ClockThứ Sáu, 07/05/2021 17:25

Cần một trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật

TTH - Nếu có một ngôi trường dạy riêng cho trẻ khuyết tật, tôi sẽ là người đầu tiên đem con đến học, còn học hòa nhập như hiện tại thì không, tôi sợ các bạn làm con đau và cũng sợ con làm đau các bạn. Lời giãi bày của một phụ huynh có con khuyết tật nghe xót xa mỗi khi cô giáo đến vận động đưa trẻ đến trường.

Tận tâm chăm sóc, dạy dỗ học sinh chuyên biệt

Dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập, hành trình gian nan

Trên 300 trẻ khuyết tật chưa học hòa nhập

Cuối giờ chiều, cô giáo chủ nhiệm lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Ninh hốt hoảng nhắn tin trong nhóm zalo của lớp, nhờ phụ huynh chia sẻ hình ảnh của cháu V. lên mạng xã hội khi cháu “mất tích” sau giờ tan học 10 phút. V. là một học sinh khuyết tật đang học hòa nhập khiến nhiều phụ huynh xúc động, lo cho cháu nên đã chia ra các ngả để đi tìm. Rất may, đã không có chuyện gì xảy ra khi V. chỉ nghịch ngợm chạy vào nhà sách gần đó để trốn bố mẹ.

Những câu chuyện đầy âu lo xảy ra thường xuyên đối với trẻ khuyết tật khi học hòa nhập. Buổi sáng đưa con đến trường, tôi chạnh lòng khi trống đánh vào lớp mà có phụ huynh phải túc trực dưới sân để hỗ trợ cô giáo bất cứ lúc nào. Người mẹ trẻ có cô con gái đầu lòng chẳng may mắc bệnh tự kỷ buồn rầu kể, sáng nào em cũng ngồi dưới sân cho đến trưa thấy yên yên mới về chứ về nhà cũng chẳng an tâm được. Có khi cháu chạy thục mạng ra đường hoặc gào khóc, đập đầu vào tường thì em sẽ lên với con.

Cũng theo lời cô P. giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh, mỗi trẻ khuyết tật đều có cách biểu hiện khác nhau, có em cào, cắn, ném đồ chơi, đập đầu vào tường tự gây thương tích. Rồi có em muốn gây sự chú ý nên hễ uống nước xong là ném ly xuống đất. Em thì trốn vào góc phòng, em lại chạy ra đường. Thậm chí, có em còn đại tiện, tiểu tiện ngay trong lớp học.

Ở Huế có nhiều giáo viên dạy trẻ khuyết tật tận tâm. Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Vĩnh Quân, giáo viên Chuyên biệt, Trường tiểu học Thuận Thành khiến tôi nhớ mãi. Quân bảo, chừ có cho em chọn lại nghề, em vẫn muốn dạy trẻ khuyết tật. Vất vả trăm bề khi cô phải dạy các em mọi thứ, từ những động tác đơn giản, như thổi, nhai, cầm, nắm đồ vật, mặc quần áo, cài khuy áo, cột dây giày... Sự nỗ lực ấy đã được đền đáp khi có em lần đầu tiên gọi “cô ơi” sau bao nhiêu năm dài chưa hề nói. Đó cũng là động lực để giúp Quân soạn gần 20 giáo án khác nhau trong một lớp học có gần 20 em khuyết tật.

Trong một lần làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngạc nhiên khi chia sẻ, ở Huế có những lớp dạy trẻ khiếm thị hòa nhập ngay trong trường tiểu học và cũng từ đó xuất hiện nhiều giáo viên chuyên biệt rất đặc biệt. Chưa  qua trường lớp đào tạo dành cho trẻ khuyết tật, song các cô dạy bằng cái tài, cái tâm nên nhiều em tiến bộ vượt bậc, thậm chí vào học tốt ở các lớp học hòa nhập. Trong trường hợp này, nghề chọn người quả đúng đối với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Cần môi trường học tập chuyên biệt

Tận tâm với trẻ, tâm huyết với nghề nhưng những giáo viên như Quân đôi khi “lực bất tòng tâm” bởi nhiều phụ huynh có con khuyết tật đóng sầm cửa mỗi khi các cô đến vận động đưa trẻ ra học hòa nhập. Thực tế, việc hơn 300 trẻ khuyết tật chưa được đến trường học hòa nhập cũng do nhiều nguyên nhân. Tâm lý bố mẹ không chấp nhận con mình là khuyết tật cũng có, sợ con bị bạn bè kỳ thị, các em bị bệnh nặng hay phụ huynh chưa thực sự yên tâm khi trên địa bàn chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật.

Điểm qua một số cơ sở dạy trẻ khuyết tật hòa nhập đều thấy, các trường đều không có cơ sở vật chất dành riêng cho giáo dục học sinh khuyết tật. Phụ huynh có điều kiện thì sẽ mua máy móc hỗ trợ cho trẻ trong giao tiếp, còn khó khăn quá thì lại khoán trắng cho nhà trường. Mà trường thì lấy nguồn đâu ra để mua sắm, may mắn lắm thì xin được một ít máy móc, phương tiện hỗ trợ các em từ nguồn viện trợ. Không có kinh phí để bảo dưỡng, lại nhiều người dùng nên máy móc nhanh hỏng. Chưa kể, ngay việc những lớp học có nhiều học sinh khuyết tật nặng, sức khỏe, tâm lý diễn biến phức tạp, trong khi, giáo viên chưa có chuyên môn sâu cũng ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập của các em. Thế nên, không lạ khi nhiều giáo viên ước ao, giá như các em được học trong ngôi trường dành riêng cho mình, chí ít sẽ không làm các em đau khi luôn được thiết kế bằng những vật dụng an toàn.

Với học sinh khuyết tật nặng, học hòa nhập ở các trường tiểu học ít nhiều cũng sẽ  ảnh hưởng tới việc quản lý lớp học, giảng dạy của giáo viên… Bỗng dưng, tôi lại nhớ đến câu chuyện đi họp phụ huynh đầu năm của con khi nhiều người đã gây áp lực với nhà trường không đồng ý để trẻ khuyết tật học hòa nhập vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng lớp học… Tất nhiên, đó là điều không thể nhưng cũng khiến phụ huynh có con khuyết tật chạnh lòng và có chị đã cương quyết đem con về dẫu biết rằng tước đi khả năng phục hồi của con trong giai đoạn “vàng”.

Đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận, mô hình dạy học sinh khuyết tật hòa nhập dẫu có nhiều ưu điểm nhưng Thừa Thiên Huế vẫn không nên kéo dài các lớp học khuyết tật trong các trường tiểu học như hiện nay. Bởi lẽ, sẽ ảnh hưởng đến chính các em và những học sinh khác, nhất là trong chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều hoạt động trải nghiệm. Với số lượng học sinh khuyết tật đông và có dấu hiệu gia tăng, đã đến lúc, Thừa Thiên Huế cần thành lập trường chuyên biệt trên địa bàn để tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học trong môi trường giáo dục phù hợp.

Vấn đề này tất nhiên không phải ngày một, ngày hai có thể làm được khi liên quan đến kinh phí, quỹ đất, đội ngũ giáo viên... Theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh trong buổi làm việc gần đây với Bộ GD&ĐT, sẽ giao việc này cho Sở GD&ĐT làm đề án để thành lập một ngôi trường dành riêng cho trẻ khuyết tật trong thời gian sớm nhất. Với quyết tâm đó, hy vọng gần 1.300 học sinh khuyết tật trong tỉnh sẽ được học tập trong môi trường an toàn và phù hợp với năng lực của các em.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”

TIN MỚI

Return to top