ClockThứ Sáu, 23/07/2021 15:43

Chuyến xe vô Nam, chuyến tàu ra Trung

TTH - Đi qua những trận càn của thiên nhiên, người miền Trung càng thấu hiểu hơn sự khó khăn mà dân vùng dịch đang trải qua. Chỉ một lời kêu gọi, bao nhiêu vật lực, nhân lực gom góp lại, họ làm mọi thứ có thể, gửi vào Nam. Sống ở đời, ngoài chuyện có qua có lại, quan trọng hơn, ấy là nghĩa đồng bào.

8 chuyến xe "yêu thương" đưa bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn về quê ăn TếtChuyến xe nghĩa tình chở bệnh nhân về quê ăn tếtChuyến xe nghĩa tình đưa công nhân dệt may về quê ăn tết“Chuyến xe nghĩa tình” đến với người dân Nam Đông

 Bà Lãnh ngồi canh bếp kho cá đóng gói gửi vào Nam hỗ trợ người dân vùng dịch.

Canh bếp giữa trưa nắng

Nhiệt độ thời tiết trên màn hình điện thoại chỉ 36 độ C. Giữa trưa nắng, tại nhà một người dân ở phường Tứ Hạ (Hương Trà), bà Lãnh cùng với nhóm thanh niên huyện Quảng Điền, Phong Điền và TX. Hương Trà cần mẫn làm cá rồi kho, đóng gói gửi vào Nam, hỗ trợ dân vùng dịch.

Đi qua gần hết cuộc đời, ở tuổi 60, bà Nguyễn Thị Lãnh hiểu được phần nào những khó khăn mà dân mình phải trải qua trong thiên tai, dịch bệnh.

Sáng 14/7, một nhóm thanh niên ở huyện Quảng Điền lên mạng xã hội đăng thông tin kêu gọi tiếp nhận hỗ trợ người dân miền Nam. Đây là lời kêu gọi thứ 2 họ thực hiện trong vòng 1 tuần. Ở đợt trước, nhóm quyên góp được 8 tấn hàng hóa, đã gửi vào Nam.

Bà Lãnh lúc đó đang ngồi chơi ở hiên nhà, cháu gái về kể lại. Nghe tin, bà bảo muốn chung sức, rồi kêu gọi luôn hàng xóm tham gia. Bà Lãnh hỏi nhóm kêu gọi “chừ chúng ta sẽ làm gì?”

“Sẽ kho cá và nhận hàng tiếp tế, vài hôm nữa sẽ chuyển đi”, nhóm kêu gọi trả lời bà. “Kho cá để đó dì ngồi bếp cho...”, dứt lời rồi bà nhận luôn phần việc chế biến.

Cả nhóm gom tiền, thu mua được 40kg cá nục tươi. Cá chở về, họ phân chia người làm cá, người bắt bếp, canh lửa.

Ngồi bếp canh nồi cá trong cơn nắng như đổ lửa, đôi mắt bà Lãnh đỏ ửng vì khói, mùi ớt bốc lên. Mồ hôi chảy thành dòng trên trán. Nửa khuôn mặt bịt kín khẩu trang, lâu lâu bà nới lỏng tý cho dễ thở rồi lại tiếp tục đảo nồi cá.

“Nóng muốn ngột thở”, bà thốt lên, nhưng rồi cũng không dám bỏ bếp, sợ cá cháy. Ngồi canh lửa trong cái nắng miền Trung, họ không dám để quạt, sợ lửa phập phù ảnh hưởng chất lượng nồi cá.

Trong bếp lửa vẫn đỏ rực, mùi cá kho kèm mùi ớt xộc trong gió, vừa thơm vừa cay cay. Bên ngoài sân, người dân đem bí, bầu, gạo, sả… đến góp. Họ chung tay, hỗ trợ với một lý giải đơn giản: “Mình năm nào cũng nhận hỗ trợ từ miền Nam, nay trong kia dịch bệnh mới ủng hộ được. Sống với nhau, những lúc như này không giúp thì bao giờ nữa”.

Cách điểm bà Lãnh và nhóm thanh niên đang kho cá chừng 30km, ngược về phía đông, người dân thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải cũng ngồi canh bếp lửa, nướng, chiên cá gửi vào Nam.

