Du khách Trung Quốc tham quan TP Nha Trang ngày 25/1/2020 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Theo đó đến 15h21 hôm nay 30/1, Việt Nam đã phát hiện 3 trường hợp công dân người Việt ở Thanh Hóa và Đông Anh, Hà Nội đã có kết quả dương tính với virus corona, theo thông tin từ Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, do đại diện Bộ Y tế đưa ra tại buổi họp chiều 30-1 về triển khai nhiệm vụ sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
2 trường hợp ở Hà Nội đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trường hợp ở Thanh Hóa được cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Cả ba đều có tiền sử trở về từ Vũ Hán.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, 3 bệnh nhân này công nhân của một nhà máy của Nhật Bản ở Vĩnh Phúc, thời gian qua được cử đi tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc và về Việt Nam trên cùng một chuyến bay.
Như vậy cùng với 2 trường hợp người Trung Quốc đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM thì số ca nhiễm ở Việt Nam đã nâng lên 5 trường hợp. Ngoài ra còn một ca nghi nhiễm đang chờ xác nhận, là nữ nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang, người đã tiếp xúc rất gần với ông Li Ding (bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam).
Còn trên toàn thế giới đã có 7.819 trường hợp nhiễm, 170 người tử vong, đều ở Trung Quốc.
Bộ Y tế đề nghị dừng cấp phép tour du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, đóng đường mòn và lối mở để không cho nhập cảnh các trường hợp đi từ các vùng có dịch.
Đồng thời hạn chế các hoạt động đông người, các lễ hội để kiểm soát tốt hơn; khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra đường, đến các vùng có nguy cơ, hạn chế tiếp xúc và đi tới vùng dịch…
Tuy vậy, cùng lúc Bộ Y tế khuyến cáo không nên quá hoang mang, lo lắng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiều 30/1 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Chống dịch xuyên quốc gia
Chỉ đạo tại buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình diễn biến bệnh viên phổi cấp vô cùng phức tạp, hiện trên thế giới đã có 170 người chết và hàng ngàn ca nhiễm ở gần 20 quốc gia.
Do đó, Chính phủ đã chủ động để có biện pháp cần thiết, đối phó với tình hình. Thủ tướng yêu cầu chống dịch với tinh thần xuyên quốc gia, có biện pháp mạnh tay bảo vệ sức khoẻ người dân, "không để Việt Nam rơi vào vòng xoáy đại dịch này".
"Làm sao các địa phương đều phải chủ động, không để tình trạng chủ quan, nhất là tình hình biên giới như hiện nay. Như việc kiến nghị đóng cửa biên giới, toàn dân đeo khẩu trang, tất cả các nơi có từ vùng dịch phải có biện pháp kiểm soát chặt, không để chủ quan gây chết người", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Đội phản ứng nhanh được thành lập, cùng với đường dây nóng thì Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch virus corona, nên Thủ tướng yêu cầu hàng ngày Ban chỉ đạo phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời các giải pháp để chủ động ứng phó với dịch.
"Đồng chí nào chủ quan đều phải xử lý nghiêm túc trước nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh kiểm soát tình hình, đưa ra chủ trương sớm, nhưng do ta có nhiều quan hệ với Trung Quốc qua các hoạt động du lịch, kinh tế, xuất nhập khẩu, mà dịch thì đang bùng nổ và di chuyển xuống phía Nam, nên nếu không có ý chí, quyết tâm cao nhất thì nhân dân mắc phải dịch bệnh.
Cuộc họp của Chính phủ chiều 30/1 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Kiến nghị kiểm soát toàn biên giới
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều nước đã chủ động phòng chống dịch, đóng cửa biên giới với Trung Quốc, ngưng cấp thị thực cho những người đến từ vùng có dịch, hủy các tour du lịch, đóng cửa các trung tâm mua sắm ở gần khu vực biên giới.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp đề ra, nhưng ông Dũng kiến nghị cần có chỉ thị sớm ban hành để quán triệt, triển khai ngay; yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội phải tiếp nhận bệnh nhân và xử lý tại chỗ; khởi động khoa phòng, chống lây nhiễm tại tất cả các bệnh viện để đón bệnh nhân có triệu chứng sốt.
Quân đội cũng phải đặt ở tình trạng cao nhất, các bệnh viện dã chiến luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó.
Ông Dũng cũng kiến nghị thực hiện đóng cửa các đường mòn, lối mở giáp biên giới với Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới. Nghiêm cấm việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo dõi, cách ly công nhân Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ.
Đặc biệt, cần hạn chế tập trung đông người, nhất là việc tổ chức lễ hội. Đối với các địa phương có nhiều du khách Trung Quốc phải dừng các lễ hội không cần thiết. Xem xét việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ nhiễm dịch.
Đối với hoạt động kinh tế, giao thương xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện giá trị nông sản thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc là 25,2 tỉ USD, chiếm 1/3 cơ cấu hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bắt đầu có biện pháp để chống dịch như đóng cửa vùng biên giới, tạm dừng trao đổi thương mại cư dân biên giới, có khả năng kéo dài.
Do đó, bộ trưởng cho rằng cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch, nhưng cũng phải tính phương án tránh gây tâm lý và tác động xấu đến đời sống kinh tế người dân, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với lượng trái cây rau củ quả rất lớn, nếu tác động thương mại chính ngạch mà đóng biên sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhiều mặt hàng bị ách tắc và ảnh hưởng đời sống người dân.
Theo Tuổi trẻ