ClockThứ Hai, 11/04/2022 16:31

Điều trị thành công cho bệnh nhi bị u nguyên bào thận hai bên

TTH.VN - Ngày 11/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhi Trần Nguyễn Thúy Ng. (12 tháng tuổi) – trường hợp được đơn vị và Bệnh viện St Jude Children’s Research Hospital (Mỹ) phối hợp điều trị thành công u nguyên bào thận hai bên đã về đến Việt Nam.

Gạn tách bạch cầu cho trẻ lần đầu tiên ở miền Trung-Tây NguyênCứu sống trẻ sơ sinh bị dị tật tĩnh mạch não hiếm gặp

Thúy Ng. trong vòng tay ba mẹ. Ảnh: BVCC

Trước đó, bệnh nhi Trần Nguyễn Thúy Ng. (Kon Tum) nhập Bệnh viện Trung ương Huế lúc chỉ mới 7 tháng tuổi, với tình trạng bụng chướng căng, nôn sau bú và được chẩn đoán bị u nguyên bào thận hai bên với kích thước các khối u rất to.

Tại đây, trẻ được tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa tại bệnh viện, cũng như hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia quốc tế. Trẻ tiếp tục được điều trị hoá chất tại Bệnh viện Trung ương Huế giúp thu gọn khối u trước khi phẫu thuật. Sau đó, lại được hội chẩn trực tuyến lần thứ hai với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị ung thư nhi St. Jude Children’s Research.

Qua hội chẩn, các chuyên gia xác định đây là trường hợp phức tạp, việc phẫu thuật bảo tồn thận không đơn giản, nhiều nguy cơ sau mổ nên đã quyết định đưa bệnh nhi đến Trung tâm St. Jude Children’s Research Hospital để phẫu thuật. Đây là một trong những Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Nhi chất lượng hàng đầu tại Mỹ. Toàn bộ chi phí phẫu thuật và ăn ở, đi lại của bé và bố mẹ đều được Trung tâm tài trợ.

Tại Trung tâm St. Jude, do biến chứng rối loạn đông máu nặng nên không thể đóng ổ bụng ngay sau mổ cho bệnh nhi. Nhưng với sự chăm sóc tích cực của đội ngũ y bác sĩ hồi sức sau mổ của Trung tâm, bệnh nhi đã hồi phục sau gần 1 tháng điều trị. Kết quả phẫu thuật và điều trị sau mổ thành công đã giúp bảo tồn được ½ thận phải và ¾ thận trái của cháu bé. Sáng 11/4, Thúy Ng. cùng bố mẹ đã về đến Việt Nam.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, u nguyên bào thận là loại u ác tính hay gặp nhất trong số các khối u nguyên phát của thận ở trẻ em. Trong đó, u nguyên bào thận hai bên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 5% trong số các u nguyên bào thận. Điều trị u thận đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa: hóa chất, phẫu thuật và xạ trị. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ u đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt kỹ thuật cắt u bảo tồn thận. Với những trường hợp u thận hai bên, việc cắt bỏ u bảo tồn thận là một vấn đề hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Không bảo tồn thận được, bệnh nhân có thể suy thận và tử vong. Nếu phẫu thuật thành công, tỷ lệ sống có thể lên đến 80%.

Thành công trong việc cắt u bảo tồn thận hai bên cho bệnh nhi Thúy Ng. Điều này không chỉ là niềm vui lớn của gia đình, mà còn là dấu ấn mở ra nhiều cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác từ sự hợp tác quốc tế giữa Bệnh viện Trung ương Huế với các đối tác trên thế giới.  

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3

Ngày 4/4, Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Trà phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 3 năm 2024.

Hương Trà, tiếp nhận 319 đơn vị máu đợt 3

TIN MỚI

Return to top