh Toán thường hay được nghe cha kể những câu chuyện về Bác Hồ. Đến khi vào công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, những tình cảm với Bác Hồ có từ thơ bé lại càng thêm sâu đậm. Những cảm xúc sâu lắng ấy giúp chị truyền tải về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, nhất là thời niên thiếu của Bác tại Thừa Thiên Huế đến người nghe đầy xúc cảm.
Cứ thế, khoảng thời gian 10 năm Bác Hồ và gia đình sống ở Huế với những câu chuyện đời thường, những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, như chuyện Bác đến học bài tại am Bà, cùng tham gia chơi khăn, đánh đáo, tắm sông, câu cá… cũng như những ảnh hưởng của thời kỳ này đến tư tưởng Bác Hồ được chị Toán cùng các thuyết minh viên khác chuyển tải, lan tỏa đến khách tham quan.
“Trong suốt 10 năm làm thuyết minh viên ở hai di tích, tôi luôn cố gắng truyền tải đầy đủ để khách nắm rõ giai đoạn Bác Hồ và gia đình học tập, sinh sống ở Thừa Thiên Huế cùng những tình cảm Người dành cho Nhân dân Thừa Thiên Huế. Càng lớn, tôi càng có nhiều trải nghiệm để thấm sâu những biến cố, mất mát, đau thương Bác từng trải qua thời thơ ấu. Đến không gian này, tôi luôn cảm thấy thiêng liêng và cảm giác như vẫn còn vương vấn hơi ấm của gia đình Bác trong giai đoạn sống ở đây”, chị Minh Toán bộc bạch.
Bài, ảnh: MINH HIỀN