ClockThứ Ba, 07/12/2021 13:30

Có giấc ngủ bình yên

TTH - Nói đã gặp anh thì e rằng không chính xác, nhưng nói không thì cũng không đúng, có thể nói rằng tôi thấy anh, biết anh cũng đã rất lâu rồi, có điều chúng tôi chưa có dịp trò chuyện. Dẫu vậy, tôi vẫn gọi anh là người bạn đường thầm lặng của tôi, mỗi khuya về đường dài quạnh vắng.

Nắng về bến sông TraiSân nhà có nắngYêu thêm cuộc đời

Nắng cũng như mưa, mùa đông cho chí ngày xuân, trên vỉa hè dành cho người đi bộ của một cây cầu vắt qua sông Hương, chiếc xe xích lô là nhà, người qua đường là bạn, anh say sưa trong giấc đêm sau một ngày mưu sinh vất vả. Không biết còn có ai chú ý đến anh như tôi không, còn tôi, cũng vì cuộc mưu sinh như anh, đường khuya hiu hắt khi kim đồng hồ chỉ con số quá 0 giờ mới trở về nhà sau một ngày làm việc nên tôi lại mặc nhiên xem anh như người bạn đồng hành mỗi tối.

Phố về khuya, những âm thanh huyên náo dần trở lại sự im ắng vốn dĩ được xem là đặc trưng của xứ thần kinh, những chiếc thuyền rồng phục vụ khách du lịch cũng trôi về đậu yên trong bến.

Vào giờ ấy bốn bề tịch lặng, chỉ thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy lướt qua để lại tiếng nẹt pô khét rẹt sau lưng, dường như đã quá quen nên những tiếng động cơ ấy không làm giấc ngủ của anh ngắt ngang nửa chừng. Ngọn gió từ sông Hương lồng lộng phóng khoáng, mặc kẻ qua người lại, chiếc xích lô và anh ung dung ngủ trên cầu như một dấu chấm than của thành phố trầm mặc cổ kính này.

Hạnh phúc là gì? Có thể với nhiều người hạnh phúc là được sống trong một tòa nhà đẹp, một cuộc sống sung túc vương giả, một giấc ngủ ngon lành trong chăn ấm nệm êm chăng?... Người ta hay nói rằng, biết đủ là đủ, biết bằng lòng với hiện tại mà mình đang có, đó cũng là hạnh phúc vậy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát:“Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xôi cũng gần”. Phải chăng giữa đất trời bao la này, hạnh phúc của người đạp xích lô ấy là một giấc ngủ thật tĩnh tại, thật bình yên, những bể dâu trong cuộc đời, những mưu mô xảo trá không khiến giấc ngủ của anh phải bận tâm.

Tôi hoàn toàn không biết anh từ đâu tới, có gia đình không hay chỉ là một người vô gia cư, lấy lề cầu này làm chỗ trọ, tài sản là chiếc xích lô đơn sơ thành giường. Còn hạnh phúc nào hơn khi có một giấc ngủ mà không nơm nớp lo sợ tài sản bị đánh cắp, giữa bốn bề đất trời thênh thang giấc ngủ của anh có làn gió sông tự tình xoa dịu, làm vơi đi những cơ cực sau một ngày gò lưng đạp xe vất vả, nhọc nhằn.

Khổ đau của người này đôi khi lại là hạnh phúc của người khác, như có lúc nhìn giấc ngủ hồn nhiên của anh tôi đã từng ước có một lần được như thế, giữa thiên nhiên đất trời cởi trói được muôn điều ràng buộc, vô ưu, vô úy, vô ngại cho một giấc ngủ bình thường, bình yên.

 Huế luôn luôn có những góc khuất đặc biệt như vậy, như hình ảnh anh phu xe nằm ngủ trên chính chiếc cần câu cơm của mình giữa dòng sông thơm mỗi đêm tôi bắt gặp. Cũng như Huế từng có Phương Xích Lô kiêu bạc, rất đời với những dòng thơ khinh khoái mà nhiều người, từ những nhân sĩ trí thức đến tầng lớp người dân lao động đều thuộc thơ anh và nhắc tên anh trong trìu mến: “Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang” (Giọt nước Hương Giang - thơ Phương Xích Lô).

Sau những rêu phong cổ kính của thành quách cung điện nguy nga ấy là sự vươn lên bền bỉ của những mầm xanh tiếp nối. Những mầm xanh tâm hồn ấy luôn muốn nở hoa đâm chồi dù chỉ từ trong những góc khuất nào đó, dù chỉ là những thân phận nhỏ nhoi cũng lặng lẽ muốn góp một chút gì đó có ích cho Huế, cho đời, cho dòng chảy của dòng Hương, mãi thơm tình người tình đất. Và tôi mong trong giấc mơ của anh - người phu xích lô mỗi đêm lặng lẽ làm bạn cùng tôi một giấc Huế bình yên!

TRANG THÙY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Chăm lo đời sống hội viên

Hội viên khó khăn có nguồn lực vươn lên, hội viên nghèo luôn nhận được sự giúp đỡ, quan tâm. Đó là kết quả mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đã và đang có được nhờ những cách làm hay như xây dựng các nguồn quỹ, kết nối các mạnh thường quân để kịp thời giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên.

Chăm lo đời sống hội viên
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top