ClockThứ Sáu, 11/12/2020 21:33

Thừa Thiên Huế nhận Huân chương Lao động hạng Ba về công tác giảm nghèo

TTH.VN - Trong tất cả trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân, giảm nghèo và an sinh xã hội là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất; là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Một số kết quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vữngTiếp cận đa chiều để rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc hội nghị

Thành quả mang đậm tình người

Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Cùng tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội- Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH- Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Các thành tựu tăng tưởng kinh tế được chuyển hóa thành nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xã hội đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo được nâng cao và cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với Nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới "các đồng chí đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể đến trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống".

Quả ngọt cho Thừa Thiên Huế

Riêng tại Thừa Thiên Huế, công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều, cũng như thực trạng nghèo và điều kiện thực tiễn của tỉnh. Qua đó đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của Nhân dân. Đảng bộ các cấp đều ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững; bộ máy chỉ đạo điều hành được thành lập để tham mưu triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Thứ hai, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Đầu giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 8,36%, đến cuối năm 2019 đã giảm xuống 4,17% và dự kiến giảm còn 3,67% vào cuối năm 2020. Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,94%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao 0,87%/năm, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (ngoài cùng bên trái) nhận khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

Thứ ba, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo thời gian qua đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo góp phần ổn định đời sống của người dân.

Thứ tư, trong giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế có 13/27 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn nông thôn mới; có 6/14 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Thứ năm, toàn tỉnh đã vào cuộc, chung tay vì người nghèo, trong đó nổi bật là sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc 57 cơ quan, đơn vị, trường học đã vận động, đóng góp, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo tại 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, góp phần vào việc thực hiện thành công chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, sự vào cuộc trong công tác lãnh chỉ đạo, sâu sát ở cơ sở trong việc tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; công tác quản lý dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo việc thực hiện đúng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả giảm nghèo đạt được trong giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và phong trào thi đua "Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau".

Tin, ảnh: Xuân Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng

Ngày 14/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức lớp đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng. Chương trình đào tạo thu hút sự tham gia của hơn 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng

TIN MỚI

Return to top