ClockChủ Nhật, 04/06/2023 06:31

Phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập

TTH - Từ bảo tàng tư nhân đầu tiên được thành lập vào tháng 4/2013, đến nay, toàn tỉnh có 5 bảo tàng ngoài công lập, góp thêm cho Huế những địa chỉ văn hóa hấp dẫn.

Không gian hội tụ văn hóa Đông - Tây

leftcenterrightdel
 Bà Cecile Le Pham giới thiệu về bộ sưu tập của bảo tàng

Đam mê và tâm huyết

Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham là bảo tàng ngoài công lập mới nhất vừa ra mắt công chúng tháng 4 vừa qua. Đây là kết quả của quá trình sưu tầm sau 30 năm ở 40 quốc gia của bà Cecile Le Pham với tâm huyết, niềm đam mê dành cho di sản văn hóa Việt Nam và khát khao khám phá văn hóa, mỹ thuật thế giới. Điều mà bà Cecile Le Pham mong muốn là tiếp tục lan tỏa niềm đam mê dành cho di sản văn hóa ấy đến với những người trẻ, với học sinh, sinh viên...

Với gần 2.500 hiện vật gốm, phần lớn được vớt lên từ sông Hương, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương chính là thành quả hơn 30 năm GS.TS. Thái Kim Lan và anh trai của bà là họa sĩ Thái Nguyên Bá cất công sưu tầm. Hiện vật của bảo tàng phong phú, đa dạng, trong đó có không ít những tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt. Khai trương vào năm ngoái, đến nay, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương trở thành điểm đến của những người yêu văn hóa để chiêm ngưỡng và khám phá những giá trị của các nền văn hóa khác nhau đã từng hiện diện trên vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân ẩn chứa trong từng hiện vật.

Từ bảo tàng tư nhân đầu tiên được thành lập vào tháng 4/2013, đến nay, Thừa Thiên Huế có 5 bảo tàng ngoài công lập: Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương và Bảo tàng Mỹ thuật Cecille Le Pham. Ngoài ra, Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng cũng được công nhận là điểm du lịch của Huế.

Với sự phong phú về nội dung trưng bày, mạng lưới bảo tàng ngoài công lập ngoài vai trò bổ khuyết, cung cấp những giá trị văn hóa lịch sử cũng đồng thời góp thêm cho Huế những địa chỉ văn hóa hấp dẫn. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, bảo tàng ngoài công lập ở Huế ra đời làm thay đổi nhận thức và cách thức hoạt động của loại hình bảo tàng. Đồng thời, hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch vụ và cạnh tranh thu hút khách tham quan. Sự góp mặt của các bảo tàng ngoài công lập còn mở ra xu thế mới cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng.

Phong phú văn hóa di sản

Mỗi bảo tàng ra đời ngoài công sức, tâm huyết của các cá nhân, tổ chức, còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh. TS. Phan Thanh Hải cho biết, năm 2020, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà đất; hoạt động trưng bày triển lãm; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập là việc làm thiết thực, cụ thể để làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội.

Theo TS. Nguyễn Anh Thư, giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, việc khuyến khích các bảo tàng ngoài công lập thành lập và tham gia vào thiết chế văn hóa là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của hệ thống bảo tàng trên thế giới.

Cái khó trong hoạt động của hệ thống bảo tàng ngoài công lập là chuyên môn. Với số lượng hiện vật rất nhiều, phong phú nhưng việc giám định nguồn gốc, niên đại cũng như có đề án phát triển có sự đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn là vấn đề các bảo tàng ngoài công lập gặp khó khăn. Hơn nữa, đa số các bảo tàng ngoài công lập ra đời dựa trên sự đam mê về cổ vật, các loại hình mỹ thuật, nghề truyền thống... trưng bày dựa trên những sưu tập hiện vật đã có, thiếu kinh phí để tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm hàng năm. Một số bảo tàng cũng gặp khó khăn về kinh nghiệm, phương thức hoạt động, sự hỗ trợ trang, thiết bị chuyên ngành...

TS. Nguyễn Anh Thư đề nghị, hệ thống bảo tàng ngoài công lập cần có sự liên kết chặt chẽ với hệ thống bảo tàng công lập trên địa bàn để có sự giúp đỡ về mặt chuyên môn, sự tham vấn của các chuyên gia, đồng thời trưng bày kết hợp vừa công vừa tư là mô hình cần khuyến khích. Như vậy, các bảo tàng công lập sẽ song hành cùng với hệ thống bảo tàng ngoài công lập để có những triển lãm chất lượng và làm phong phú thêm vốn văn hóa di sản giới thiệu đến công chúng.

Ngoài tận dụng thế mạnh vốn có là những bộ sưu tập độc đáo, bảo tàng ngoài công lập cần thường xuyên kiểm kê, làm hồ sơ cho hiện vật, vì muốn có trưng bày tốt phải giám định và có cơ sở khoa học cho những hiện vật bảo tàng đang lưu giữ.

Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang được lên kế hoạch tái thiết, xây dựng để phù hợp với không gian di sản theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tái thiết bảo tàng trong lòng di sản
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó

Phương án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế từ di tích Quốc Tử Giám (số 1 đường 23/8, trong Kinh thành Huế) về địa chỉ mới 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế theo kế hoạch được tiến hành sau tết Giáp Thìn 2024. Thế nhưng do gặp trở ngại về kinh phí nên công tác này vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế Kinh phí cho di chuyển vẫn gặp khó
Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Cần không gian đúng nghĩa

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (gọi tắt Bảo tàng) được thành lập từ năm 2009 và chính thức mở cửa không gian trưng bày mẫu vật từ năm 2020. Tuy còn "sơ khởi", nhưng các khu trưng bày của Bảo tàng đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới trẻ đam mê đến tìm hiểu, trải nghiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung Cần không gian đúng nghĩa
Return to top