ClockChủ Nhật, 21/08/2022 15:13

Xây dựng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến năm 2022 trở nên nóng hơn, nhiều lũ lụt hơnKhối thịnh vượng chung kêu gọi hành động về biến đổi khí hậuBảo vệ môi trường bền vững

Mỗi năm, trung bình thảm rừng ven biển Tây của tỉnh Cà Mau bị cuốn mất khoảng 50m lấn sâu vào bên trong. Cá biệt, nhiều đoạn mất khoảng 10m/tháng. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Riêng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng cao. Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đặc biệt, đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khó khăn hơn.

Trước thực trạng đó, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu (Cộng hòa liên bang Đức) khởi động xây dựng dự án các giải pháp dựa vào thiên nhiên của Việt Nam nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp thông qua chuyển đổi khu vực tư nhân (VN-ADAPT).

Năm 2019, dự án Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) của Chính phủ Đức và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi nộp các đề xuất nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định. Các đề xuất liên quan đến Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA).

Từ tháng 10/2021, đề xuất dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV hợp tác xây dựng với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (ICEM) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã được chọn để xây dựng và triển khai dự án VN-ADAPT. Đây là một đề xuất chương trình cấp quốc gia hướng đến việc xúc tiến giải pháp dựa vào thiên nhiên trong ngành nông nghiệp và chuyển đổi tập quán sản xuất với vùng trọng điểm, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam Peter Loach nhấn mạnh: “Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với các mối đe dọa cấp bách do biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đã đến lúc cần đổi mới nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi cam kết tăng cường sáng tạo cùng đầu tư công và tư cho một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện Hiệp định Paris về khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV hy vọng dự án VN-ADAPT sẽ tạo ra giải pháp về bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Qua đó, giúp nâng cao sinh kế cho người dân địa phương, và hướng tới nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng và phát triển đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại mang tầm chiến lược, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực tế, hiện nay nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc ngành nông nghiệp thông qua những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị. Có thể kể đến như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh, giúp tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu trong khu vực và trên thế giới. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế việc đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực và nghiêm túc thực hiện cam kết.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đồng thời, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Thông qua việc thực hiện dự án VN-ADAPT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, các đối tác quốc tế thực hiện dự án sẽ góp phần hỗ trợ khả năng thích ứng của Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối cùng thiên nhiên

Thừa Thiên Huế lưu dấu với du khách không chỉ có những giá trị văn hóa đặc biệt mà còn hấp lực bởi cảnh quan thiên nhiên khi muốn trải nghiệm...

Kết nối cùng thiên nhiên
Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

Các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới đang phải vật lộn với những thách thức ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Khi thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn, gánh nặng đối với những cộng đồng này càng tăng lên. Tuy nhiên, phụ nữ là người phải chịu gánh nặng nặng nề nhất từ những tác động này, bao gồm cả những tổn thất đáng kể về tài chính.

Biến đổi khí hậu tác động không cân xứng đến phụ nữ nông thôn

TIN MỚI

Return to top