ClockThứ Năm, 07/02/2019 10:27

Cung tiến thanh trà

TTH - Lễ cung tiến thanh trà năm 2018 với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được phục dựng khá bài bản, công phu, phù hợp với các tư liệu lịch sử.

27 nhà vườn tranh tài hội thi thanh tràHơn 40.000 lượt khách đến lễ hội thanh trà HuếDâng tiến thanh trà vào Hoàng Cung

Mùa thu năm 2018, lần đầu tiên trái thanh trà, một đặc sản nổi tiếng của Cố đô Huế được dâng tiến vào Hoàng cung thông qua một nghi thức truyền thống đầy màu sắc: Lễ cung tiến thanh trà. Lễ hội thành công rực rỡ vì không chỉ làm hài lòng nhà tổ chức, mãn nguyện cộng đồng nhân dân Thủy Biều,vùng đất nổi tiếng về thanh trà, mà còn vì sự thu hút của nó đối với đông đảo du khách. Đối với những người làm công tác du lịch, dịch vụ thì sự thành công của Lễ cung tiến thanh trà còn mở ra một cơ hội rất lớn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc của Cố đô và còn hơn thế nữa…

Dưới thời Nguyễn, triều đình có quy định rất cụ thể về việc các địa phương dâng tiến các phẩm vật đặc sắc của mình về kinh đô. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần bộ Lễ, quyển 120, ghi rất rõ về chủng loại, số lượng và cách thức dâng tiến các sản vật của các địa phương. Đối với tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), phẩm vật được chọn lựa để dâng tiến là gạo mới và hoa quả. Trong các loại hoa quả của Thừa Thiên thì nổi bật là trái thanh trà Thủy Biều và trái quýt Hương Cần, những loại trái cây danh tiếng này cũng được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán, Nam quốc địa dư của Cử nhân Lương Trúc Đàm…

Lễ cung tiến các sản vật của các địa phương vào cung thường được tổ chức nhân các dịp lễ tiết quan trọng của triều Nguyễn, như lễ tế Giao, tế Xã Tắc, Tết Nguyên đán, Tết Đoan Dương, Tết Trung thu, lễ Vạn Thọ, Thánh Thọ, lễ Hưởng ở các miếu… Riêng đối với Thừa Thiên, do gắn liền với kinh đô nên lễ cung tiến các sản vật được triều đình cho phép tổ chức với nhiều biệt đãi, nghi thức chính được tổ chức ngay trước cửa Ngọ Môn. Ngày làm lễ, triều đình cho phép viên quan huyện dẫn các vị kỳ lão trang phục chỉnh tề mang các hộp đựng sản vật, ngoài dán giấy đỏ ghi “Giải tỏ lòng thành”, đặt lên một chiếc bàn sơn son, cạnh đó lại cho đặt một hương án và hai cái tán vàng. Nghi thức tuy đơn giản nhưng trang trọng, sau lễ bái vọng năm lạy của các kỳ lão, các phẩm vật sẽ được chuyển cho thị vệ, được phụng sắc thu nhận và cấp trả tiền bạc tương đương với giá trị của đồ dâng tiến.

Lễ cung tiến thanh trà năm 2018 với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được phục dựng khá bài bản, công phu, phù hợp với các tư liệu lịch sử. Thành công của lễ hội này đã giúp các nhà tổ chức và cộng đồng nhân dân địa phương có thêm kinh nghiệm và sự tự tin để tổ chức lễ hội trong các kỳ tới và những lễ hội tương tự.

Điều đáng suy nghĩ là, Huế không chỉ có các sản vật nổi tiếng của địa phương mình, như thanh trà Thủy Biều, quýt Hương Cần, gạo de An Cựu… mà còn có thể sở hữu các sản vật đặc sắc của các địa phương khác trong cả nước sau khi kiểm định chất lượng và đóng mác “tiến vua” hay “tiến cung” ngay tại Cố đô. Những sản vật này được ghi chép rất rõ ràng trong các tư liệu của triều Nguyễn. Chính điều này đã mở ra một triển vọng rất lớn để các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế có thể liên kết với các địa phương khác để nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm tinh túy nhất, từng có thương hiệu ‘tiến vua” trong quá khứ, để phục vụ cho ngành kinh tế du lịch, dịch vụ hiện nay.

Lễ cung tiến Thanh trà 2018 mới là sự khởi đầu…

Bài: Phan Thanh Hải
Ảnh: Bảo Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 20/1, Ban vận động thành lập Hội Thanh trà Huế tổ chức Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nguyễn Chí Tài; lãnh đạo các sở, ban ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đại hội Hội Thanh trà Huế lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc

Để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị của sản phẩm bưởi thanh trà, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh bưởi thanh trà theo hướng bền vững, an toàn, thông minh” với quy mô 5ha trên địa bàn xã Hương Thọ (TP. Huế).

Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc
Bưởi “biến” thanh trà

Trên đường về quê, chị muốn mua ít thanh trà của Huế ra thắp hương bàn thờ ông bà. Ghé vào hàng bán thanh trà dọc tuyến Quốc lộ 1A (QL1A) sát chợ An Lỗ, xã Phong Hiền, Phong Điền, chị mua 10 quả, mỗi quả 17 ngàn đồng, tổng là 170 ngàn đồng.

Bưởi “biến” thanh trà
Mùa thanh trà chín

Thanh trà Huế có những dấu hiệu đặc thù dễ nhận diện so với các sản phẩm khác cùng loại, như hình dạng quả, màu sắc, hương thơm và vị ngọt thanh, thơm mát... Thanh trà Huế thuộc họ bưởi, được trồng nhiều nơi ở đất Cố đô, nhưng nhiều nhất vẫn là ở các miệt vườn ven sông vùng Thủy Biều, Dương Hòa, Hương Vân, Phong Thu… Trong đó, nức tiếng nhất là thanh trà Thủy Biều - nơi người dân thuở xưa chưa xa đã từng chọn những trái thanh trà to tròn, chắc tay và ngọt thơm nhất để dâng tiến lên vua.

Mùa thanh trà chín
Return to top