ClockThứ Năm, 30/05/2019 20:53

Chuyển tư duy “quản lý” sang “phục vụ”.

TTH - Từ ngày mai (1/6), Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND (Quyết định 22) bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh (Quyết định 48) ban hành về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ có hiệu lực. Quyết định sửa đổi bổ sung lần này có nhiều điểm mới, nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phục vụ, thân thiện với công dân và tổ chức.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; tập trung nguồn lực, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và tạo nhiều chuyển biến  tích cực trong công tác CCHC. Rõ nhất, kết quả chỉ số CCHC năm 2018 vừa được Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ công bố, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 16 trên toàn quốc, tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2017. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đứng vào top 10 toàn quốc về chỉ số CCHC tỉnh trong năm 2019 sẽ còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện với sự quyết liệt hơn nữa.

Với Quyết định 22 vừa được ban hành, ngoài việc thực hiện các chuẩn mực trong thi hành nhiệm vụ, công vụ như chấp hành giờ giấc, trang phục, ý thức kỷ luật, thái độ giao tiếp ứng xử với người dân; chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu: Phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Cũng theo Quyết định 22, cán bộ, công chức không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

Với quy định trên có thể thấy sự thay đổi sâu sắc trong tư duy và hành động, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân. Điều này cũng khắc phục được những biểu hiện không lành mạnh, thiếu văn minh, gây bức xúc cho người dân, như cách nói năng, thái độ, biểu cảm… Những điều lâu nay khó nói, khó xử lý, thì nay được “lượng hóa”  và mọi cán bộ, công chức phải luôn ý thức, có trách nhiệm thực hiện.

Để thực hiện tốt các quy định trên, các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa các quy định phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và niêm yết công khai để người dân tham gia giám sát. Đây là căn cứ để các cơ quan, đơn vị xử lý trách nhiệm khi công chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Return to top