ClockThứ Bảy, 26/06/2021 13:15

Chủ động bảo vệ cá lồng mùa nắng nóng

TTH - Nắng nóng, dòng chảy kém, thiếu ô-xy… khiến cá nuôi lồng trên các sông có biểu hiện bị ngột, xuất hiện chết rải rác và có nguy cơ chết hàng loạt rất cao.

Nông dân thiệt hại lớn do cá lồng chếtHướng mở cho nuôi cá lồng trên sông Đại GiangCá lồng ở Quảng Điền chết hàng loạtQuảng Điền: Gần 5 tấn cá lồng bị chết

Người dân chăm sóc cá lồng mùa nắng nóng

Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa

Ông Hoàng Thanh ở thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cho hay, từ khi ông bắt đầu thả giống cũng là lúc nắng nóng gay gắt xuất hiện và kéo dài đến nay. Những ngày qua, các lồng nuôi cá trắm, chép của ông Thanh và một số hộ lân cận xảy ra hiện tượng cá lờ đờ, ngoi lên mặt nước, kém ăn và chết rải rác.

Ngay từ lúc thả nuôi, ông Thanh và người dân mua sắm thiết bị máy móc, dụng cụ, kéo điện ra vùng nuôi sẵn sàng vận hành tạo ô-xy cho cá. Mấy ngày nay dòng chảy trên sông Bồ khá yếu, nguồn nước có dấu hiệu nóng lên và cá có nguy cơ chết, ông Thanh cũng như các hộ nuôi đã chạy ô-xy liên tục, cả ngày lẫn đêm. Theo ông Thanh, khó khăn đối với người dân là việc chăm sóc cá vào ban đêm còn thiếu chủ động. Một số năm do không chủ động chăm sóc, chạy ô-xy nên cá chết hàng loạt lúc nửa đêm và gần sáng, thiệt hại hoàn toàn.

Kinh nghiệm từ nhiều vụ trước, bắt đầu nắng nóng xảy ra, người nuôi cá lồng trên sông Bồ và các sông chủ động chạy ô-xy liên tục, chăm sóc cá thường xuyên, giảm số lượng lồng nuôi và giãn cách lồng hợp lý nhằm tạo dòng chảy ổn định, thông thoáng; mật độ nuôi cũng giảm khoảng 30% so với trước. Đây là một trong những biện pháp vừa hạn chế nguy cơ cá chết, vừa giảm chi phí đầu tư giống, thức ăn; nếu gặp rủi ro cũng hạn chế thiệt hại.

Ngoài các biện pháp bảo vệ môi trường, người dân tận dụng lá đậu lạc sau thu hoạch làm thức ăn và sử dụng thêm cám gạo, bột công nghiệp, pha thêm nước tỏi nhằm tăng dinh dưỡng, tạo sức đề kháng cho cá. Tại thời điểm này, tình trạng cá chết cơ bản được khống chế, không chết đại trà. Tuy nhiên nắng nóng còn kéo dài, diễn biến phức tạp nên người dân vẫn không chủ quan, tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Ông Trần Văn Diệm ở thôn 10, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) lo lắng, dù đã triển khai các biện pháp phòng chống nắng nóng theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhưng cá nuôi lồng trên sông Đại Giang các vụ gần đây vẫn bị chết do ngạt vì thiếu ô-xy, dòng chảy kém. Mùa nắng nóng năm nay dự báo diễn biến phức tạp, ông Diệm và người dân đang nỗ lực ứng phó, bảo vệ.…

Hướng đến nuôi an toàn, “chuỗi giá trị”

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong nhận định, với tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài như hiện nay, nguy cơ cá chết, thiệt hại rất khó lường. Địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ người dân ứng phó, bảo vệ cá lồng mùa nắng nóng. Theo đó, khuyến cáo người dân tích cực bám lồng bè, thường xuyên theo dõi cá, nguồn nước trên sông có dấu hiệu bất thường phải báo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế nguy cơ thiệt hại.

Về lâu dài, xã Quảng Thọ tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành tổ chức quy hoạch vùng nuôi hợp lý, quy định số lượng, mật độ nuôi cụ thể. Đặc biệt, cơ cấu lại khung lịch thời vụ, kích cỡ giống hợp lý nhằm tránh mùa nắng nóng, mưa bão; hoặc cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, sản xuất nguồn giống mới có khả năng chịu nắng nóng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nuôi cá lồng trên sông Đại Giang cũng giúp nhiều hộ sống ven dòng sông này ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng như nuôi cá trên sông Bồ, nhiều năm qua, nuôi cá trên sông Đại Giang cũng thường xuyên bị thiệt hại do nắng nóng. Cách đây hai năm, một lượng lớn cá trên sông Đại Giang, tập trung tại hai xã Thủy Tân và Thủy Phù (TX. Hương Thủy) bị chết, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Những vụ sau này, tình trạng cá chết tuy hạn chế nhưng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo Phòng Kinh tế-TX. Hương Thủy, cơ quan này đang triển khai quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên sông Đại Giang theo hướng an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu và theo “chuỗi giá trị”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, nguyên nhân cá chết chủ yếu do nắng hạn kéo dài, gay gắt khiến nguồn nước nóng lên, dòng chảy kém, thiếu ô-xy, kèm theo mưa giông, môi trường thay đổi đột ngột… dẫn đến cá bị ngột, chết. Từ đầu mùa nắng nóng, Trung tâm Khuyến nông cùng với các ban ngành cử bán bộ bám địa bàn, cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, bảo vệ cá lồng. Theo đó, tập trung vệ sinh lồng bè, xung quanh lồng nuôi, treo túi vôi quanh lồng để xử lý môi trường, thường xuyên chạy ô-xy, tăng cường thức ăn dinh dưỡng. Khi nguồn nước trên sông xuống thấp, nóng lên, người dân phải di chuyển lồng đến những nơi râm mát, có độ sâu phù hợp…

Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung quy hoạch vùng nuôi hợp lý; triển khai các biện pháp nuôi cá lồng trên sông thích ứng với biến đổi khí hậu và theo “chuỗi giá trị” (sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến và đầu ra ổn định). Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh nuôi khoảng 3.200 lồng cá nuôi trên các sông Bồ, Đại Giang, Như Ý… của 2.000 hộ nuôi với tổng thể tích khoảng 80 ngàn m3…

 

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngành chức năng đã phát đi thông tin cảnh báo đến người dân trên địa bàn tỉnh, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc phòng ngừa cháy, nổ do nắng nóng.

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top