ClockChủ Nhật, 24/02/2019 14:42

“Cạnh tranh bằng quyền sở hữu trí tuệ”

TTH - Tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về vai trò của hợp tác xã (HTX) với việc tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ đối với đặc sản địa phương ở TP. Huế.

Quyền sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp: Xác lập càng sớm càng tốtBảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cần tăng mức xử phạt vi phạmĐồng hành cùng doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ

TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ 

Theo TS. Lê Ngọc Lâm, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một loại tài sản vô hình và giá trị của nó trong tổng tài sản của doanh nghiệp đã có sự thay đổi ngoạn mục trong 40 năm qua. Năm 1975, nếu tài sản vô hình chỉ chiếm 17%, thì đến năm 2015, tỷ lệ ấy đã chiếm đến 84%. Thậm chí ở những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới có thế mạnh về công nghệ phần mềm, họ có tài sản vô hình trên 90%. Ở Việt Nam, tại thời điểm này, giá trị tài sản vô hình của các doanh nghiệp vẫn đang ở mức của các năm trước 1975 so với thế giới. Điều đó cho thấy, mặc dù được coi là một dân tộc thông minh nhưng Việt Nam chưa sử dụng sự thông minh ấy để gia tăng giá trị tài sản vô hình cho doanh nghiệp.

TS. có thể nói cụ thể hơn những lợi ích của SHTT đối với sản phẩm trên thị trường?

Nói ngắn gọn, đó là một công cụ pháp lý hết sức hữu hiệu cho các sản phẩm khi ra thị trường. Trong các Điều ước quốc tế, SHTT luôn nổi lên là vấn đề then chốt và không thể không có nội dung này trong các đàm phán thương mại. Mấu chốt của SHTT là độc quyền. Sản phẩm có SHTT sẽ được bảo hộ vị thế độc quyền trên thị trường và có thể ngăn mọi đối thủ không được sử dụng quyền đó trong khoảng thời gian nhất định tùy theo loại quyền SHTT được đăng ký. Nghĩa là, những doanh nghiệp có sản phẩm được bảo hộ SHTT có xuất phát điểm sớm hơn các đối thủ, sẽ là 20 năm đối với việc bảo hộ sáng chế, hoặc 15 năm với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp… Sau thời gian này, các đối thủ cạnh tranh nếu muốn mới được sử dụng những đối tượng đã được đăng ký bảo hộ.

Kiểu dáng công nghiệp có liên quan như thế nào đối với đặc sản địa phương, thưa TS?

Kiểu dáng công nghiệp thường liên quan đến việc tạo ra bao bì hoặc mẫu mã sản phẩm. Đây cũng là đối tượng được bảo hộ độc quyền, nhưng có vẻ như đối tượng này chưa được các doanh nghiệp ở Việt Nam chú trọng. Gần đây, lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của các doanh nghiệp tăng lên rất nhiều nhưng tôi nghĩ sự thay đổi ấy vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, chúng ta mới chỉ dựa vào những gì thế giới đã làm để làm theo, trong khi chúng ta có rất nhiều đặc thù trong cây trái hoa quả và những đặc thù này lại chưa được chú ý đầu tư để tạo nên sự khác biệt. 

Thừa Thiên Huế có khá nhiều làng nghề, sản phẩm truyền thống cần được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ảnh: T. HUỆ

Việc đóng gói bao bì cho sản phẩm là một vấn đề vô cùng quan trọng. Hầu hết sản phẩm đặc sản trong ngành nông nghiệp của chúng ta đều xuất thô, chưa thể chế biến khác hơn, sạch hơn và hấp dẫn trực quan người tiêu dùng. Trong khi Thái Lan và Malaysia là những quốc gia láng giềng lại làm rất tốt việc này. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nếu chúng ta làm được như họ, những sáng chế ấy sẽ được đăng ký độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Thực tế, do hạn chế về nguồn lực tài chính nên chúng ta chỉ có thể cạnh tranh bằng các quyền SHTT. Chúng ta không đủ nguồn lực tài chính để cạnh tranh sản phẩm với những “ông lớn”, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn cản họ “vượt mặt”, cạnh tranh không lành mạnh nếu sản phẩm của chúng ta được bảo hộ SHTT. Giá trị của các quyền SHTT nằm ở chỗ đó.

HTX có vai trò như thế nào trong việc tạo lập và bảo hộ các quyền SHTT cho đặc sản địa phương?

