ClockThứ Năm, 17/12/2020 06:15

Tìm kiếm tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật

TTH - Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức từ ngày 12 đến 17/12 tại Nhà hát Sông Hương cho thấy, trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật, công tác tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ càng được quan tâm, chú trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Khai mạc hội thi tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật toàn quốcHội tụ sắc thái đặc trưng của mỹ thuật Huế

Hội thi là dịp hội tụ tài năng trẻ, trình diễn bản sắc văn hóa của các vùng miền

Sắc màu địa phương

Với chủ đề “Hương sắc vùng cao”, phần dự thi của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La giới thiệu đến khán giả những đặc trưng văn hóa của người dân Tây Bắc. Những tiết mục múa “Đêm trăng”, hòa tấu “Gọi tình”, tốp ca “Trêu gái xúc cá” hay múa “Rừng thiêng”… thể hiện đậm nét sắc màu văn hóa, đời sống sinh hoạt độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Thí sinh Thào Thị Mênh, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ: “Chúng em muốn mang đến hội thi nét bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc Sơn La. Ngoài giao lưu, hiểu thêm văn hóa các vùng miền khác, chúng em còn được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn để có thêm động lực, đam mê tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trên con đường nghệ thuật”.

Thể hiện đặc trưng văn hóa Huế, chương trình dự thi “Về miền di sản” của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế cũng trình diễn những loại hình nghệ thuật độc đáo của Huế, như: hòa tấu dàn nhạc “Tứ đại cảnh”, hát ca Huế “Hò mái nhì – Nam bình Nước non ngàn dặm”, độc tấu đàn tranh “Mùa thu quê hương”, độc tấu đàn nguyệt “Tình quê hương”. Ấn tượng nhất là trích đoạn ca kịch Huế “Bạch Viên – Tôn Cát” được các thí sinh vào vai rất ngọt, diễn rất có hồn gây xúc động cho khán giả.

Ông Nguyễn Thanh Mãi, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế bày tỏ sự hài lòng sau phần trình diễn của các thí sinh: “Thời gian tập luyện chỉ một tháng nhưng các em đã thể hiện được những bài bản lớn của ca Huế, diễn tròn vai trích đoạn ca kịch từ hát đến diễn xuất, vũ đạo là sự cố gắng lớn. Trong khi các đơn vị dự thi các tiết mục ca, múa, nhạc là chủ yếu thì chúng tôi chọn thể hiện trích đoạn ca kịch Huế để thể hiện đặc trưng nghệ thuật của Huế”.

Ở bảng dành cho các trường đại học, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng có phần trình diễn xuất sắc, thể hiện thế mạnh đào tạo của trường. Với chương trình nghệ thuật có chủ đề “Đồng vọng” gồm các tiết mục, như: múa “Đất thở”, độc tấu sáo tiêu “Về miền Trung”, hát chèo “Luyện năm cung”, múa rối “Âm vang Tây Nguyên”… các thí sinh của Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện đặc trưng văn hóa miền Bắc với các thể loại chèo, múa rối, sáo… Học viện Âm nhạc Huế với phần dự thi “Vũ khúc mùa xuân” cũng phô diễn những thế mạnh của học viện. Bên cạnh dàn nhạc dân tộc đã khẳng định vị thế qua nhiều cuộc thi, học viện còn trình diễn các tiết mục hát dân ca đương đại, thính phòng, guitar…

Chắp cánh tài năng

Quy tụ sự tham gia của hơn 700 thí sinh đến từ 24 trường đại học, cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật trong cả nước, hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc” năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức từ ngày 12 đến 17/12 tại Nhà hát Sông Hương. Gần 200 tiết mục ở các thể loại nghệ thuật sân khấu: chèo, cải lương, dân ca, nhã nhạc, kịch nói, xiếc, ca, múa, nhạc... đã thể hiện bản sắc văn hóa của từng địa phương, vùng miền cũng như thế mạnh, đặc thù của từng trường.

Theo đánh giá của NSND. GS. TS. Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo hội thi, các trường văn hóa nghệ thuật ở mỗi tỉnh đều mang đến hội thi bản sắc văn hóa âm nhạc của địa phương nên các tiết mục tham dự hội thi rất phong phú. Điều đáng mừng là đã xuất hiện những năng khiếu, tài năng trẻ xuất sắc, đồng thời cho thấy hầu hết các trường văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc đã giữ vững được định hướng đào tạo, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc vừa phát huy màu sắc của đời sống mới.

Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn của các trường văn hóa nghệ thuật, việc tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ không hề dễ dàng. Vì vậy, theo NSND. GS. TS. Ngô Văn Thành, trong chiến lược phát triển văn hóa, cần tìm phương thức để đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật từ lứa tuổi còn trẻ. Nếu không có đầu tư, sau thời gian không lâu nữa, chúng ta sẽ mất nguồn nhân lực giữ gìn văn hóa cổ truyền.

GS. TS. Ngô Văn Thành nhấn mạnh: “Việc đào tạo văn hóa nghệ thuật ở các địa phương là sự sống còn của nền nghệ thuật Việt Nam, bởi vì học sinh, sinh viên chính là người tiếp tục giữ gìn vốn văn hóa mang màu sắc riêng của vùng đất. Phải đầu tư về chính sách, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo để thu hút các em có tâm nguyện thi vào trường nghệ thuật yên tâm học tập”.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, đối với công tác đào tạo tài năng trẻ, Bộ VHTTDL rất quan tâm với nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ đào tạo tài năng trẻ trong nước và cả nước ngoài. Bộ cũng ưu tiên đầu tư cho những ngành hiếm với đề án đào tạo 300 chỉ tiêu cho những ngành khó tuyển sinh, xây dựng các bộ tiêu chí lựa chọn học sinh, sinh viên có đủ điều kiện, khả năng để tham gia các lớp bồi dưỡng tài năng. Qua hội thi tài năng trẻ, chúng tôi muốn đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các cơ sở đào tạo, các học sinh, sinh viên để các em trau dồi khả năng biểu diễn. Sau những cuộc thi, các thí sinh trưởng thành, phát huy rất tốt ở các nhà hát, các đoàn nghệ thuật. Hội thi cũng là căn cứ để tuyển chọn các tài năng đi đào tạo ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa

Thay vì tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai, các trò chơi du nhập từ nước ngoài, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang nhanh chóng bắt nhịp tiến trình sáng tạo sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên một cộng đồng giải trí mới, đầy tự hào và hứng khởi.

Luồng gió mới cho sản phẩm văn hóa bản địa
Siết chặt quản lý ca Huế

Cùng với việc đảm bảo đủ số lượng diễn viên, nhạc công, thời gian biểu diễn, thuyền rồng phục vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương phải lắp đặt camera kết nối với cơ quan quản lý. Việc này không chỉ chấn chỉnh mà còn lấy lại giá trị cho ca Huế cũng như thương hiệu văn hóa, du lịch của vùng đất Cố đô.

Siết chặt quản lý ca Huế
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

TIN MỚI

Return to top