Tại Phòng Tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân đăng ký và được lập danh sách theo khung giờ, bảo đảm không quá 20 người trong cùng thời điểm; đồng thời, không quá 50 đối tượng tiêm chủng/buổi.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế
Việc sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng cũng được khuyến cáo đầy đủ. Đối với những trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp, chủ động tư vấn không đưa trẻ đến tiêm chủng. Người đưa trẻ đi tiêm chủng phải đảm bảo không có các dấu hiệu ho, sốt…, hay các yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Không gian tiêm chủng được bố trí thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và bảo đảm giãn khoảng cách giữa các đối tượng.
Theo ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thực hiện các hoạt động tiêm chủng trở lại, đơn vị tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu về khoảng cách, đeo khẩu trang, giãn cách và khám sàng lọc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của đơn vị hiện nay là thiếu các loại vaccine tiêm chủng dịch vụ, nhất là hai loại vaccine cấp cứu phòng bệnh dại và uốn ván.
Trên thị trường không thiếu các loại vaccine phục vụ hoạt động tiêm chủng dịch vụ, gồm cả vaccine phòng bệnh dại và bệnh uốn ván. Tuy nhiên, là một đơn vị sự nghiệp công lập, việc mua sắm các loại vaccine dịch vụ phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức đấu thầu 2 lần, nhưng không mời được các nhà cung ứng tham dự thầu. Một phần, do vaccine là mặt hàng khá độc quyền nên các nhà cung ứng không muốn tham gia đấu thầu do phải làm nhiều thủ tục; việc cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân cũng dễ dàng hơn. Một phần khác, giá kế hoạch đấu thầu thường không theo kịp giá biến động của thị trường, nên nhà cung ứng không mặn mà gì việc tham gia dự thầu. Hoặc, có thể còn có các nguyên nhân khác nữa.
“Để giải quyết sự thiếu hụt về nguồn vaccine tiêm chủng dịch vụ, Trung tâm đã có tờ trình gửi cấp có thẩm quyền để xin phép được mua theo phương thức chỉ định thầu, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn vaccine khẩn thiết phòng hai loại bệnh Dại và uốn ván hiện có tại đơn vị chỉ đủ dùng đến hết ngày 1/5, còn sau nữa thì chưa có nguồn để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người dân”, BS. Hoàng Văn Đức cho biết.
Tin, ảnh: Đồng Văn