ClockThứ Bảy, 21/06/2014 20:46

Xây nhà lầu,tậu ô tô nhờ nuôi cá

TTH - Cánh đồng thanh lam (Thủy Phương, Hương Thủy) là địa chỉ thân quen. Quê tôi ở cạnh đó, bên sông vực, làng Thần Phù (Thủy Châu). Mới đây, về dự tiệc cưới người cháu nghe mấy bà con cùng bàn râm ran chuyện ông Lê Hùng Cư nuôi cá ở đồng Thanh Lam thu bạc tỷ xây nhà lầu, tậu ô tô làm tôi cứ “chỏng tai” suốt buổi...

Ông Lê Hùng Cư đang cho cá ăn

Khát vọng đồng Thanh Lam

Vừa đến đầu ngõ, đưa tay bấm chuông cổng, một phụ nữ bước ra từ nhà đối diện nói: “Tìm tỷ phú Cư phải không. Chạy vài trăm mét ra cánh đồng Thanh Lam là gặp”. Vừa gặp nhau, ông Cư đon đả mời khách vào thăm trại cá giữa cái nắng chiều vàng rộm của một ngày cuối tháng 5, nơi những dãy hồ tiếp hồ đầy cá.

Ở vào tuổi lục thập, ông Cư là một nông dân chính hiệu. Ông sinh ra ở thôn Thanh Lam (tổ 15, phường Thủy Phương). Nhà nghèo, ông Cư không có điều kiện học nhiều. 13 - 14 tuổi, ông đã gắn với ruộng đồng, nương rẫy, trở thành lao động chính trong gia đình. Cánh đồng Thanh Lam, nơi có những ô thửa, phân ruộng đã thu hút ông ngay từ thời còn trai trẻ. Trước năm 1999, cánh đồng Thanh Lam là quỹ đất chuyên trồng lúa, nhưng không chủ động nguồn nước, nên không mang lại hiệu quả. Từ việc trồng lúa hai vụ trong năm rồi chuyển dần sang một vụ. Có năm bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Khi chính quyền địa phương cho đấu, chuyển sang mô hình sản xuất trồng mới, ông Cư đăng ký chuyển ruộng sang cá. Khi nhận đất, bà con trong vùng người cười, bảo ông hâm. Họ nói, mùa nắng chuột bọ, nước khan hiếm lấy đâu mà nuôi cá, lũ đến tràn về tất cả xem như trắng tay.

Nhờ tiền lãi từ nuôi cá, năm 2013, ông Cư đã xây ngôi nhà lầu 2 tầng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng

Bỏ hết ngoài tai, vợ chồng ông bắt đầu “cày”. Vợ chồng cơm đùm gạo bới ba cùng với việc đào mương, lên đập, xử lý hồ bằng việc vệ sinh cỏ, san phẳng đáy, phơi, rãi vôi, khử độc, làm giàu ô xy đáy sau đó mới đưa nước vào. Để chủ động nguồn nước, ông đào mương dẫn nước từ sông Đại Giang và nước từ hồ Châu Sơn về thông qua việc lắp đặt hệ thống máy bơm. Khi lũ dâng, ông nâng đê bằng việc bồi đất, chắn thêm trụ bê tông rào lưới. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông Cư thừa nhận: “Điều thiên hạ nói là có lý, bởi bão lũ liên miên, vợ chồng phải đổ bao mồ hôi, vay tiền ngân hàng lo cho việc đê đập, củng cố luôn cả hệ thống dẫn nước vào ra hồ. Còn bây giờ, chú thấy đó tất cả đã vững vàng”.

Tôi hỏi phương cách nuôi cá của chú thế nào, ông Cư cười rạng rỡ: “Ban đầu tôi nuôi thử nghiệm 1-2 hồ, diện tích chưa đến nửa ha, thả cá mè, rô, chép và tạo hai hồ giữ nước, dựng thêm cái chòi nuôi đàn vịt và mấy con heo. Cứ 3 giờ sáng, vợ chồng thức dậy vệ sinh trại heo, thu gom rau cỏ xung quanh về cho cá ăn. Với hai hồ thả hơn 1nghìn con cá giống trong khoảng 3 tháng, bán được 2-3 tạ cá, dư được 5 triệu đồng. Cứ thế vừa thử nghiệm, vừa học kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng diện tích hồ lên dần”.

