ClockThứ Bảy, 10/10/2020 19:11

Có thể xảy ra lũ lớn lịch sử

TTH.VN - Thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Lũ trên sông Hương trên báo động 3, có thể đạt đỉnh lũ mới từ 4-4,5m, tương đương trận lũ lớn năm 1983.

Bạn trẻ “giải cứu” dưa hấu Quảng NgãiCảnh báo lũ lớn trên diện rộng kéo dàiNêu cao tinh thần cảnh giác, đảm bảo an toàn cho người dânBám địa bàn, kịp thời giúp dânTính mạng người dân phải được đặt lên trên hết

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu theo dõi diễn biến ngập lũ thông qua hệ thống camera tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, khó lường, chiều tối 10/10, các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo phương án ứng phó lũ lớn.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng thông tin, từ ngày 6/10 đến nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ, nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió đông trên cao hoạt động mạnh nên trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa to trên diện rộng.

Lượng mưa những ngày qua gần như lớn nhất trong lịch sử với trên 1.000mm, tạo ra đợt lũ lớn, nhất là khu vực sông Bồ đã ảnh hưởng đến huyện Phong Điền, Quảng Điền và TX. Hương Trà. Mực nước sông Bồ và tình trạng ngập lũ tại các địa phương cao hơn lũ lịch sử 1999 khoảng 60cm.

Theo đánh giá của ông Hùng, các công trình thủy điện, thủy lợi đã chấp hành tốt quy định, quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạn chế tối đa thiệt hại cho hạ du. Cơ quan chức năng làm tốt công tác cảnh báo từ xa, từ sớm để dân biết hình thế lũ lụt; quá trình các hồ tích trữ nước, điều tiết nước, các địa phương có thời gian chuẩn bị, triển khai công tác ứng phó.

Thủy điện Bình Điền điều tiết xả lũ

Các công trình còn cho thấy vai trò trong việc giảm lũ cho vùng hạ du. Với lượng mưa lớn trên 1.000mm, tổng lượng nước về trên 3 tỷ mét khối, trong đó, các hồ chứa tích khoảng 1 tỷ mét khối, góp phần giảm lũ cho hạ du trên dưới 1 mét. Nếu không có các công trình thủy điện và thủy lợi, lũ lụt có thể diễn ra bất ngờ, thiệt hại lớn.

Hiện nay, khu vực TP. Huế, TX. Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Phú Lộc tiếp tục ảnh hưởng bởi không khí lạnh tăng cường; từ ngày 10/10 đến những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mực nước trên sông Hương đạt trên báo động 3, đạt đỉnh lũ mới từ 4-4,5m, tương đương lũ năm 1983. Lũ trên lưu vực sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn, gây thiệt hại đến tài sản, hạ tầng tại các địa phương.

Trước nguy cơ khó lường của thời tiết, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các công trình thủy điện, thủy lợi lớn chấp hành tốt quy định, quy trình vận hành điều tiết, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Các địa phương, ban ngành chủ động triển khai công tác ứng phó với phương châm phòng là chính, tự quản tại chỗ. Hệ thống chính trị, hộ gia đình chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống; triển khai phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; quan tâm trẻ em, người già, ốn đau…

Phong Điền: Hơn 8.700 nhà bị ngập

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phong Điền, đến 16h ngày 10/10 đã có hơn 8.700 ngôi nhà ngập trong nước từ 0,3 đến 2m, tập trung chủ yếu tại các xã Phong Hiện, Phong Sơn, Phong Xiuaan, Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Thu… Huyện đã di dời 2.456 hộ với gần 6.700 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Ngoài việc tìm thấy thi thể nạn nhân bị mất tích trong mưa lũ, toàn huyện có thêm 1 người bị thương do dọn dẹp, kê kích tài sản, nâng tổng số người bị thương lên 7 người. Tính đến ngày 10/10, toàn huyện Phong Điền đã có 1 người chết, 7 người bị thương.

Về nông nghiệp, hơn 96 ha hoa màu ha bị ngập và hư hại, tập trung chủ yếu tại các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Chương, Phong Hiền... hơn 240 ha sắn tại xã Phong Hiền, Phong Sơn bị ngập, có khả năng hư hỏng; Tại thôn Hải Thế (Phong Hải, Phong Điền) đã bị sập 35m hệ thống thoát nước thải khu dân cư. Hiện nay, hầu như trên địa bàn huyện bị mất điện.

