ClockThứ Sáu, 29/07/2011 15:12

“Vung tay quá trán”

TTH - Nói đến cuộc sống sv ai cũng nghĩ ngay đến những khó khăn vật chất. Tuy nhiên bên cạnh một số sv chật vật với đồng tiền ít ỏi gia đình gửi cho thì không ít sv lại sống theo kiểu “vung tay quá trán”.

Hai mặt đời sống sinh viên

Gặp Trịnh thị Thơ, cô SV có vóc người nhỏ bé đang là SV năm hai của trường ĐHKH. Quê Thơ ở Hà Tĩnh, ba mẹ đều làm nông chắt góp từng đồng để nuôi con đi học đại học. Biết vậy nên hai năm nay Thơ luôn tùng tiện tiêu pha, chật vật với đồng tiền ít ỏi nhà gửi cho. Ngoài buổi học, Thơ phải đi làm thêm để kiếm tiền. Buổi sáng Thơ học ở trường, buổi chiều bạn đi làm thêm ở quán cà phê, còn buổi tối sau buổi học tiếng Anh Thơ nhận dạy kèm cho một em học sinh cấp 1. Thơ tâm sự, “nhà mình nghèo, mình không muốn bố mẹ mình phải khổ thêm vì lo cho mình”.
 

Cuối tháng hết tiền lại ăn mì tôm.

 
Cũng trong xóm trọ với Thơ có một nhân vật rất nổi tiếng trong làng ăn chơi của SV ở Huế. Hà tuy gia đình không khá giả gì nhưng mỗi tháng cô phải vòi cho được hơn hai triệu và tìm mọi cách kiếm thêm tiền từ gia đình nhằm đảm bảo cho cuộc sống “đại gia” của mình. Hà không xa lạ gì với mấy điểm ăn chơi nhậu nhẹt. Hà từng tuyên bố một câu xanh rờn “một tuần mà mình không đi hát kara hai lần là không chịu được”. Cô chỉ kết bạn và chơi với những người đã đi làm, không thèm chơi với sinh viên trong xóm. Thường đi chơi về muộn, Hà còn là một tay uống bia có tiếng. Nhiều lần nửa đêm cả xóm trọ phải náo loạn vì cô say quá nên trúng gió. Các bạn trong xóm trọ lắc đầu ngán ngẩm “May chủ trọ ở xa chứ không thì họ đuổi mất rồi. Nhậu gì mà khiếp”. Để có tiền ăn chơi Hà điện về nhà khịa ra đủ khoản này đến khoản nọ phải nộp để xin tiền gia đình.
 
Tương tự Hà, mỗi tháng Trần Hoàng Lê, SV Trường đại học Nghệ thuật được “bắn” cho triệu rưỡi. Vậy mà như thường lệ tháng nào cũng chỉ đến được nửa tháng là cậu ta lại phải chạy khắp bạn bè để xoay tiền về nộp tiền ăn. Triền miên trong các bữa nhậu nhẹt là cung cách mà các nam SV làm thước đo cho một người biết ăn chơi. Tệ hại hơn một số SV còn chồng chất nợ nần vì đánh đề và vì cá độ bóng đá. Thắng thì rủ nhau đi ăn nhậu, thua hết tiền thì lại đi mượn tiền bạn. Thậm chí một vài sinh viên không còn vay nổi tiền của bạn vì “mất tin”.
 
Nghĩ về “hậu phương”
 
Trong số các bạn được liệt vào danh sách con nhà “đại gia” ngoài một số bạn có “hậu phương” tương đối khá giả thì cũng không ít bạn là con nhà nghèo. Nhiều bạn coi ăn chơi là một thú vui, là để khẳng định đẳng cấp. “Khi ăn chơi thì kể gì nhà giàu nhà nghèo. Cứ kiếm lấy cái quần ngoài cho thật đẹp là được chứ ai biết được cái quần trong của ta rách” - Hậu một SV văn của Trường ĐHDL Phú Xuân đã nói một cách... triết lý như vậy. Có bạn thì nghỉ đơn giản “ăn nhậu là ăn nhậu, gia đình là gia đình, ông bà gửi cho từng đó mình tiêu sao thì tuỳ, hết thì xoay chứ mắc gì mà nghĩ cho đau đầu”. Tuy nhiên cũng có những bạn “tập chơi” vài lần rồi bị cuốn vào vòng xoáy ăn chơi lúc nào không biết. Các bạn nữ thì thành thực hơn “nghĩ thầy u chạy vạy thì cũng xót nhưng con gái mà không biết mua sắm thì... quê lắm”.
 
Đa số các bạn dính vào ăn chơi nhậu nhẹt thường bỏ bê việc học hành. Chỉ vì những niềm vui trước mắt mà họ phụ lòng tin của cha mẹ và tự coi thường tương lai của mình.
 
Xuân Nha  
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top