ClockThứ Hai, 23/11/2020 14:36

Vì cái lợi trước mắt

TTH - Cuối tuần qua, bản tin thời sự trên VTV 1 khiến người xem không khỏi giật mình lo lắng, trước hành vi dùng kích điện tận diệt giun đất tái diễn tại một số tỉnh phía bắc.

Với bộ kích điện gọn nhẹ, dễ dàng mua được trên thị trường, người dùng chỉ cần cắm xuống đất, bật nút điều khiển hoạt động. Cùng âm thanh khó chịu và dòng điện từ máy phát ra, lập tức, giun từ đất chui lên.

Trên những mảnh ruộng trù phú, chỉ vài giờ đồng hồ dùng kích điện, mỗi người có thể thu được hàng chục kg giun, đem lại thu nhập hàng triệu đồng một cách nhanh chóng, dễ dàng. Ngay tại địa phương, các lò sơ chế, sấy giun sau khi mổ ruột, làm sạch cũng ngang nhiên mọc lên.

Theo các nhà khoa học, giun đất có vai trò rất quan trọng trong việc làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất, phân hủy chất thải hữu cơ. Phân giun chứa nhiều dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng và nhiều tác dụng khác. Việc khai thác giun đất bằng phương pháp sử dụng máy kích điện để lại hậu quả rất nghiêm trọng đến chất lượng đất đai, gây mất cân bằng hệ sinh thái trong đất và gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt, nạn tận diệt giun đất vẫn tái diễn, bùng phát. Xuất hiện từ trước năm 2015, đến năm 2019, vấn nạn trên bùng phát rầm rộ tại nhiều tỉnh, từ Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Thái Nguyên, Thái Bình..., bất chấp truyền thông phản ánh, cảnh báo; các nhà khoa học lên tiếng; người nông dân kêu cứu và nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý được đề xuất.

Cũng vì cái lợi trước mắt, gần đây, diễn ra tình trạng vào rừng đào bới cây bằng lăng tự nhiên làm cây cảnh diễn ra rầm rộ ở Bình Thuận, Ninh Thuận, khiến rừng bị tàn phá, môi trường ảnh hưởng lâu dài. Đây là hành vi phá rừng mới, bên cạnh nạn phá rừng, khai thác gỗ tự nhiên trái phép nhức nhối diễn ra hàng chục năm qua, khiến rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh ngày càng suy giảm chất lượng, tác động xấu đến môi trường, gây ra lũ lụt nặng nề.

Tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh tình trạng phá rừng tự nhiên lấy gỗ vẫn diễn ra âm ỉ, đây đó tái diễn tình trạng người dân khai thác quá mức cây tràm tự nhiên, hay cây dứa dại ven biển, có tác dụng phòng hộ tự nhiên mùa mưa, bão. Nạn đánh bắt thủy sản bằng giã cào cũng là vấn nạn nhức nhối trên biển và đầm phá, làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân lương thiện trước mắt và lâu dài. Mới đây, trước vấn nạn săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời vẫn diễn ra ở nhiều nơi,  UBND tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời, với mức xử lý hành chính cao nhất lên đến 360 triệu đồng.

Về nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng khai thác giun đất tận diệt chưa được xử lý nghiêm, ngăn chặn hiệu quả, theo cơ quan chức năng, là do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun. Việc xử lý vì vậy chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở. Đây cũng là khó khăn lưu cữu đối với việc xử lý hành vi dùng giã cào khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản lâu nay.

Trong khi cơ sở pháp lý, mức chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, việc ngăn chặn hành vi kiếm lợi bất chính, vì lợi ích cá nhân trước mắt của một bộ phận người dân như săn bắt giun, đánh bắt chim trời hay khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt..., cần sự vào cuộc, sự nóng lòng của cả hệ thống chính trị. Ở đó, ngoài nâng cao ý thức người dân, vai trò, trách nhiệm giám sát, phát hiện, xử lý của chính quyền, các ban ngành địa phương từ cấp xã, phường, đến huyện về lĩnh vực bảo vệ môi trường cần phải được tập trung, để việc ngăn chặn thiết thực, hiệu quả hơn.

 Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ chân nhân lực

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu biên chế.

Giữ chân nhân lực
Tự soi, tự sửa

Hướng dẫn yêu cầu việc triển khai phải gắn với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tự soi, tự sửa
Tiết kiệm từ lẵng hoa

Đã thành thông lệ, vào những dịp lễ, kỷ niệm; các đại hội, hội nghị…, hoa là hiện vật không thể thiếu.

Tiết kiệm từ lẵng hoa
Rào cản nhận thức

Đơn cử là một tồn tại lưu cữu tại chợ Đông Ba lâu nay. Là địa chỉ mua bán lớn của TP. Huế và cả tỉnh...

Rào cản nhận thức
Bác tổ trưởng

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, bác tổ trưởng tổ dân phố của chúng tôi ngày nào cũng bận bịu.

Bác tổ trưởng
Return to top