ClockThứ Sáu, 18/09/2015 19:06

Xin cứu chồng tôi...

TTH - “Nếu không đủ tiền thực hiện ca mổ tim, không bao lâu nữa chồng tôi sẽ chết. Xin hãy giúp…” Đó là lời “kêu cứu” đẫm nước mắt của vợ bệnh nhân Hồ Năng Sơn (43 tuổi) hiện đang điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhân Sơn và vợ lo lắng trước chi phí mổ tim

Trên giường bệnh phòng 412, người đàn ông tiều tụy ngồi bó gối, vẻ mặt đầy lo âu. Đó là anh Hồ Năng Sơn (trú tại thôn 7, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), bệnh nhân suy tim nặng, được chỉ định phẫu thuật van 2 lá, van động mạch chủ (ĐMC). Chị Nguyễn Thị Nguyên (vợ anh Sơn) hình hài “mỏng” và xanh như tàu lá, lặng lẽ đến ngồi cạnh, làm ra vẻ cứng rắn, động viên an ủi chồng. Nhưng chỉ được mấy câu, chị vội bỏ ra ngoài hành lang để giấu những dòng nước mắt. Chị kể, vợ chồng đều làm ruộng nuôi 4 con còn đi học. Cảnh nhà “ăn bữa hôm lo bữa mai”, thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Cách đây 5 năm, người chồng bị những cơn đau ngực, khó thở hành hạ. Rụng rời khi nghe bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán anh Sơn mắc bệnh tim, vợ chồng gom góp vay mượn tiền bạc ra Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội khám. Thêm lần nữa, họ “xanh mặt” khi các bác sĩ ở đây cũng cho biết anh Sơn phải thay 2 van tim. Nếu không phẫu thuật, sự sống của người bệnh sẽ chẳng kéo dài được bao lâu.

