ClockThứ Ba, 24/03/2020 06:30

Chuyện làm hầm bí mật

TTH - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ nằm vùng hoạt động trong vùng địch tạm chiếm phải có hầm bí mật để ở. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có bám trụ 10 năm (1965-1975) tham gia làm hầm bí mật.

Chiếc hầm bí mậtMột căn hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Hầm bí mật gống như một cái hang nhỏ được khoét, đào xuyên qua một bụi tre hoặc đào lộ thiên giữa vườn cây ăn quả, một bãi gạch ngói do nhà cửa bị chiến tranh sụp đổ… Kết cấu hầm có chiều dài từ 1,8m đến 2m, chiều rộng từ 1,2m đến 1,4m, chiều cao hơn 1m, đào dạng hình vòm, hầm chỉ ở được 2 đến 3 người, khi quá cần mới ở 4 người nhưng phải nằm xuôi, ngược.

Hầm có từ 2 đến 4 lỗ thông hơi. Tùy theo địa hình thực tế, lỗ thông hơi được khoét trong to ngoài nhỏ, lợi dụng vào các gốc tre, gốc chuối bị mục có lỗ thủng cho lỗ thông hơi qua đó dễ ngụy trang và bất ngờ. Do vậy, trước khi làm hầm phải nghiên cứu, khảo sát địa hình thực tế để chọn địa điểm: chỗ nào đào xuống để khoét, đào xuyên qua bụi tre, chỗ nào đặt miệng hầm, chỗ nào đổ đất khi đào, chú ý là lối ra, vào hầm thuận tiện để ngụy trang, ít để lại dấu vết.

Người tham gia đào hầm được chọn với phương châm “ít người biết, bí mật cao” và biết cách làm. Thường bố trí từ 2 đến 4 người thay nhau đào, vận chuyển, cảnh giới. Những hầm đào khoét vào bụi tre có thể làm từ 4 đến 5 đêm, sau một đêm phải ngụy trang lại như cũ để đêm sau làm tiếp. Các hầm làm giữa vườn (đào lộ thiên) phải làm xong trong đêm, lực lượng nhiều hơn. Phải khảo sát chỗ đổ đất hợp lý, vừa đỡ tốn thời gian vừa bảo đảm bí mật.

Những trường hợp địch thường phát hiện ra hầm bí mật là từ miệng hầm, nên nắp hầm phải bí mật từ khâu làm, vận chuyển và đặt vào miệng hầm, kỹ thuật thì không phức tạp nhưng đòi hỏi có sự chính xác cao.

Các loại hầm thường được làm là hầm đào khoét xuyên qua bụi tre. Loại hầm này cũng có hai loại, một loại có miệng đặt ở trên khô, một loại có miệng đặt ở dưới nước. Hầm đào giữa vườn, các bãi gạch ngói là đào lộ thiên như công sự chiến đấu. Loại hầm này thì đào đơn giản, nhưng tính chất an toàn không cao, nên phải làm theo dạng hình thang cân để hạn chế tiết diện bề mặt và phải chuẩn bị nhiều vật tư như cọc tre để làm cọc chống, đà ngang, ván thường dùng gỗ của hòm đạn pháo của địch...

Hầm làm trong nhà phải chọn chỗ bất ngờ như bếp ăn, dưới chân bàn thờ, dưới chuồng heo, bệ nước…Hầm trong nhà có kích thước nhỏ hơn. Nếu được ở hầm trong nhà thì thoải mái hơn vì khi không có người lạ vào nhà, có thể không đậy miệng hầm và được gia đình bảo vệ.

Ngoài ra, có một số gia đình không có hầm bí mật họ cho ở trong buồng, trên gác (tra), trong đống rơm, thùng phuy... nhưng chỉ ở trong một vài ngày. Khi đã xuống hầm là phải có tính toán trước về thời gian để có sự chuẩn bị dự trữ một số thức ăn như gạo rang, lương khô, bột đậu xanh, đường, thuốc chữa bệnh, bông băng, nước uống.

