ClockThứ Bảy, 27/01/2018 05:56

Con đường nhất thiết phải đi

TTH - Một thông tin hay: tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng một Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và bước đầu thành công với mô hình nuôi tôm. Đầu tiên là độ an toàn và sản lượng. Chỉ với 2 ao nuôi, mỗi ao 100m2 đã cho thu hoạch từ 1,6 – 1,7 tấn tôm/vụ. Còn độ an toàn gần như tuyệt đối.

Nuôi tôm ở Ngũ Điền

Tôi chú ý đến thông tin này bởi đây là một mô hình mà Thừa Thiên Huế có thể tham khảo, học hỏi và ứng dụng.

Với chiều dài bờ biển gần 130km, Thừa Thiên Huế có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm. Và thực tế tỉnh ta đã trở thành một vùng sản xuất tôm không phải là nhỏ trong hàng chục năm qua. Đầu tiên là nuôi tôm ven đầm phá. Sau đó là nuôi tôm trên cát ven biển lấy nguồn nước từ biển. Các vùng nuôi tôm ở tỉnh ta có thành công, có thất bại. Có người nghe nuôi tôm là mê nhưng cũng không ít người nghe đến nuôi tôm là sợ. Tất cả bắt nguồn từ sự không chắc chắn trong quá trình nuôi. Nghĩa là bà con chúng ta không thể kiểm soát hết mọi khâu trong quá trình nuôi.

Quá trình nuôi tôm công nghệ cao là áp dụng công nghệ vào sản xuất xuyên suốt mọi công đoạn từ con giống, nguồn nước, môi trường... Theo một công ty cung cấp giải pháp hạ tầng ở Bạc Liêu, 1m2 hạ tầng ao nuôi chi phí khoảng 600 ngàn đồng. Như vậy 1 ao nuôi 500m2 khoảng 300 triệu đồng. Chi phí tuy cao nhưng không phải là một con số quá lớn so với độ an toàn mà nó đem lại.

Trong nhiều báo cáo của các xã có diện tích nuôi tôm, rồi đến cấp huyện, cấp tỉnh, chúng ta thường thấy báo cáo về diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch chứ ít thấy những số liệu về đánh giá hiệu quả tổng thể. Nghĩa là, nếu muốn tìm một con số tương đối chính xác, ví dụ như vụ nuôi này bà con nuôi tôm toàn tỉnh đã chi phí bao nhiêu (đầu vào), thu hoạch bán được bao nhiêu (đầu ra), chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra như thế nào là rất khó. Nếu như đặt câu hỏi: đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư cho nuôi tôm toàn tỉnh là bao nhiêu? Với diện tích nuôi hiện tại, chúng ta cần một nguồn vốn lưu động là bao nhiêu? Có vẻ như là rất khó tìm được một câu trả lời tương đối chính xác. Và nếu như vậy, chúng ta sẽ rất khó hạch toán được tỷ suất lợi nhuận mà con tôm đưa lại. Không thể chỉ ra được độ rủi ro là như thế nào.

Đã nói đến kinh tế, rất cần thiết tính toán những con số này. Chỉ có đánh giá được tổng thể mới tìm ra được một giải pháp tổng thể. Muốn nghề nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, chắc chắn, nhất thiết chúng ta phải làm, làm rất kỹ điều này. Nếu như theo dõi vài vụ nuôi liên tiếp, trong tổng thể nó đưa lại mà lợi nhuận là con số âm hoặc rất ít thì cần thiết phải xem xét lại mô hình nuôi, cách thức nuôi. Có một số liệu cho biết, cách nuôi truyền thống như bà con đang làm ở Bạc Liêu, tỷ lệ thành công rất thấp, từ 25 -30%. Điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro quá lớn. Ở Thừa Thiên Huế không biết con số này là như thế nào.

Từ khi “khởi thủy” nuôi tôm ở tỉnh ta, cách đây hơn 20 năm, nhiều yếu tố môi trường cho nuôi tôm còn rất tốt nên tỷ lệ rủi ro dịch bệnh thấp. Hiện nay, mọi điều kiện kinh tế xã hội, môi trường đã khác. Để hạn chế những rủi ro dịch bệnh, một số yếu tố kỹ thuật được can thiệp quá nhiều. Chẳng hạn như dùng kháng sinh quá mức trong nuôi tôm. Thử đánh giá như thế này sẽ thấy rất khó kiểm soát được việc bà con nuôi tôm sử dụng kháng sinh như thế nào. Các công ty cung cấp thuốc kháng sinh thường có một loại thuốc trộn vào thức ăn cho tôm trong quá trình nuôi để tăng sức đề kháng. Và họ sẽ khuyến cáo phải chấm dứt sử dụng trước khi thu hoạch là thời gian bao nhiêu để đảm bảo các loại kháng sinh này đủ thời gian đào thải, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là về mặt lý thuyết, còn thực tế, khi tôm gần thu hoạch, nghĩa là một tài sản rất lớn bà con đã đầu tư “xuống ao” ai sẽ dám chắc bà con sẽ mạnh dạn “cắt” kháng sinh để rủi ro có thể xảy ra? Trong điều kiện kiểm soát an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam hiện nay, khả năng người nuôi tôm chịu tốn thêm một ít chi phí cho kháng sinh nhưng nâng cao được độ an toàn, làm “yên tâm” cho người nuôi tôm là rất cao. Điều này sẽ là không tốt cho người sử dụng. Và nó sẽ không tốt cho cả người nuôi nếu con tôm tham gia xuất khẩu.

Như vậy, có vẻ như chỉ có một con đường phát triển bền vững nhất cho con tôm nuôi là phải áp dụng mô hình công nghệ cao, dù nó còn hết sức gian nan do điều kiện tài chính, điều kiện hạ tầng, trình độ tập quán nuôi… nhưng nhất thiết đó là con đường mà ngành nông nghiệp, cụ thể là ngành nuôi tôm phải đi.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Return to top