Vậy nhưng, chi phí cho ca phẫu thuật hơn 100 triệu đồng là một số tiền “khổng lồ” mà ngay cả trong mơ đôi vợ chồng nghèo cũng không dám nghĩ tới. “Lúc đầu bác sĩ hỏi gia đình có điều kiện không, tôi thầm tính dù nghèo đến mấy cũng phải tiếp tục vay mượn, lo chi phí phẫu thuật để giữ lại tính mạng cho chồng, 4 đứa con thơ dại không mất cha. Khi nghe số tiền quá lớn, vợ chồng tôi dường như rơi vào tuyệt vọng, bởi dù có bán hết nhà cửa thì cũng chưa “kiếm” được phân nửa. Đành thất thểu dắt díu nhau về”. Không có tiền phẫu thuật, nhưng mỗi lúc bệnh anh Sơn trở nặng, chị Nguyên không thể “làm ngơ”, lại chạy đôn chạy đáo để đưa chồng ra Hà Nội nằm viện. Năm đầu tiên anh Sơn phát hiện bệnh, vợ chồng ra Hà Nội cả thảy 7 chuyến, giấy tờ liên quan việc khám chữa bệnh vẫn còn cất đầy.
Cha mẹ anh Sơn mất từ lâu. Cha mẹ chị Nguyên già yếu, đã trên 80 tuổi không giúp được gì. Từ số tiền 50 triệu đồng chị Nguyên vay (diện hộ nghèo), 25 triệu đồng thế chấp nhà vay được và anh em bà con, xóm giềng thương mỗi người góp một ít, chị Nguyên đưa chồng đến hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để “cầm cự”. Có những đợt đau quá anh Sơn phải nằm viện uống thuốc điều trị, mỗi đợt hơn một tháng, hết tiền đành xin về. “Mỗi lần bác sĩ hỏi gia đình có tiền chưa, tôi lại thắt ruột thắt gan vì biết thời gian sống của chồng đang ngắn dần lại. Đi nhiều bệnh viện rồi mới biết Bệnh viện Trung ương Huế có chi phí phẫu thuật rẻ nhất, 85 triệu đồng. Nhưng với vợ chồng tôi đó vẫn là số tiền quá lớn”- chị Nguyên ngậm ngùi.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bệnh nhân Hồ Năng Sơn (số điện thoại 016.4608.2713) hoặc vợ anh Sơn - chị Nguyễn Thị Nguyên (số điện thoại 016.5599.5164) hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.
Trong thời gian chị Nguyên nuôi chồng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế (từ đầu tháng 7/2015 đến nay), 4 đứa con nhỏ ở nhà tự chăm nhau. Bữa cơm bữa cháo của tụi nhỏ đều “phó thác” hết cho chú, dì hai bên nội ngoại. Chị Nguyên ra trước cổng bệnh viện năn nỉ một chị bán hàng tạp hóa, có mối hàng ăn nào thì xin cho chị một chân rửa bát đĩa. Chưa có ai gọi làm nên không còn cách nào khác, chị “muối mặt” ra đường đi xin. Người phụ nữ nông dân ứa nước mắt kể trong 5 năm kiếm tiền chạy chữa cho chồng, ngoài làm mấy sào ruộng, chị lấy bánh ướt đi bán. Mỗi ngày, chưa đến 3 giờ sáng chị đã dậy, một mình một xe đạp cũ, thúng bánh từ 20 đến 25 kg và chiếc đèn pin đội trên đầu vượt chặng đường dài mấy chục cây số, có nhiều quãng “đồng không moong quạnh”, đến bán cho những người ở miền rừng đi bóc vỏ tràm ăn sáng. Chưa hết bánh, chị Nguyên rong ruổi hết làng này đến làng khác. Vừa gò lưng đạp xe vừa rao khiến chị mệt đứt hơi, thân thể ngày càng “mỏng” hơn. May mà không chỉ người địa phương, các làng khác đều biết cảnh nhà chị Nguyên nên mua giúp. “Cực nhọc như thế, nhưng bù lại mỗi ngày tôi kiếm được 50 đến 60 nghìn đồng. Còn ở đây kiếm việc làm khó quá, lại còn phải “theo” chồng. Nhiều đêm suy nghĩ nát óc, biết đi xin là “muối mặt”, nhưng hoàn cảnh tôi không còn cách nào khác. Không thể để chồng chết, tôi phải cầm cự để chạy tiền lo phẫu thuật cho chồng”- Chị Nguyên đưa ống tay áo lên quệt nước mắt.
Những bệnh nhân nằm cùng phòng bệnh, ai nấy đều cám cảnh hoàn cảnh vợ chồng anh Sơn nên thỉnh thoảng có những sẻ chia nho nhỏ. Một bác sĩ trong khoa có tấm lòng nhân ái đã giúp vợ chồng bệnh nhân Sơn 10 triệu đồng. Dù nợ nần chồng chất, nhưng chị Nguyên vẫn tiếp tục nhờ vả người thân, người quen vay mượn dồn cho đủ số tiền 85 triệu đồng chi phí tạm ứng phẫu thuật.
Anh Sơn đang cần lắm sự hỗ trợ, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim

Từ nhỏ, Phan Thị Hải đã bị bệnh tim bẩm sinh. Tưởng chừng tương lai tươi đẹp của em đã được mở ra khi em được phẫu thuật đặt máy hỗ trợ nhịp tim thành công lúc 9 tuổi và trở thành cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Nhưng khi cuộc sống vốn dĩ trôi qua bình thường, thì sóng gió ập tới, căn bệnh tim của em lại tái phát.

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim
4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc

Gia đình anh Hồ Văn Sơn là hộ nghèo của xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. Hai vợ chồng đi làm thuê thu nhập không được ổn định. Cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn luôn cố gắng, nhất là khi cách nay 2 năm chị sinh hạ được một bé trai. Đặt tên con là Hồ Thanh Phúc với mong muốn con lớn lên may mắn…

Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc
Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Đoàn Lan Anh (SN 2002) - sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại ngữ Huế, ở tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), một gia đình có hoàn cảnh thật đáng thương.

Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ
Return to top