ClockThứ Sáu, 02/06/2017 13:46

Cần niềm tin khi làm việc ở nước ngoài

TTH - Suốt thời gian dài, chỉ tiêu về xuất khẩu lao động (XKLĐ) cứ tăng, giảm bất thường. Tình trạng lao động bị lừa đảo, “đưa con bỏ chợ” khiến XKLĐ nhiều năm lâm vào cảnh “chợ chiều”. Vì vậy, người lao động đang cần được củng cố niềm tin khi tham gia XKLĐ.

Lao động sợ bị lừa

Trong vòng 5 năm, toàn tỉnh mới có trên 860 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong khi, nguồn lao động khá dồi dào với gần 18.000 người ở  tuổi lao động và khoảng 9.000 người đang thất nghiệp. Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, thông thường mức lương bình quân ra nước ngoài làm việc từ 10 - 30 triệu đồng/tháng. Sau mỗi hợp đồng, người lao động tiết kiệm được số ngoại tệ tương đương khoảng 200 - 600 triệu đồng. Tuy nhiên, những đối tượng cần cải thiện chất lượng sống, như hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số hầu như không có ai đăng ký đi XKLĐ, dẫu có nhiều chính sách ưu đãi.

Đào tạo lao động ở Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế

Tâm lý của người lao động vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, những thị trường này yêu cầu về trình độ, số lượng tuyển ít và chi phí lớn. Trong khi, trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động còn hạn chế nên lao động xuất cảnh vẫn còn thấp. Hơn nữa, chi phí ở một số thị trường khá cao, từ 80 triệu đến 120 triệu đồng/người, gây cản trở cho người lao động.

Yếu tố quyết định khiến lao động chùn bước do thiếu niềm tin ở đơn vị chủ quản. Doanh nghiệp về tận địa phương tuyên truyền, vận động người dân đi XKLĐ, nhưng chính đơn vị lại chưa chấp hành các quy định về tiến độ tuyển chọn cũng như không phối hợp cùng cơ quan chức năng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trường hợp lao động bỏ ra ngoài làm việc, chứng tỏ hợp đồng chưa chặt chẽ nên việc phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng hay tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước còn hạn chế. Các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo nghề chưa thực hiện tốt công tác tạo nguồn tham gia XKLĐ, nhất là việc liên kết với các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động.

Tại một buổi tư vấn về XKLĐ ở thị xã Hương Thủy, anh Nguyễn Tiến Anh ở phường Thủy Phù cho hay: "Tiền bạc, tay nghề nếu có quyết tâm chúng tôi vẫn xoay xở được. Tuy nhiên, sợ nhất là bị lừa khi đi XKLĐ. Công ty thì nhiều nhưng khi có sự cố, lao động sẽ bấu víu vào đâu, đơn vị nào đứng ra giải quyết  khi các công ty đều đóng ở các tỉnh khác?".

Cần củng cố niềm tin

Đáng lo ngại là cách quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng cò mồi, thiếu quản lý về phí, thiếu thông tin cho lao động, khi lao động đặt bút ký hợp đồng lại thiếu bộ phận tư vấn… Những sơ hở này khó làm lành mạnh thị trường XKLĐ, người lao động nghèo lại rơi vào vòng xoáy như trả phí quá cao, rồi bị “vỡ mộng” khi ra nước ngoài, thực tế không như viễn cảnh doanh nghiệp “vẽ” ra...

Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng. Để đạt được mục tiêu đặt ra, các ban, ngành cần vào cuộc để củng cố niềm tin cho người lao động.

Từ đầu năm đến nay, có nhiều buổi tư vấn đến với các địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Chi phí đi được công khai, rõ ràng. Người lao động sang nước ngoài sẽ làm nghành nghề gì? mức lương bao nhiêu? mất bao lâu để đào tạo? lao động nào không thể đi XKLĐ? Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết: "Sở đứng ra cam kết với người lao động về những đơn vị có đủ tư cách pháp nhân đưa người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, sở sẽ giám sát, kịp thời giải quyết vụ việc phát sinh đảm bảo quyền lợi cho lao động, cần thiết đưa vụ việc đến các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiều lao động đến trực tiếp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn, giới thiệu những thị trường ổn định. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để tạo niềm tin cho lao động".

Theo ông Tuấn, tỉnh sẽ có nhiều phương án hỗ trợ lao động đi XKLĐ. Ngoài kinh phí của T.Ư, tỉnh sẽ có nguồn vốn hỗ trợ các chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Những thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị và kinh tế - xã hội ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Cộng hòa Liên bang Đức… tiếp tục được mở rộng. Trong đó, chú trọng các ngành nghề mà lao động Thừa Thiên Huế có lợi thế. Các đơn vị có chức năng XKLĐ sẽ được tạo điều kiện để liên kết với các cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề sát với thực tế công việc mà đối tác nước ngoài yêu cầu.

Bài, ảnh: Huế Thu  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Thông tin doanh nghiệp:
Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry

Sau 4 năm thành lập, The Sentry hiện nay với 3 cơ sở hướng đến phát triển một cộng đồng dành riêng cho các nhà sáng tạo và doanh nhân công nghệ, đồng thời thu hút các nhân tài thế hệ trẻ của nước nhà.

Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

TIN MỚI

Return to top