Mưa lũ nhiều gia đình phải di chuyển bằng ghe, thuyền

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện đã thông báo cho nhân dân, chính quyền địa phương biết tình hình diễn biến lũ lụt còn kéo dài và phức tạp để chủ động đối phó. Huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai sơ tán người dân khẩn cấp ở khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển, khu vực thấp trũng, ngập úng.

Bên cạnh đó, phân công tổ ứng cứu kèm phương tiện thuyền ghe về chốt tại địa bàn khu dân cư để chủ động và kịp thời ứng cứu, đưa các phụ nữ mang thai, những người đau bệnh nặng lên TTYT huyện hoặc BVTW cơ sở 2. Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân cần hỗ trợ qua số điện thoại trực ban của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và qua kênh thông tin đường dây nóng toàn tỉnh (IOCC-175-CDC), liên hệ lấy thông tin và chuyển cho các địa phương xử lý hỗ trợ kịp thời cho người dân.

“Tổ chức các đoàn cứu trợ khẩn cấp đối với các hộ di dời, các gia đình gặp khó khăn; đồng thời thăm hỏi các gia đình có người chết, bị thương. Phân bổ cơ số thực phẩm, thuốc... về tại các nhà cộng đồng thôn (hay địa điểm an toàn tại khu dân cư) để kịp thời cung cấp cho người dân khi cần thiết; Tiếp tục khảo sát các tuyến đường thủy kết nối giữa trung tâm xã với địa bàn khu dân cư để chủ động ứng cứu. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ để thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa, lũ để có phương án phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Bình khẳng định.

Nghiêm cấm phương tiện lưu thông vào buổi tối đường bị sạt lở
Chiều 10/10, UBND huyện A Lưới đã có công văn gửi các đơn vị về việc lưu thông phương tiên trên đường Quốc lộ 49A, huyện A Lưới.

Tuyến đường Quốc lộ 49A đang có nhiều đoạn thường xuyên bị sạt lở

Theo UBND huyện A Lưới, tính đến 16 giờ ngày 10/10, tuyến Quốc lộ 49A xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, tuy nhiên, các lượng lượng đã phối hợp khắc phục, đến nay cơ bản đã thông tuyến. Song, tại Km 74+400 và Km 76+380 xảy ra sạt lở nghiêm trọng cả phần ta luy dương và ta luy âm nên nguy cơ mất an toàn là rất cao.

Để đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng người dân, UBND huyện A Lưới yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thông báo nghiêm cấm tất cả người và phương tiên lưu thông đi qua đoạn 74+400 và Km 76+380, Quốc lộ 49A từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày cho đến khi có thông báo mới. Đối với khoảng thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ, cho phép các phương tiện được lưu thông, trừ các loại xe tải trên 5 tấn và xe khách trên 12 chỗ ngồi.

UBND huyện cũng yêu cầu công an huyện bố trí lực lượng để chốt chặn, tuyên truyền và nghiêm cấm các loại xe lưu thông trong khoảng thời gian theo thông báo nếu trên.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới cho biết tính đến 17 giờ chiều 10/10, trên địa bàn đang có 13 người bị mắc kẹt trong rừng, gồm 8 người xã Trung Sơn và 5 người xã Hồng Kim, hiện đã liên lạc được với 8 người (của xã Trung Sơn). Hiện, các đơn vị chức năng đang tìm phương án hỗ trợ lương thực và đưa họ trở về.

Hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho các trường hợp đang ở vùng ngập sâu

Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế sẽ bố trí chỗ ở tại ký túc xá cho những người có nhu cầu đến ở

Tối 10/10, Trung tâm Phục vụ Sinh viên Đại học (ĐH) Huế phát đi thông báo sẵn sàng đón tiếp các trường hợp ở trọ, khu vực bị ngập sâu, cần di chuyển đến nơi ở an toàn.

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế cho biết, không chỉ sinh viên đang ở trọ mà phụ huynh, thí sinh đến Huế làm thủ tục nhập học, cựu sinh viên và các đối tượng người dân đang ở trọ, khu vực bị ngập sâu, nguy cơ mất an toàn đều được Trung tâm sẵn sàng đón tiếp, bố trí chỗ ở miễn phí.

Hiện, Trung tâm đã bố trí cán bộ trực, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ 24/24. Các trường hợp cần hỗ trợ có thể liên hệ qua số điện thoại Ký túc xá Trường Bia là 0234.3816109 hoặc số điện thoại Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế là 0234.3824198.

Tin, ảnh: Hoàng Triều-Hải Huế-Hữu Phúc

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

TIN MỚI

Return to top