Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Ảnh: TLTV
Thưa Thượng tọa, gần đây lãnh đạo tỉnh chủ trương đẩy mạnh thị trường du lịch tâm linh, theo Thượng tọa đây là việc nên làm?
Tôi nghĩ, tất cả những việc gì làm tốt thêm cho xã hội, nâng cao đời sống của người dân thì chúng ta nên làm. Huế là một vùng đất nhiều đình, chùa, lăng tẩm, nhiều công trình văn hóa lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình. Huế lại có một địa hình biển và núi gần nhau tạo ra phong cảnh đặc biệt phù hợp với du lịch tâm linh.
Tâm linh là gì, thưa Thượng tọa?
Tâm linh là sự linh thông giữa thân và tâm. Khi mà mọi thứ của trần tục tan biến thì cái chất thánh thiện của con người nó hiện ra.
Vậy du lịch tâm linh là gì?
Du lịch tâm linh là tận dụng những khung cảnh để trợ duyên nhằm chinh phục phàm tâm của mình đang bị cuộc đời này đưa vật chất vô đầy quá. Đình, chùa, lăng tẩm là những nơi giúp cho mình giải phóng phàm tâm. Nhưng có khi khu rừng vắng, khe suối róc rách hoặc mặt biển dịu êm cũng giúp mình lấy lại sự cân bằng. Siêu nhiên hơn, có những người ở giữa phố thị ồn ào đông đúc vẫn có được sự linh thông giữa thân và tâm, cho nên bàn về du lịch tâm linh nó rộng lớn lắm.
Thượng tọa Thích Tâm Hạnh
Chúng ta nên tổ chức du lịch tâm linh như thế nào?
Du lịch là đi thư giãn. Du lịch tâm linh chủ yếu là đi thư giãn tâm hồn. Người biết dành thời gian cho tâm hồn mình thư giãn là người biết sống. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đền Huyền Trân Công Chúa, Huyền Không Sơn Thượng, Vườn Quốc Gia Bạch Mã, Bạch Vân Tự, Chùa Báo Quốc, Chùa Linh Mụ, Chùa Từ Đàm hoặc Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã… ; là những điểm đến của du lịch tâm linh.
Khi xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh cần phải trung dung, trung đạo: Gần quá du khách xem thường và không giúp họ giải phóng phàm tâm. Xa quá du khách ngán ngại, vứt bỏ thậm chí oán trách. Đó là câu chuyện chúng ta phải cân nhắc trước khi bắt tay vào làm.
Còn yếu tố con người trong sản phẩm du lịch tâm linh?
Trước khi mở cửa thị trường du lịch tâm linh, mỗi người phải tự xét lại mình, mình đang được diễm phúc để đón tiếp những vị khách quý, hay mình thấy tôi là trên hết và tôi không cần ai. Thực hành tâm ý đó trước, vì đó là cái mà du khách nhận biết nhanh nhất. Khi ta cầm điện thoại lên nếu ta mỉm cười thì đầu dây bên kia sẽ cảm nhận được nụ cười của ta, huống nữa dịch vụ du lịch tâm linh là mặt đối mặt?
Thượng tọa Thích Tâm Hạnh tặng sách cho tác giả
Ví dụ hôm nay quý vị tới Thiền viện, Tâm Hạnh có làm cái gì nhiều đâu, ngồi thì ngồi ghế xấp, tiếp khách trong một khung cảnh cũng bình thường, nhưng tại vì cái nhiệt tình của Tâm Hạnh mà quý vị cảm nhận được. Thầy muốn nói gọn rằng, lòng mình chân thật, hoan hỉ đón du khách là điểm xuất phát bắt đầu của tất cả.
Theo Korea Times, Temple stay hiện nay đã trở thành tài sản văn hóa quý giá nhất của Hàn Quốc. Thị trường du lịch tâm linh Hàn Quốc năm 2017 đã tăng 26% so với 2016. Với mật độ chùa dày như Thừa Thiên Huế, Tăng Ni có thể và có nên tổ chức trải nghiệm cuộc sống thiền môn cho người địa phương và cho du khách, thưa Thượng tọa?
Trải nghiệm du lịch tâm linh tại chùa Hàn Quốc (Temple stay)
Câu này không khó để hiểu nhưng rất khó để nói. Quan điểm của Tâm Hạnh là, nếu người xuất gia tổ chức cho mọi người vô chùa trải nghiệm cuộc sống thiền môn thì trước hết cần rèn cái tâm vượt thoát. Khi vượt thoát rồi thì chỉ còn nghĩ đến cái gì tốt cho người, cho đời là mình dấn thân; tâm không còn kẹt cái tướng nữa. Cũng cần giải thích cho rõ, với những người xuất gia như Tâm Hạnh thì, dịch vụ Temple stay có thu được ngàn tỷ hoặc không có thu đồng nào nó cũng giống nhau. Một mai thức dậy thấy việc tới tay là làm, làm xong quên hết. Người xuất gia có một nguyên tắc sống là, không cho phép mình thích điều gì và cũng không cho phép mình không thích điều gì.
Nếu có những công ty lữ hành đặt vấn đề kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tổ chức cho du khách trải nghiệm du lịch tâm linh Thượng tọa có đồng ý không?
Xin mượn thơ để trả lời:
Cảnh vắng ở yên lòng thong dong,
Gió lành thổi lộng giữa bóng tùng.
Giường thiền dưới gốc, kinh một cuốn,
Thanh nhàn hai chữ quá muôn đồng.
Đọc bốn câu thơ trên quý vị có thể nghĩ Tâm Hạnh thích thong dong, thanh nhàn. Đúng! Nhưng thong dong thanh nhàn của người xuất gia phải là “Giường thiền dưới gốc, kinh một cuốn”; không phải “ở không” (không thiền định, làm việc, không học kinh, không tư duy). Ở không là hiểm đạo của con người. Ở không cũng là hiểm huyệt của chính bản thân mình. Ở không, tư tưởng của mình sẽ chết và cơ thể cũng băng hoại theo.
Thời gian vừa qua Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chưa tổ chức du lịch Temple stay nhưng nhiều người lại thấy quý thầy đã làm du lịch Temple stay (cười).
Quan điểm của tôi về tổ chức cho mọi người trải nghiệm tu tập tại chốn thiền môn (Temple stay) là, sẽ cố gắng hết sức phụng sự cho đời.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
TẠ THỊ NGỌC THẢO (thực hiện)