ClockThứ Hai, 12/11/2018 14:25

Chậm chuyển đổi mô hình quản lý chợ

TTH - Toàn huyện Phong Điền có 17 chợ nông thôn, trong đó có 2 chợ hạng 2 (chợ Phò Trạch và chợ An Lỗ) và 15 chợ hạng 3. Năm 2018, UBND huyện thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý đối với 4 chợ: An Lỗ (Phong Hiền), Phò Trạch (thị trấn Phong Điền), Mới (Điền Hải) và Ưu Điềm (Phong Hoà), nhưng đến nay, chưa có ngôi chợ nào được chuyển đổi, chậm so với kế hoạch của tỉnh.

Tập huấn về kỹ năng xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông, đặc sản

Tiểu thương mong muốn sau khi chợ được chuyển đổi vẫn đảm bảo hoạt động

Làm điểm từ chợ Phò Trạch

Ông Nguyễn Viết Đằng, Trưởng Ban quản lý chợ Phò Trạch cho biết, chợ có 247 lô, nhưng thực tế sử dụng khoảng 140 lô cố định. Hoạt động gần 23 năm, hiện nay, nhiều hạng mục như mương máng, nền chợ, trụ cột đều đã bong tróc, xập xệ. Mái tôn, ngói của nhiều lô hàng đã hư hỏng. Diện tích nhiều lô hàng được thiết kế chật hẹp, không còn phù hợp cho việc bố trí, bày biện hàng hoá.

Chính quyền địa phương đã xây dựng phương án chuyển đổi chợ theo hình thức giao cho doanh nghiệp (DN) hoặc hợp tác xã (HTX) quản lý, khai thác nhằm huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo, quản lý hiệu quả nhưng chưa chuyển đổi được.

Sở dĩ chợ Phò Trạch chậm được chuyển đổi là do vướng mắc liên quan đến đất đai. Theo quy hoạch chung thị trấn Phong Điền, toàn bộ khu vực bao gồm phần chợ Phò Trạch, các ki ốt và phần đất trước chợ đến tiếp giáp Quốc lộ 1A với diện tích khoảng 6.100m2 được quy hoạch là đất công cộng. Nhưng trên hồ sơ, 31 ki ốt phía trước mặt chợ (bình quân 12m2/ki ốt) đã được tổ chức bán đấu giá sử dụng lâu dài từ trước năm 2000 và các hộ sử dụng để kinh doanh kết hợp nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, trong phương án chuyển đổi chợ đã loại diện tích 31 ki ốt được bán đấu giá sử dụng lâu dài sai quy định. Huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Phong Điền quy hoạch chi tiết khu vực này thành đất dịch vụ, trên cơ sở đó xin ý kiến tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng để tiến hành cấp thẻ đỏ cho thuê có thời hạn, đảm bảo đúng quy định và quyền lợi chủ sử dụng đất. Vướng mắc làm chậm tiến độ kể trên đã được tháo gỡ, nên chỉ cần ban chỉ đạo chuyển đổi chợ cấp tỉnh phê duyệt phương án đã được huyện đề xuất thì việc chuyển đổi chợ sẽ sớm hoàn thành. Trước mắt, huyện phấn đấu hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Phò Trạch trong năm 2018 để làm điểm, tiếp tục chuyển đổi những chợ còn lại trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Gỡ khó từng bước

Ngoài chợ Phò Trạch đã hoàn thiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, các chợ còn lại đang trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác chuyển đổi.

Theo kế hoạch, chợ An Lỗ sẽ được đầu tư nâng cấp, xây mới nên cần huy động nguồn vốn. Vì thế, huyện đang tập trung làm 3 việc: xác định lại diện tích đất để xây dựng chợ, huy động vốn và thiết kế lại chợ. Huyện đã tiến hành kiểm kê, đánh giá tài sản và đang chỉ đạo địa phương xây dựng phương án chuyển đổi; dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành các bước để chuyển đổi chợ An Lỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Cho, khó khăn nhất trong thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ là việc đánh giá tài sản. Hầu hết các chợ nông thôn được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, nhưng hiện nay hồ sơ của các chợ thuộc địa phương quản lý đều bị thất lạc. Để tháo gỡ vướng mắc này, huyện xin ý kiến của tỉnh, Sở Tài chính để được phép đánh giá tài sản theo hiện trạng. Khó khăn thứ hai là kiểm tra, xác định hiện trạng sử dụng đất trước khi giao lại cho DN hay HTX quản lý.

Qua tìm hiểu, nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Phò Trạch cùng chung nguyện vọng, dù chuyển đổi mô hình theo phương án nào, giao cho đơn vị nào quản lý nhưng phải đảm bảo cho họ được buôn bán ổn định; nhất là việc phân lô, đấu giá phải phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế tại chợ, tránh phát sinh nhiều loại phí dịch vụ với mức thu cao...

Bà Trương Thị Ân, tiểu thương chợ Phò Trạch tâm tư: "Chúng tôi đang lo nếu không phải nhà nước quản lý mà giao cho một DN chủ quản thì giá tiền đấu lô sẽ tăng cao và thêm các loại phí khác phải đóng; trong khi đó thực trạng kinh doanh ở chợ ngày càng ế ẩm".

Ban chỉ đạo chuyển đổi chợ huyện Phong Điền đã tổ chức nhiều phiên họp với các xã, thị trấn, ban quản lý chợ thực hiện các bước thủ tục chuyển đổi, hướng dẫn xây dựng phương án; đồng thời tuyên truyền cho các tiểu thương, tư thương hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Trường hợp sau khi phương án được phê duyệt, ban chỉ đạo huyện cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho các DN có nhu cầu tìm hiểu để tham gia đấu thầu, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ một cách công khai, minh bạch và lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý đủ năng lực về tài chính, quản lý và tư cách pháp nhân.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Return to top