Từ hai hồ cá nước ngọt ban đầu, đến thời điểm này, ông Cư có 7 hồ cá, với diện tích 2,5ha; trong đó, 3 hồ nuôi cá giống, 4 hồ nuôi cá thịt. Ông diễn giải, quy trình nuôi của mình đơn giản. Lấy giống về (giống qua kiểm nghiệm) cho vào hồ ươm nuôi chăm sóc khoảng 1,5-2 tháng. Khi cá giống lớn, đạt khoảng 2-3 lạng/con, bắt đầu chuyển sang hồ nuôi. Tại hồ nuôi cá thịt, cá được chăm sóc theo dõi cho ăn thức ăn công nghiệp và đặt thêm hàng dư thải ở các lò mổ gia súc. Trung bình, tại hồ cá nuôi chỉ sau 1-1,5 tháng là thu hoạch, mỗi con đạt 1,2-15kg. Luân phiên như thế, lúc nào ông chủ động nguồn cá thịt để bán. Bình quân mỗi năm với 7 hồ, ông thu gần 2 tấn cá rô phi, chim, chép; có năm, ông hăng máu đẩy nhanh chu kỳ nuôi, đạt sản lượng 4 tấn. Với giá dao động như năm vừa qua từ 25-30 nghìn đồng/ kg, ông thu khoản 600 triệu đồng (lấy sản lượng thấp là hơn 2 tấn cá/năm). Trong khoản thu ấy, 70% là đầu tư chi phí công, giống, thức ăn...; 30% còn lại là lãi. Tính hết mọi thứ, mỗi năm ông Cư bỏ túi 150-200 triệu đồng.

Đi lên từ nuôi cá

Tôi hỏi, “có lúc nào chú thất bại không”. Ông Cư cười: “Ở đời có điều gì là tròn trĩnh hết đâu. Nhưng bản tính tôi đã làm thì phải đến nơi đến chốn, cái gì không biết thì phải học, phải tìm thầy ”.

Ngay những năm đầu đến với cá, ông Cư mò mẫn như thằng đi đêm. Có những lần lũ về nhìn nước trắng đồng Thanh Lam, ông Cư lo thắt ruột, cùng vợ thức trắng đưa ra nhiều phương án. Vậy mà cá vẫn vượt hồ, mất mấy chục triệu bạc. Có những vụ cá nuôi đến gần thu hoạch, dự tính thu khoảng 2 tạ cá. Thế mà đến giờ kéo lưới bắt cá cho thương lái, vét qua, vét lại còn 30 - 40 con/hồ. Khi hạ mực nước trong hồ, mới thấy hàng loạt cái hang to đùng bằng bắp chân nằm giữa thân đê do chuột khoét.

Cũng từ thất bại, ông Cư tích luỹ thêm kinh nghiệm. Hàng năm trước khi lũ đến lo gia cố đê đập. Những ngày hè, vợ chồng chú trọng đến môi trường, mực nước trong hồ. Nói như lời ông, tất cả kỹ thuật liên quan đến việc nuôi cá đều cơ bản, vững vàng, ổn định. Bây giờ những dãy hồ nuôi cá của ông là địa chỉ tham quan, học tập cho nhiều nông dân, nhiều bạn sinh viên đại học ở các tỉnh miền Trung về nghiên cứu. Ông không ngần ngại truyền lại những kinh nghiệm nuôi cá cho bạn bè, cho những ai có nhu cầu. Ai chưa có giống, ông sẵn sàng cung cấp, hướng dẫn tận tình, không giấu diếm.

Ông Cư nói, bây giờ quy trình nuôi như mặc định sẵn. Giống, thức ăn đã ký hợp đồng được đối tác chuyển đến tận nơi. Mọi việc liên quan đến xử lý ao hồ, gia cố đê đập...ông đều thuê nhân công ở trong vùng. Hàng ngày, cứ theo lịch cho cá ăn, kiểm tra môi trường, mực nước các hồ để điều tiết. Khi thu hoạch cá, chỉ cần “alô” là thương lái cho xe về tận hồ. Cá đưa vào xe là nhận tiền tươi.

“Nghe chú nuôi cá xây lầu, tậu ô tô”, tôi hỏi. Ông hãnh diện: “Tôi là con gia đình liệt sĩ, cuộc đời tôi chỉ biết lao động và lao động trên đôi tay của mình. Nhờ mô hình nuôi cá ở cánh đồng Thanh Lam, tôi tích lũy một số vốn kha khá. Năm vừa rồi, tôi xây được cái nhà hai tầng khoảng 1,3 tỷ đồng; tậu ô tô Honda Civic không phải đập hộp nhưng cũng 500 triệu đồng”. Ngoài chuyện xây nhà lầu, tậu ô tô, nhờ nuôi cá, ông Cư tạo việc làm ổn định cho các con trong gia đình. Mới đây, ông hỗ trợ vốn cho người con trai tậu chiếc ô tô 15 chỗ ngồi chạy du lịch.

Ông Phạm Hoà Sang, ở cùng khu phố 15, Thuỷ Phương thán phục: “Thú thật bây giờ nhìn thấy mô hình nuôi cá của ông Cư mà phát thèm. Đúng là nhân định thắng thiên. Ồng Cư là người táo bạo và cương quyết. Điều ước mơ ngày xưa của ông giờ đã trọn vẹn”.

Bài và ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top