ClockThứ Hai, 14/09/2020 08:39

Thế mạnh từ cảng biển

TTH - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự báo sẽ tăng quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Đây là cơ hội để các cảng biển trong nước phát huy thế mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian tới.

Đảm bảo an toàn từ biển đến bờChặn dịch từ đường biển

Số liệu thống kê cho thấy, hiện có 26 quốc gia thuộc châu Âu đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với 2.040 dự án. Tổng vốn đầu tư ghi nhận đạt 21,66 tỷ USD. Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD.

Ngoài châu Âu, Việt Nam còn ký kết nhiều hiệp định thương mại, hợp tác khác với nhiều quốc gia đang phát huy hiệu quả. Những tháng đầu năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu sáng, với con số xuất siêu lên tới 10 tỷ USD.

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng trên 42% trong 5 năm tới; đồng thời, nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng tăng mạnh.

Trong lưu thông hàng hóa với các nước, vận tải đường biển luôn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia hàng hải, khu vực cảng nước sâu ở Việt Nam có tuyến kết nối trực tiếp đi châu Âu còn rất ít; hàng hóa chủ yếu trung chuyển qua các cảng trong khu vực, sau đó đi tàu gom container về Việt Nam. Thực tế này cho thấy, nếu các cảng biển trong nước không được đầu tư phát huy công suất thì giá trị Hiệp định EVFTA nói riêng và các hiệp định, hợp tác thương mại khác nói chung mang lại sẽ bị hạn chế đáng kể.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để phát triển công, nông nghiệp gắn với xuất nhập khẩu. Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Điền và nhiều nhà máy, cụm công nhiệp... đang hoạt động, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương.

Cảng nước sâu Chân Mây với độ sâu đủ khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài đến 362m và 225.282GT. Tuy nhiên, đến nay, cảng Chân Mây mới hoàn thành đưa vào sử dụng bến cảng số 1 và đang đầu tư xây dựng bến số 2, số 3, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận khách và hàng hóa trong thời gian tới.

Lợi thế của cảng Chân Mây đã được nhiều nhà đầu tư hướng đến. Mới đây, Công ty SSA Marine International (Hoa Kỳ) có buổi làm việc với UBND tỉnh về đẩy mạnh khai thác hàng container và du lịch biển tại cảng Chân Mây. Đây là doanh nghiệp đang khai thác hơn 200 cảng biển trên khắp thế giới.

Việt Nam có chiều dài bờ biển 3.260 km, đi qua nhiều tỉnh thành; tuy nhiên, vị trí nước sâu để xây dựng cảng biển cho tàu tải trọng lớn ra vào thì không nhiều. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, nếu được đầu tư bài bản, cảng Chân Mây sẽ phát huy giá trị khi Hiệp định EVFTA nói riêng và các hiệp định, hợp tác thương mại khác nói chung phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư hạ tầng cảng biển

Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các dự án (DA) đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.

Đầu tư hạ tầng cảng biển
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Return to top