ClockThứ Sáu, 09/07/2021 14:19

Quan trọng là thay đổi nhận thức và cách tiếp cận

TTH - Đó là nhấn mạnh của ThS. BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Thừa Thiên Huế, khi chia sẻ cùng Báo Thừa Thiên Huế về mục tiêu giải quyết các vấn đề toàn diện về công tác dân số và phát triển, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7.

Ths. BSCKII. Phan Đăng Tâm

Đánh giá về chất lượng dân số hiện nay của Thừa Thiên Huế, BSCKII. Phan Đăng Tâm cho biết: Thời gian qua, Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở và đạt hiệu quả đáng kể về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em giảm mạnh. Hơn 98,7% trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 98,6%. 100% trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 80 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí. Mô hình gia đình hai con trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Người dân tộc thiểu số - nhóm dân cư yếu thế được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai huyện Nam Đông, A Lưới từng bước được khống chế.

Vậy những vấn đề còn hạn chế là gì, thưa ông?

Chất lượng dân số của tỉnh vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh vẫn còn thấp. Mô hình bệnh tật có sự thay đổi, chuyển hướng từ bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Chế độ an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh dân số đang già hóa (từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,32% trong tổng dân số của tỉnh). Phần đông phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm nông nghiệp nên tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cao, nhưng lại chưa chủ động tư vấn, sàng lọc. Các cặp đôi thanh niên chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân…

Đáng nói, Thừa Thiên Huế hiện là một trong 33 tỉnh, thành có mức sinh cao cần phải tiếp tục giảm sinh, đảm bảo mỗi gia đình có hai con để nuôi dạy tốt. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có xu hướng gia tăng trở lại, trong đó vi phạm chính sách dân số là cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng trở lại khiến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng tảo hôn ở Thừa Thiên Huế đang có xu hướng gia tăng. Ông có thể nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp để giảm thiểu trong thời gian tới?

Đúng là có tình trạng đó trong năm 2020. Hai huyện Nam Đông và A Lưới có 39 trường hợp tảo hôn, tăng 10 trường hợp so với năm. Riêng A Lưới còn có 1 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống. Thực tế cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có dấu hiệu gia tăng trở lại tại 2 địa phương miền núi này. Căn nguyên sâu xa là do mức độ nhận thức của bà con còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, lại có sự ảnh hưởng lâu dài của phong tục tập quán kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết... Thêm vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng tảo hôn còn ghi nhận tăng cao ở các địa phương vùng đồng bằng, thành thị. Cụ thể, TP. Huế có 15 trường hợp, huyện Phú Vang có 10 trường hợp, thị xã Hương Trà có 5 trường hợp và huyện Phú Lộc có 4 trường hợp.

Vừa qua, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục DS - KHHGĐ và Trung tâm Y tế cấp huyện quan tâm chỉ đạo cấp xã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm ngăn ngừa và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Theo tôi, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên toàn tỉnh, đặc biệt tại vùng miền núi, các ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với khu vực đồng bằng và thành thị, đề nghị ngành giáo dục và các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông cho đối tượng vị thành niên để nâng cao các kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Với thực tiễn của Thừa Thiên Huế, việc phổ biến, giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên và thanh niên hiện nay cần chú trọng những nội dung nào, thưa ông?

Một thống kê đáng buồn mới đây cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Điều đó cho thấy, vị thành niên nước ta đang có khuynh hướng bước vào đời sống tình dục sớm hơn, trước khi hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm sinh lý. Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý, nếu chúng ta không hiểu, không thông cảm, không giúp đỡ kịp thời sẽ rất dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Nhưng việc này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình ngoại khóa hoặc tốt hơn là đưa các tiết học giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường. Đoàn Thanh niên cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường các nội dung truyền thông như: kỹ năng sống cần cho sự phát triển về sức khỏe của vị thành niên; cách tránh bị xâm hại tình dục; phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; tránh mang thai ngoài ý muốn; tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Với “nền” chất lượng dân số của tỉnh, chúng ta cần tiếp tục tập trung vào những nội dung nào để nâng cao hiệu quả quản lý dân số?

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển” và giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Đây là một nhiệm vụ mới nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai. Do vậy, theo tôi chúng ta cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách, gồm: Tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đi đôi với việc kiểm tra thường xuyên sâu sát và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Phát huy sức mạnh của các ban ngành, đoàn thể trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm, lồng ghép nội dung dân số với các hoạt động chương trình khác của các ngành, các cấp và các đoàn thể xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, bền bỉ với nhiều hình thức phù hợp. Các địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác dân số và phát triển. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện tránh thai, đáp ứng dịch vụ SKSS - KHHGĐ.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lưu ý quan trọng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày 27/6, thí sinh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2024. Ngày thi đã cận kề, sau đây là một số lưu ý những điều quan trọng sau để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.

Lưu ý quan trọng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Thay đổi diện mạo cho sản phẩm truyền thống

Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình “Thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương” thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (nhiệm vụ 844), Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đã góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống địa phương.

Thay đổi diện mạo cho sản phẩm truyền thống
Thay đổi để nói lên tiếng nói của trẻ em

Bằng cách đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh giúp các thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nâng cao kiến thức Quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016 và Công ước Quyền Trẻ em, các kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; từ đó góp phần giáo dục toàn diện, tăng cường kỹ năng sống cho các em.

Thay đổi để nói lên tiếng nói của trẻ em
Return to top