ClockThứ Năm, 08/07/2021 14:00
ĐÓNG TIỀN SAU KHI THU HÁI ƯƠI:

Cần tuyên truyền rõ trách nhiệm, nghĩa vụ

TTH - Người dân ở xã A Roàng (huyện A Lưới) phản ánh họ phải đóng phí khi thu hái quả ươi nhưng không rõ đó là loại thuế, phí gì. Theo đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) A Lưới, đó là khoản thu hợp pháp về thuế tài nguyên rừng và nghĩa vụ tài chính. Câu chuyện về việc tuyên truyền rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân cần phải xem lại.

Ra quân bảo vệ rừng ươi

Người dân ra khỏi rừng sau khi hái ươi

Có mặt trên con đường dẫn vào khu rừng thuộc phạm vi BQLRPH A Lưới quản lý, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân xã A Roàng trở ra vào buổi chiều sau khi thu hái quả ươi. Anh. C. – người dân địa phương cho biết: “Sau mỗi lần thu hái ươi, bà con phải dừng lại ở chốt để đơn vị quản lý cân số lượng và thu phí 40.000 đồng/kg. Họ nói thu phí, thu thuế nhưng chúng tôi không biết phí, thuế gì”.

Tiến vào khu vực đường 74 (nơi nhiều người dân thường di chuyển để vào rừng thu hái ươi) chừng 2km, chúng tôi gặp chốt chặn của lực lượng chức năng. Những người lạ và cả người dân ở khu vực này khi qua đây đều buộc phải xuất trình “Đơn xin vào rừng thu hái quả ươi và cam kết thực hiện đúng quy định”. Mẫu đơn này do BQLRPH A Lưới cấp, nhằm yêu cầu người dân cam kết không được thu hái ươi theo kiểu tận diệt (chặt hạ cây). Những người không có đơn, tuyệt đối không được vào rừng.

Ngoài kiểm tra đơn, chốt chặn này còn có chức năng kiểm soát phương tiện, dụng cụ người dân mang theo khi vào rừng, cũng như không được phép mang các dụng cụ có khả năng triệt hạ rừng. Tại chốt chặn cũng đặt sẵn cân để kiểm tra khối lượng sau khi người dân thu hái ươi trở về và ghi lại danh sách.

Việc kiểm tra, yêu cầu làm đơn khi vào rừng thu hái ươi đã được cơ quan chức năng thông báo trước. Tuy nhiên, nghĩa vụ phải đóng thuế, phí và đó là loại thuế, phí gì thì nhiều người còn mơ hồ. Giải thích vấn đề trên, ông Nguyễn Đăng Luyện, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách A Roàng cho biết, đơn vị thực hiện theo quy định của BQLRPH A Lưới. Ban quản lý rừng đã có hợp đồng với đơn vị thu hái, trong hợp đồng cũng nêu rõ khoản thu 40.000 đồng/kg. Số tiền thu trên bao gồm: Thuế tài nguyên rừng và nghĩa vụ tài chính để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Để tiện cho người dân và thuận lợi quản lý, với người dân vào thu hái, cần có đơn và cam kết thực hiện thu hái đúng quy định.

Đại diện lãnh đạo Phòng Thanh tra, pháp chế của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, vấn đề thu phí trên chủ rừng có thể áp dụng theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Chủ rừng được phép khai thác tận thu. Tuy nhiên, cách thu như thế nào phải căn cứ theo thỏa thuận ở hợp đồng.

Trên thực tế, qua các hồ sơ, văn bản từ Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách A Roàng cung cấp, chỉ có hợp đồng với đơn vị thu hái, không có hợp đồng với người dân. Riêng trong mẫu đơn xin vào rừng thu hái quả ươi và cam kết thực hiện đúng quy định lại không có điều khoản thu phí/thuế. Một mẫu đơn đơn vị này cung cấp chỉ có những dòng chữ viết tay “chấp nhận đóng thuế 40.000 đồng/kg” ngay dưới hàng người làm đơn và cam kết.

Ông Văn Thân, Giám đốc BQLRPH A Lưới cho biết, trước đây đơn vị ký hợp đồng với đơn vị thu mua, sau đó họ có lực lượng thu hái và nghĩa vụ đóng thuế do đơn vị thu hái nộp. Về phía người dân, dự định ban đầu là không thu, tuy nhiên khi nghiên cứu thấy chưa hợp lý, không công bằng với đơn vị thu hái nên đã tiến hành thu loại phí nói trên. “Mẫu đơn ban đầu không có điều khoản thu thuế với người dân thu hái ươi nhưng sau này đơn vị đã bổ sung”, ông Thân giải thích.

Vấn đề kiểm soát là cần thiết và đã được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, việc thu phí trên thực tế không nên để người dân mơ hồ dẫn đến phản ánh. Nếu áp dụng đúng các điều khoản theo quy định của pháp luật, đơn vị chủ rừng phải thông báo, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, giúp hài hòa lợi ích của các bên, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.

Bài, ảnh: Phúc Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Vui chơi có trách nhiệm với rừng

Những ngày nghỉ lễ trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì những đồi núi, rừng, suối thác ven rừng sẽ là nơi lý tưởng đối với du khách, người dân tìm đến vừa tham quan, giải trí vừa nghỉ mát.

Vui chơi có trách nhiệm với rừng
Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
Return to top