Các đặc sản địa phương thường được sử dụng nhãn hiệu tập thể, hoặc nhãn hiệu chứng nhận để đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Với nhãn hiệu thông thường, thường các doanh nghiệp đăng ký để bảo vệ cho mình, trong khi các tổ chức tập thể như các HTX, hay các hội nông dân thường đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Tôi nghĩ rằng, vấn đề quan trọng mà chúng ta cần quan tâm là làm thế nào để giữ danh tiếng và chất lượng của sản phẩm đặc sản sau khi đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Để làm được điều đó, các HTX không những phải giữ được quy trình sản xuất như đã đăng ký mà còn phải không ngừng hoàn thiện quy trình ấy với yêu cầu ngày càng cao hơn. Đối với các HTX, sự sống còn nằm ở chỗ phải đảm bảo các xã viên tuân thủ nghiêm túc các khâu trong quy trình sản xuất, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Giá trị thương hiệu vô cùng lớn, nhưng nó cũng mong manh như làn khói. Chúng ta sẽ nhận hậu quả ngay tức thì nếu không biết giữ gìn nó. Không ít doanh nghiệp đã “sập tiệm” chỉ vì một sơ suất nhỏ.

Nếu được đăng ký sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm làng nghề Huế sẽ cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

TS. có gợi ý nào để giúp các HTX “đứng vững” trong vấn đề mấu chốt này?

Tình hình chung hiện nay là chúng ta đang thiếu một cơ chế kiểm soát. Tham gia HTX, các xã viên vẫn được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu địa lý, nhưng để kiểm soát xem họ có tuân thủ những quy định chung hay không, chúng ta lại chưa có cơ chế. Theo tôi, để đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được đăng ký, càng sớm càng tốt mỗi HTX cần phải xây dựng một cơ chế kiểm soát và thống nhất vận hành. Trước mắt, với cơ chế ấy mỗi HTX có thể kiểm soát nội bộ. Xa hơn, Thừa Thiên Huế cũng có thể thành lập các đơn vị để kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng quy chuẩn vừa kiểm soát sự xuất hiện của những sản phẩm lạ, nhái, đánh cắp bản quyền...

Người ta thường nhắc đến sự hạn chế về khoa học kỹ thuật và năng lực cán bộ khi bàn về vai trò “bà đỡ” của HTX đối với đặc sản địa phương. TS. có nghĩ đó là lý do?

Đó cũng là hiện trạng chung của phần lớn các HTX nông nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ nền sản xuất dựa vào nông nghiệp của chúng ta kéo dài nhiều năm và điều này cần được thay đổi. Sự thay đổi cần thiết ở chỗ cần định hướng xây dựng HTX theo kiểu mô hình doanh nghiệp. Theo mô hình này, các HTX sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, họ sẽ có những đầu tư đáng kể về mặt tài chính để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tích cực trong việc đào tạo xã viên nông dân trở thành công nhân nông nghiệp hiện đại, đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu của quy trình sản xuất.

So với các địa phương khác, TS. nhìn thấy sự quan tâm của chính quyền Thừa Thiên Huế với tài sản SHTT như thế nào?

Thừa Thiên Huế đang nổi lên với một số đối tượng SHTT đặc biệt. Các bạn đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho nón lá và hiện đang tiếp tục công việc này cho sản phẩm dầu tràm. Chúng tôi biết các bạn cũng đang có chiến lược để phát triển các đặc sản địa phương trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và cân nhắc loại hình quyền SHTT để đăng ký cho hải sản Tam Giang. Điều đó cho thấy, việc đăng ký SHTT cho sản phẩm đặc sản địa phương đang được Thừa Thiên Huế phát huy rất tốt. Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương có đặc sản về lúa và gạo. Tôi nghĩ, các bạn cần sớm xây dựng nhãn hiệu cho những đặc sản này để đưa sản phẩm ra thị trường thuận lợi và đem lại giá trị kinh tế tốt hơn.

Xin cảm ơn TS!

Đồng Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực

Vào mùa xuân hàng năm, hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được tổ chức tại tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Năm nay, chủ đề của diễn đàn là “châu Á và thế giới: Những thách thức chung, trách nhiệm chung”. Các chuyên gia nhận định đây là một chủ đề rất phù hợp với thời cuộc.

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực
Return to top