ClockThứ Ba, 04/09/2012 16:28

“Cấm cửa rừng” để bảo vệ lá phổi của Huế

TTH - Chiều cuối tuần, thứ sáu 31/8, từ tầng tư siêu thị Big C nhiều cặp mắt cùng dồn về phía Ngự Bình - Tam Thai: Cháy rừng. Cả một sườn núi lửa cháy rừng rực, khói bốc nghi ngút.

Tôi mở máy tìm số Nguyễn Văn Lành, người bạn học cũ, nay đang đảm đương chức Chủ tịch UBND phường An Cựu để báo, đề phòng nhỡ anh ấy chưa biết thì còn kịp điều lực lượng để cứu rừng. Điện reo mãi, không thấy nhấc máy. Tôi tự an ủi, có lẽ anh ấy đang ở hiện trường. Trời lúc ấy đang chuyển dông, bầu trời xám xịt, sấm chớp lập loè, nhưng mưa thì mãi vẫn chưa tới. Chưa bao giờ tôi lại mong mưa như lúc ấy. Mãi cho tới nửa tiếng sau những hạt mưa đầu tiên mới bắt đầu rơi, và sau đó là ào ào như cầm chỉnh. OK rồi, mọi người thở phào…

 

Rừng thông Tam Thai bị cháy chiều 31/8 (ảnh chụp qua cửa kính từ tầng 4 siêu thị Big C)

 

Điện thoại reo, Chủ tịch Lành gọi lại. Anh xin lỗi vì lúc nãy đang chỉ huy lực lượng chữa cháy. Tôi chúc mừng vì cơn mưa. Lành giãy nãy: Bọn mình chữa xong, mưa mới tới. Địa điểm cháy theo Lành cho biết là núi Tam Thai. Thiệt hại ước tính bảy, tám trăm mét vuông rừng thông. Hỏi đã xác định được nguyên nhân? Chủ tịch Lành khẳng định: Mười vụ thì đến chín là do bà con đi viếng mộ, thắp hương mà gây ra. Anh ngậm ngùi: Xót ghê nhà báo ơi, lúc này cháy một miếng, lúc khác cháy một miếng, chẳng mấy chốc mà hết cả rừng…

 

Rừng thông cảnh quan Ngự Bình, Tam Thai… nằm trên địa bàn phường  An Cựu. Ở các khu vực này mồ mả đang tồn tại với một số lượng rất lớn. Cự ly gần, đường sá thuận lợi nên người đến viếng mộ nhiều và thường xuyên. Dù đã nhắc nhở, đã cảnh báo, nhưng tất cả vẫn như nước đổ lá khoai. Trong lúc đó, lực lượng tại chỗ mỏng, phương tiện chữa cháy thô sơ nên hễ xảy ra sự cố thì thiệt hại không nhỏ. Diện tích rừng thông ở Tam Thai, Ngự Bình  tuy không lớn nhưng rất quý bởi đó là cảnh quan, là lá phổi nằm ngay trung tâm thành phố. Và để có được diện tích rừng ấy, công sức, thời gian đổ ra là không hề nhỏ. Nhớ thời gian sau ngày giải phóng, lúc ấy lớp chúng tôi và Lành đang còn học tiểu học. Cả khu vực Ngự Bình, núi Bân, Tam Thai đều là những ngọn đồi trọc. Đất đai bị bào mòn trơ toàn sỏi đá. Thành phố huy động học sinh, trong đó có chúng tôi đi lao động đào hố trồng cây. Mỗi khối lớp được phân một khoảnh. Thầy giáo chủ nhiệm cầm một “cây thước” hình chữ T khổng lồ lật bên này, lật bên kia đo, đánh dấu, và chúng tôi cứ vị trí ấy mà đào. Sức vóc trẻ con, đất núi thì cứng, chúng tôi cứ 2 đứa đào một lỗ, bặm môi bặm miệng, rộp cả tay mới xong một lỗ… Đất bạc màu lâu ngày, thông lại là loài cây không dễ lớn nên mấy chục năm rồi Ngự Bình, núi Bân, Tam Thai mới có được một mảng xanh như thế. Thấy những mầm thông xanh dần, rợp bóng, từ thành phố nhìn lên, trong tôi không khỏi thoáng một niềm vui khó tả bởi mình và bạn bè, thầy cô đã có một phần công sức trong đó.

 

Nhọc nhằn như thế, nay thấy thông cháy, không xót xa sao được. Mà không chỉ có cháy một lần, mới cách đây một, hai năm, cả một mảng rừng thông ở sườn phía bắc Ngự Bình bị thiêu, nay vừa hồi phục thì đã thấy mảng khác ở sườn phía đông bị cháy. Chưa kịp nguôi ngoai thì lại đến Tam Thai. Và tại thời điểm này, nếu đứng tại một điểm cao ở trung tâm thành phố nhìn lên, sẽ thấy “tấm áo xanh” ở phía tây nam thành phố bị rất nhiều những đám cháy làm cho nham nhở đến đau lòng. Mà cứ tình hình này, không khéo vụ cháy ở Tam Thai vẫn chưa là vụ cháy cuối, cho đến khi…hết rừng (!??) 

 

Di dời mồ mả, vừa để cứu rừng vừa để chỉnh trang đô thị. Đó là giải pháp căn cơ mà không ít người dân thành phố nghĩ tới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thời gian và kinh phí không hề nhỏ. Còn trước mắt, có lẽ phải có chủ trương “cấm cửa rừng” vào những thời điểm nguy hiểm. Ở những thời điểm đó, cấm hoàn toàn những hoạt động viếng mộ, thắp hương tại khu vực trên. Hoặc “mềm” hơn, thiết kế xây dựng một vài lư hương “hội đồng” tại những vị trí an toàn. Tất cả những người viếng mộ chỉ được phép dâng hương tại lư hương chung này. Riêng chuyện đốt vàng mã thì cấm tuyệt đối. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Song, để giữ những diện tích còn lại của những cánh rừng mà nhọc nhằn lắm Huế mới tạo dựng được, thì dù là tình thế vẫn không thể không làm.

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

TIN MỚI

Return to top