Và khi đã xuống hầm là phải có phương án tác chiến và xác định cho mình nếu địch phát hiện là xảy ra một cuộc chiến không cân sức, ta bị động hoàn toàn. Tuy nhiên, bám trụ ở vùng địch hậu là đã chấp nhận hy sinh và trong hầm lúc nào cũng có vũ khí, một cơ số đạn dược. Nếu địch phát hiện là biến hầm thành một công sự, kiên quyết chiến đấu để tìm cách thoát, bảo toàn lực lượng và chiến đấu đến cùng. Nếu địch bắn bị thương, bị bắt thì kiên quyết không đầu hàng, khai báo để bảo vệ cơ sở.

Do vậy, khi đã xuống hầm là phải thực hiện một số vấn đề có tính chất bắt buộc: Không được chủ quan, khinh địch; khi vào, ra hầm phải ngụy trang, không được để lại dấu vết; khi ra khỏi hầm là phải làm dấu ở miệng hầm như dùng các que tre nhỏ để lên nắp hầm theo hình chữ thập hoặc để song song hoặc để 4 góc nắp hầm. Khi đến ở kiểm tra lại, nếu mất dấu, có hiện tượng bị lộ thì không ở hầm đó và tiếp tục theo dõi, nếu đúng địch đã biết thì bỏ luôn hầm đó...

Trong thời gian bám trụ, tôi đã cùng đơn vị là Ban An ninh, Đội công tác vùng sâu huyện Hương Trà làm trên 50 hầm ở các xã. Riêng hầm dưới đã làm khoảng 20 cái (ở thôn Thanh Lương – Hương Xuân), có nhiều nhà cho làm 2-3 hầm như bà Nguyễn Thị Phận (nay đã 91 tuổi – còn sống) cho làm 3 hầm và còn cho chúng tôi ở trên tra (gác). Từ 1968 đến 1975 năm nào chúng tôi cũng có mặt ở đây. Khi làm hầm chúng tôi đã nhờ một số cơ sở chuẩn bị vật liệu.

Trong hai cuộc kháng chiến, nếu không có sự đùm bọc, giúp đỡ của quần chúng thì sự nghiệp cách mạng không thể thành công. Các gia đình cơ sở đã cho làm hầm bí mật và che chở, nuôi giấu cán bộ nằm vùng là một sự hy sinh to lớn. Một cán bộ nằm vùng nếu bị địch phát hiện, chiến đấu, có thể hy sinh. Một gia đình cơ sở nếu địch phát hiện có hầm bí mật và nuôi giấu cán bộ thì hy sinh cả gia đình. Có trường hợp địch đã bắt tù, xử bắn, tịch thu tài sản và chúng quy vào tội "phản quốc", “ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản”.

Vô cùng biết ơn các gia đình đã nuôi giấu, che chở bản thân tôi và các cán bộ khác được sống như ngày hôm nay.

HOÀNG THẾ ĐOÀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng căn cứ hậu cần vững chắc

Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Vang tập trung xây dựng mô hình phát triển tăng gia, sản xuất, chăn nuôi, gắn với xây dựng căn cứ hậu cần phía sau, tạo nguồn bảo đảm tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống bộ đội. Đồng thời, từng bước xây dựng tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ huyện vững chắc ngay trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Xây dựng căn cứ hậu cần vững chắc
Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập?

Vào dịp Quốc khánh năm nay, tôi có dịp chuyện trò với ông Lê Hữu Tòng, nguyên Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy - người mà tôi đã thực hiện một loạt bài giới thiệu về những chiến công, thành tích của ông và được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải.

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Những ký ức gian khổ nhưng quá đỗi tự hào, việc phục dựng, tôn tạo hầm bí mật như là gạch nối giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong chiến tranh chống quân xâm lược.

Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Return to top