ClockThứ Hai, 08/06/2020 08:52

Học phí & chất lượng

TTH - Kế hoạch tăng học phí bắt đầu từ năm học 2020-2021 của một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm lớn của giáo viên, phụ huynh, học sinh và dư luận trong suốt một tuần qua.

Không dễ tăng học phí dù... “có quyền”Học phí các trường đại học tự chủ tài chính tăng mạnh trong năm học 2017-2018

Quan tâm bởi mức học phí dự định tăng một cách đột biến, có ngành tăng gấp 5 lần so với hiện tại, với 70 triệu đồng/năm.

Lý do được các trường đưa ra là do tự chủ về mặt tài chính, mức học phí những năm qua không đảm bảo được công tác đào tạo; mức học phí mới sẽ tạo điều kiện cho nhà trường đầu tư cho công tác đào tạo tốt hơn…

Điều có thể hiểu, việc đặt ra mức học phí cao như vậy, nhà trường đã có đủ sự tự tin về chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm cao, thu nhập ổn định.

Thật ra, đối với các phụ huynh có điều kiện, mức học phí như vậy là bình thường. Trong thực tế, nhiều người đã đầu tư cả tỷ đồng mỗi năm để cho con đi du học. Nếu các trường tăng học phí đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo tương đương như chuẩn quốc tế, thì sẽ thu hút trở lại dòng tiền này; bởi dù sao, đầu tư cho em học ở trong nước vẫn thuận tiện và ít tốn kém hơn.

Bất cập ở đây là mặt bằng kinh tế chung của đa số phụ huynh vẫn còn thấp. Mức học phí mới này quá xa vời đối với họ. Nhiều em học rất giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn sẽ khó có điều kiện để theo học. Dù nhà trường đã tính đến các giải pháp cho nhóm đối tượng đặc biệt này, như kết nối với ngân hàng để sinh viên vay vốn, cấp học bổng… nhưng chắc hẳn có không ít phụ huynh, học sinh không đủ tự tin để theo học. Như để có học bổng chẳng hạn, sinh viên phải nỗ lực hết mình, song ít nhất phải qua hết một học kỳ mới có kết quả; trong lúc học phí phải nộp đầu năm, cùng với nhiều chi phí sinh hoạt khác.

Nói vậy, không có nghĩa các em không còn cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Nhiều trường đã công bố mức học phí tuyển sinh năm 2020, với mức độ vừa phải. Chẳng hạn như các trường trong Đại học Huế năm nay, với mức thu bình quân trên dưới 10 triệu đồng/năm; trong đó có nhiều ngành không thu học phí, tập trung ở Trường đại học Sư phạm Huế.

Cũng nói thêm rằng, mức học phí thấp không hẳn chất lượng đào tạo thấp. Chẳng hạn như Trường đại học Y Dược Huế, là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của miền Trung – Tây Nguyên, có lực lượng giảng viên có trình độ sau đại học khá hùng hậu, với nhiều học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ. Hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm; nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ sở y tế của cả nước…

Song, dư luận vẫn băn khoăn, lo lắng về một hiệu ứng domino. Học phí năm nay thì như vậy, những năm tiếp theo không biết sẽ thế nào. Cho nên, rất cần có chính sách, điều tiết hợp lý, để vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa tạo cơ hội học tập cho nhiều học sinh, nhất là những em có năng lực học tập tốt nhưng kinh tế gia đình khó khăn.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”

Đó là những chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án VinFast. Ông đang là cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup. Theo ông, thế hệ trẻ đang sống trong giai đoạn nhiều cơ hội với trí tuệ nhân tạo (AI), là “thế giới phẳng”nhưng cũng là thách thức lớn. Điều đó đòi hỏi mỗi người trẻ phải có sự thay đổi, có sự chuẩn bị, trang bị các kỹ năng để khi “cờ” đến tay mới có thể “phất” được.

“Có sự chuẩn bị, khi cờ đến tay bạn mới có năng lực để phất”
Return to top