ClockThứ Sáu, 16/03/2018 12:45

Vui buồn nhân viên bưu điện văn hóa xã

TTH - Việc triển khai các điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đa dịch vụ tạo bước đột phá trong đổi mới hoạt động của điểm BĐVHX. Công việc của những nhân viên tại đây cũng thay đổi và mang đến cho họ niềm vui cùng những trăn trở.

Chị Lê Thị Minh Tâm, nhân viên BĐVHX Phú Dương giải thích các dịch vụ cho khách hàng

“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”

Chị Lê Như Quỳnh, nhân viên điểm BĐVHX Hương Xuân, thị xã Hương Trà bày tỏ: Trước đây, khi còn là điểm BĐVHX truyền thống, công việc của nhân viên là có mặt đúng giờ để đóng mở cửa, trực điện thoại, phục vụ nhu cầu liên lạc của bà con, nhận thư từ, bưu phẩm, quản lý thư viện...

Từ khi chuyển sang mô hình đa dịch vụ, nhân viên BĐVHX  không còn  thụ động ngồi chờ khách hàng mà trực tiếp đến tận nhà của người dân nhận bưu phẩm, nhận tiền để chuyển. “Nhờ vậy mà không chỉ thuộc hết mọi ngóc ngách trong xã, mà nhà nào có người thân ở xa thường gửi hàng về, khách hàng nào “tiềm năng”, mình đều thuộc nằm lòng để quảng bá và triển khai dịch vụ của bưu điện”, chị Quỳnh cho biết. 

Từ dân "tay ngang", vào làm ở BĐVHX, đến nay, chị Lê Thị Minh Tâm, nhân viên phụ trách điểm BĐVHX Phú Dương (huyện Phú Vang) đã có 9 năm gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ” và trải qua nhiều thăng trầm trong công việc của mình. Để trở thành một trong những điểm BĐVHX thường xuyên được nhận khen thưởng của tổng công ty vì đạt doanh thu trong tất cả các dịch vụ trong từng quý, năm, chị Tâm phải nỗ lực rất nhiều.

Cùng với việc phục vụ nhu cầu của người dân về tem thư, bưu phẩm, bưu kiện, bán sim card, chị Tâm còn phải thực hiện nhiều dịch vụ của bưu điện như bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu cước viễn thông, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bán hàng tiêu dùng, thu thuế... Hàng chục công việc "không tên" đòi hỏi nhiều thời gian, sự chính xác, tỉ mỉ nên để đạt doanh số, chị dành toàn bộ thời gian làm việc trong ngày để mở cửa tối đa phục vụ khách hàng.

Thường buổi sáng chị phải trực để nhận thư, báo, hàng chuyển phát và mở cửa để bà con đến đọc sách, báo, giao dịch. Buổi chiều, chị đi phát thư, báo, bưu kiện, phát hàng COD (dịch vụ phát hàng thu tiền) và tranh thủ bán hàng tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm mới. Đến tối, chị đem toàn bộ sổ sách, giấy tờ về nhà để nhập số liệu vào máy tính.

“Những dịch vụ này đều do bưu điện cung cấp, mình chỉ lo chạy doanh số để hàng tháng có thêm thu nhập từ khoản hoa hồng này. Thời gian gần đây, do việc nhiều, chị phải bỏ tiền thuê nhân viên đi ship hàng cho khách để đảm bảo giao hết hàng hóa trong ngày”, chị Tâm kể.

Nỗi niềm riêng

Gần 10 năm gắn bó với nghề đã đem lại cho các chị nhiều niềm vui và cũng có không ít phiền lòng. Với chị Quỳnh, “nhờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng, chị có kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào công việc”. “Bí quyết” của chị Tâm để đạt chỉ tiêu về bán thẻ bảo hiểm là kết nối với cán bộ phụ nữ thôn- những người nắm mạng lưới khách hàng nhanh và chuẩn nhất. Hay việc khó nhất là thu thuế, chị cũng có cách giải quyết vì xây dựng được mối quan hệ tốt.

Kinh nghiệm là vậy nhưng không ít lần các chị bị khách hàng “bỏ bom”. “Nhiều lúc, mình nhận giúp hàng vì “cháu đi xa, chưa về kịp”. Thế nhưng, sau khi trở về khách lặn mất tăm nên chị phải “ôm” hàng rồi bán rẻ lại để “thu được chừng nào hay chừng đó”, chị Tâm cho hay. 

“Có những thời điểm muốn buông xuôi vì nỗi lo cơm áo hàng ngày nhưng cuối cùng mình vẫn cố gắng vượt qua khó khăn và giờ đây hài lòng với công việc và mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng". Chị Tâm trải lòng.

Thâm niên trong nghề không bằng chị Tâm và điểm BĐVHX Hương Xuân có doanh thu "khiêm tốn" hơn, vì vậy, tổng thu nhập của chị Quỳnh chỉ tầm 2-3,5 triệu đồng/tháng. Có những lúc chạy doanh thu không đủ chỉ tiêu thì phải chấp nhận giảm thu nhập. Vì vậy, chị Quỳnh cũng như nhiều nhân viên BĐVHX khác phải chịu áp lực từ công việc của mình.

Để đủ chi phí trang trải cuộc sống, ngoài công việc tại BĐVHX, chị Quỳnh còn mở tiệm may nho nhỏ tại nhà. Một số nhân viên khác thì tìm cách tận dụng điểm BĐVHX để kinh doanh thêm cà phê, bán nước mía để tăng thu nhập.

Toàn tỉnh hiện có 108/111 điểm BĐVHX đang hoạt động, doanh thu năm 2017 của các điểm BĐVHX là 19,1 tỷ đồng, đạt 100,05% kế hoạch, tăng 300% so với 2014. Bình quân mức thu nhập của nhân viên BĐVHX khoảng 2-2,5 triệu đồng/người/tháng; có điểm 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sa thải lao động năm 2023 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên trong năm 2024

Các chuyên gia mới đây vừa gọi năm 2023 là năm của sự sa thải. Điều này thể hiện rõ nhất khi có đến hơn 305.000 lao động Mỹ đã bị sa thải trong năm qua, trong một loạt đợt sa thải quy mô lớn, ban đầu đáng chú ý là ở các công ty công nghệ, nhưng sau đó lan rộng ra khắp các ngành công nghiệp khác.

Sa thải lao động năm 2023 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên trong năm 2024
Vui đến trường với bao vở handmade

Vào đầu năm học mới, thay vì sử dụng bao tập nilon hay giấy bao mua sẵn, nhiều bạn học sinh đã tự tay thiết kế bao vở theo phong cách cá nhân một cách độc đáo.

Vui đến trường với bao vở handmade
Nhân viên ở châu Á đang dành nhiều thời gian để “tỏ ra bận rộn”

Theo kết quả khảo sát toàn cầu mới từ Slack, công ty con của Salesforce và công ty nghiên cứu Qualtrics, khảo sát trên 18.000 nhân viên văn phòng làm bàn giấy, bao gồm cả các giám đốc điều hành chỉ ra rằng người lao động ở châu Á đang dành phần lớn thời gian cho việc “thể hiện công việc” – nói cách khác, tức tập trung tỏ ra bận rộn hơn là làm việc thực tế và hiệu quả.

Nhân viên ở châu Á đang dành nhiều thời gian để “tỏ ra bận rộn”

TIN MỚI

Return to top