ClockThứ Hai, 03/09/2018 13:30

Bảo tồn & phát huy giá trị Hải Vân Quan

TTH - Khẩn trương về tiến độ nhưng phải đảm bảo tính nguyên gốc, chân xác về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… là yêu cầu đặt ra với việc lập dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan.

Công bố kết quả khảo cổ Hải Vân QuanDự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân: Khó bàn giao mặt bằng “sạch” trước 15/7Đề xuất phương án sát nhập các trạm thu phí khu vực hầm Hải Vân

Hiện trạng khai quật khảo cổ Hải Vân quan. Ảnh: T. Thủy

Cấp thiết

Sau gần 200 năm tồn tại (tính từ khi được quy hoạch hoàn chỉnh vào năm Minh Mạng thứ 7 – 1826 đến nay), kiến trúc di tích Hải Vân quan đã thay đổi rất nhiều. Kết quả khai quật khảo cổ phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc từ thời Nguyễn ở di tích này, gồm: hai cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan - Hải Vân quan và hệ thống bậc cấp lên xuống cùng đường đi, cổng phụ, hệ thống tường thành, pháo nhãn, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố. Giai đoạn từ năm 1946 đến 1975, khi đồn trú tại Hải Vân quan, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xây dựng mới hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng. Những công trình này chồng đè lên vị trí các kiến trúc xây dựng thời Nguyễn và làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích.

Xác định sự cấp thiết của việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của Hải Vân quan, các cơ quan chuyên môn kiến nghị cần thiết tôn tạo, phục hồi di tích theo kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ xem đó là chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích. Đồng thời, tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất hai phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan. Phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình thời nhà Nguyễn phía trong vùng I bảo vệ di tích, một đoạn đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng. Những công trình nằm giữa khu vực I và II của di tích – các công trình được xây dựng giai đoạn 1946 - 1975, sẽ được bảo tồn thích nghi. Ở phương án thứ hai, bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất (thời kỳ chống Pháp).

Hải Vân quan. Ảnh: H. Hải

Tranh thủ ý kiến các chuyên gia

Phân tích từng phương án, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề xuất nghiêng về phương án thứ nhất. Theo ông, phương án này đòi hỏi phải giải quyết một cách triệt để những vấn đề phục hồi di tích nguyên gốc, đảm bảo tính chân xác của công trình, từ tính chất cấu trúc đến vật liệu, tái hiện linh hồn lịch sử. Đồng thời, giải quyết được mối quan hệ hài hòa và có kết nối giữa kiến trúc thời Nguyễn với những giai đoạn tiếp theo. Đối với phương án 2, “việc thực hiện đơn giản hơn nhiều và có ưu điểm là thể hiện dòng chảy của lịch sử, nhưng lại không làm nổi bật được di tích Hải Vân quan dưới triều Nguyễn. Sự chồng đè của các lớp lịch sử cũng khiến người của thế hệ sau khó phân biệt được đâu nguyên gốc của Hải Vân quan thời nhà Nguyễn và đâu là kết quả của sự biến đổi”, TS. Phan Thanh Hải nói.

Đại diện phía Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng bước đầu chọn phương án 1. Tuy nhiên, dù chọn theo phương án nào, đối với Hải Vân quan cũng cần thiết có một cuộc hội thảo để quy tụ và tranh thủ tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Để Hải Vân quan có thể kịp khởi công phục hồi tôn tạo trong năm 2019, Giám đốc Huỳnh Văn Hùng cho biết Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng đề nghị ủy quyền cho Thừa Thiên Huế thực hiện các thủ tục pháp lý cho dự án. Phía Đà Nẵng tin tưởng Thừa Thiên Huế và chỉ tham gia ở vai trò giám sát, đồng hành cùng Thừa Thiên Huế.

Hải Vân quan sẽ được phục hồi bảo tồn theo phương án nào thì chính quyền 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế còn tiếp tục họp bàn và thống nhất. Ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng vừa phục hồi nguyên trạng di tích Hải Vân quan, vừa giữ lại một phần vừa phải những dấu tích thời Pháp, Mỹ vì đó là một phần trong dòng chảy lịch sử. Đối với dấu tích về con đường thiên lý Bắc - Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Dung cho rằng nếu không thể phục hồi hết thì cần thiết phục hồi một đoạn để kể câu chuyện người xưa đã từng đi qua đỉnh Hải Vân như thế nào. Quan trọng là phải phục hồi đúng nguyên gốc và đúng tinh thần của người xưa.

Theo TS. Phan Thanh Hải, yêu cầu ban đầu đặt ra đối với Hải Vân quan là quy hoạch toàn bộ đỉnh đèo Hải Vân. Nhưng với khối lượng công việc đó thì không thể kịp để khởi công dự án phục hồi tôn tạo di tích trong năm 2019, nên đề xuất chia dự án thành hai bước. Bước một, quy hoạch trùng tu vùng lõi di tích. Bước hai, quy hoạch tổng thể đỉnh đèo Hải Vân gắn với phát huy giá trị kiến trúc công trình, tôn tạo cảnh quan, sắp đặt hệ thống nhà nghỉ dưỡng, hàng quán, nhà vệ sinh, điểm thu gom rác…

“Thống kê sơ bộ, trong năm 2017, Hải Vân quan đón khoảng 320.000 lượt khách tự phát dừng chân. Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của Hải Vân quan không hề giảm sút dù đã có đường hầm. Chúng tôi nghĩ rằng sau này Hải Vân quan được phục hồi tôn tạo gắn với việc phát huy giá trị di tích thì sẽ trở thành điểm khai thác du lịch rất tốt. Đây cũng sẽ là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền Trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

THU THỦY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh

Nền an ninh nhân dân “là sức mạnh tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”(1). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 một lần nữa khẳng định: Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó lực lượng công an giữ vai trò tham mưu và nòng cốt.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
Return to top