ClockThứ Tư, 29/01/2014 07:42

Cái khó ló cái khôn

TTH - Cái khó thường ló cái khôn. trước những thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), những nông dân, ngư dân ở những miền quê ven phá Tam Giang - Cầu Hai, ven biển đã chống chọi, thích ứng với sự bất thường của “mẹ thiên nhiên” bằng những kinh nghiệm sản xuất, rồi ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học để phát triển sản xuất.

Trồng rau trên giàn ở vùng thấp lụt

“Cây” của vùng nước sâu, đất nhiễm mặn

Trong cái lạnh buốt người của những ngày tháng chạp, tôi bắt gặp cảnh một đội quân hơn 20 người đang “bán lưng cho trời” để cấy từng bó mạ trên đồng nước sâu ngập gối. Anh Hà Trọng Son, ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong cho biết đây là giống lúa truyền thống đặc biệt của địa phương có từ đời xửa đời xưa. Hỏi tên, anh bảo là “lúa chịu mặn”, ngoài ra không có tên riêng nào khác. Giống lúa này chỉ trồng được ở vùng nước sâu, nhiễm mặn. Anh Son nói, hễ địa phương nào có nước sâu, mặn là ở đó còn duy trì giống lúa này. Nó vừa ngon, chất lượng, bổ dưỡng, không sợ nhiễm thuốc trừ sâu nên cứ đến mùa thu hoạch, vừa xay ra gạo là đã có người về mua, thậm chí họ phải dặn, đặt cọc trước. Chủ yếu dùng để nấu cháo gạo đỏ, gạo lứt. Trước đây, nghe đâu giống gạo đỏ này chỉ phục vụ cho vua, quan trong triều, dân thường khó thưởng thức được. Ngay cả bây giờ, dù chúng tôi sản xuất ra nhưng cũng không để ăn. Năng suất bình quân 30 tạ/ha, nhưng bù lại giá thành loại lúa này đắt hơn gấp rưỡi, có lúc gấp đôi so với các giống lúa thông thường khác. Bình quân, 1kg “lúa chịu mặn” từ 12 ngàn đồng đến 13 ngàn đồng. Vì thế, người dân ở đây vẫn bám đồng bám ruộng để trồng một vụ Đông xuân. Anh Son cho biết, chỉ riêng thôn Vân Quật Đông có tới hơn 25ha ruộng trồng giống lúa này. Ngoài ra, còn có các thôn khác như Thuận Hòa A, B... với diện tích hơn 80ha. 

Hương Phong, vùng quê nằm dọc ven phá Tam Giang với cư dân 70% làm nông, 20% khai thác nuôi trồng thủy sản và 10% làm dịch vụ. Vùng đất quanh năm chìm trong nước, sau mỗi vụ “lúa nước mặn” thu hoạch, vụ còn lại người dân sử dụng diện tích này để thả nuôi tôm, cua, cá xen ghép với lợi nhuận thu lại khá cao. Chúng tôi cũng từng đặt chân đến nhiều miền quê nằm ven phá, ven biển của huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; do đất đai, thời tiết ngày một không chìu theo lòng người, nên những người dân ở đây đã tìm cách đưa những giống cây mới vào thế chỗ. Trồng nấm, trồng rau trên giàn, trồng sen thay lúa, sen xen cá… đang là những sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập khá cho họ. Vinh Hải, một xã ven biển của huyện Phú Lộc mấy năm nay luôn đối mặt với diện tích đất nhiễm phèn ngày càng nặng và lan rộng, từ cây lúa đến những cây rau màu khác chê ỏng chê eo, cải tạo mấy cũng không năng suất. Thế là giống sen đã thế chỗ. Những người trồng sen ở Vinh Hải thừa nhận, từ ngày chuyển đổi những ruộng lúa thành các cánh đồng sen đã cho hiệu quả thấy rõ. Sen hợp với đất nhiễm phèn, nước sâu nên cho năng suất cao, lại bớt cực hơn trồng lúa vì không tốn công xuống giống nhiều lần, lợi nhuận thu về gấp 3, gấp 4 lần trồng lúa.

“Con” của vùng sông nước

Băng qua cây cầu Tam Giang lịch sử nối 2 bờ phá Tam Giang, chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Hải Dương. Không có lợi thế về trồng trọt, nhưng bù lại Hải Dương rất có tiềm năng phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Riêng về nuôi trồng thủy sản, cả xã hiện có 78 ha ao nuôi xen ghép các loại tôm, cua, cá và hơn 560 lồng cá chủ yếu là cá hồng, cá chẽm nuôi trên phá. Sản lượng thu từ nuôi cá lồng bình quân mỗi năm chừng 110 đến 120 tấn. Đối với nuôi xen ghép, bình quân mỗi vụ thu lãi khoảng 50 triệu đồng/1 ha, những lúc cao điểm có thể lên gấp đôi. “Làm gì cũng phải tìm cho ra cái hướng mở mới mong khá lên được, nhất là trong thời buổi diễn biến thời tiết phức tạp, khôn lường do tác động của BĐKH như hiện nay”, ông Đỗ Khắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương ngẫm nghĩ. “À mà cũng hay, có khi nhờ BĐKH, nước biển dâng mà ngư dân ở đây có thêm những đối tượng nuôi mới khá thích nghi và có giá trị hơn nhiều”, ông Lộc lại lạc quan.

Toan tính đưa những giống cá mới về nuôi lồng như cá chẽm, cá hồng; rồi chuyển từ nuôi độc canh con tôm thành xen ghép tôm, cua, cá các loại của người dân cách đây mấy năm giờ đã gặt hái thành công. Tuy là thế, nhưng ông Lộc vẫn ái ngại: “Ngó thì đơn giản, nhưng đến mùa lụt bão, ngư dân phải chống chọi vất vả lắm! Nào lo nước bạc (nước nguồn) đổ về cuốn theo các thứ tạp chất. Nước này mà bám vào mang cá thì nguy to. Rồi nước dâng lên, bị ngọt hóa, tôm, cá cũng khó sống được”. Không khuất phục, anh Nguyễn Phận, một ngư dân ở thôn Thai Dương Hạ Nam, với sự trợ giúp của dự án SRD, đã thả nuôi thêm giống cá đối mục. Vụ rồi, anh thả 500 con giống với giá 6 triệu đồng, tỷ lệ sống lên tới 80%. “Loại này rất dễ nuôi, không ăn những đối tượng cùng nuôi khác, lại không tốn kém thức ăn, bởi chúng chỉ ăn bùn, rong rêu và thức ăn thừa, phế thải của tôm. Đặc biệt nó rất thích nghi dù môi trường nước có biến động thế nào. Thông thường về mùa hè hay mùa mưa, lụt, biên độ lợ, mặn, ngọt thường thay đổi, nhưng giống cá này lại thích nghi tất”, anh Phận giải thích. Dễ vậy, đến lúc thu hoạch lại bán rất được giá. Bình quân mỗi kg gần 150 ngàn đồng. Vị chi sau vụ nuôi vừa rồi anh Phận thu về hơn 25 triệu đồng riêng mỗi cá đối mục. Anh tính, ra giêng sẽ tiếp tục thả nuôi thêm giống cá này cùng với tôm, cua, cá dìa, nâu. Anh còn nuôi ý định học cách ương cho được cua bột thành cua giống để chủ động nguồn giống tại chỗ, khỏi phải chạy đôn chạy đáo, tốn kém khi vào vụ mới.

Ngược lên xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) hay về các xã Ngũ điền của huyện Phong Điền mới thấy được nhiều đổi thay lớn, cả về hạ tầng cơ sở lẫn phương thức sản xuất. Từng nổi tiếng là những vùng đất “hoang mạc hóa”, thế nhưng nhờ biết xoay xở, mỗi người đã có những hướng phát triển kinh tế riêng. Người đánh bắt, người nuôi trồng thủy sản, người chuyên thu mua tôm, cá. Tất cả cùng một quyết tâm chinh phục vùng cát hoang hóa để sống được và khá giả lên từ sông, từ phá, từ dãi cát ven biển. Bây giờ về các xã ven biển, nuôi tôm thẻ chân trắng đang nổi như cồn và trở thành nghề đem lại tiền tỷ cho nhiều người dân.

Chỉ sau một thời gian nhờ có sự kết nối, hợp tác và đồng thuận giữa các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương lẫn cộng đồng cư dân; cùng với việc duy trì kinh nghiệm sống, sản xuất của ông cha để lại, những người dân nơi đây đã có nhiều mô hình sản xuất thích ứng, chinh phục được đất khó thành bạc triệu, bạc tỷ. Tưởng đơn giản, nhỏ nhoi, nhưng với thời gian, phải đối mặt với những bất thường của thời tiết, của BĐKH, những mô hình sản xuất vừa truyền thống, vừa khoa học rất có ích giúp người nông dân thoát được cái nghèo, cái khó đeo đẳng.

Đường bằng phẳng, sông êm xuôi, làng mạc trải ra thanh bình, yên ả. Những bãi đất đẫm phù sa mát mắt với bắp, đậu, mía, dưa cùng các loại cây hoa màu khác đang đơm hoa kết trái ở những làng quê vẫn luôn chịu trận cả khi mưa lụt lẫn hạn hán. Chia tay chúng tôi trong giá trời se lạnh, anh Phận với theo khoe: “Tết ni, tui thu hoạch tỉa mấy mẻ cá lớn còn để dành, tha hồ có tiền mà tiêu lai rai đến hết vụ nuôi tới!”.

Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Return to top