Họ, lấy tên “Chung tay Phú Hải”. Xem tivi, thấy Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đang vật lộn với dịch, họ ngồi lại với nhau, bàn bạc “phải làm cái gì đó hỗ trợ dân trong kia”. Rồi nhóm người đi đến thống nhất kêu gọi, quyên góp cùng nhau mua cá về chiên, nướng, đóng gói gửi vào.

Sáng, một nhóm phụ nữ được cắt cử ra cảng cá Thuận An, chọn những con tươi nhất mua chở về. Cá được chở về tập trung tại một nhà người dân, rồi cả hội mấy chục người ngồi quanh lại, làm cá. Đến chiều, họ nổi lửa, người chiên, người nướng.

Thấy nhóm người Phú Hải làm hay, nhiều hội nhóm khác cũng đến xắn tay, hỗ trợ chế biến, đóng gói. Quy mô bây giờ rộng lớn, số lượng người tham gia làm, góp của nhiều hơn. Gần 1,5 tấn cá nục tươi đã được chế biến thành phẩm. Nhóm dự định sẽ tăng thêm năng suất, số lượng trong những ngày tới.

Trưa, dưới bóng im của hàng cây, một loạt chiếc bếp gas được bắt thẳng hàng, chục phụ nữ bịt kín mặt, ngồi rim cá. Một nhóm khác lấy gạch, bắt vỉ thép lên, nổi lửa nướng cá. Cái nóng mùa hè, kèm gió biển thổi vào, bức bí. Không ai muốn ngồi lửa giữa cơn nóng như này cả, nhưng vì miền Nam “chịu khó một tý cũng được”.

“Mưa lũ năm nào chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ do chính người miền Nam gửi ra. Nay họ khó khăn, là lúc mình đền đáp ân tình”, chị Nguyễn Thị Tường Vy, trưởng nhóm nói, rồi chị tiếp: “Chừng nào miền Nam còn khó khăn do dịch, chúng tôi còn kinh phí thì sẽ tiếp tục làm, hỗ trợ”.

Quả bí, lon gạo và đoàn tàu sẻ chia

Hôm ấy, bà Hoàng Thị Tía, thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm, nghe kể có chương trình quyên góp ủng hộ miền Nam, bà lật đật đứng dậy, ra về. Vị hàng xóm thấy lạ, bà trả lời: “Tui về nhà xem có trái bí, trái mướp mô không để đem góp ủng hộ”. Vừa nói bà vừa bước đi.

Bà gom ở nhà được ít ớt tươi, vài quả bí đao rồi cuốc bộ ra nhà văn hóa thôn. Gặp nhóm người đang nhận hàng, bà bảo: “Nhà có ít đồ, tui góp ủng hộ”.

Một vài ngày sau, hàng chục tấn rau củ quả, gạo, tiền mặt đã được người dân quyên góp thông qua các tổ chức, đơn vị cá nhân. Những nhóm thanh niên đêm hôm ngồi lại, phân chia theo loại, đóng hàng. Nhóm kêu gọi của Quảng Điền, trong đợt đầu kêu gọi được 8 tấn hàng hóa. Sắp xếp xong mọi thứ, một đơn vị vận tải hỗ trợ 50% công vận chuyển. Chuyến hàng nhanh chóng được chất lên xe, nhắm hướng Nam chạy thẳng.

Những ngày này, đi khắp các làng quê Thừa Thiên Huế hay các góc phố, bạn dễ bắt gặp hình ảnh những bao hàng, những trái bí hay nồi cá được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp gửi vào Nam.

Những chuyến xe nối tiếp nhau, mang theo ân tình của người dân miền Trung. Những chuyến tàu đón người dân Thừa Thiên Huế đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã đang được lên kế hoạch xuất phát. Cách thức đăng ký trên web, liên hệ tại hội đồng hương như thế nào đã được chính quyền phân công cụ thể. Nhu cầu có thể sẽ lớn, nhưng bằng tất cả sự sẻ chia, hy vọng người dân sẽ cân nhắc khi đăng ký để những người khó khăn hơn được về quê.

300 người dân trong đợt đầu tiên sẽ được ưu tiên về quê. Đây là một cách để san sẻ khó khăn với chính quyền TP. Hồ Chí Minh, giảm tải cho đô thị này. Và cũng là cách để mình dang rộng vòng tay đón người dân về quê cách ly do dịch bệnh. Sau tất cả, rồi chúng ta cũng phải cầm tay nhau để đi qua khó khăn này.

Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chờ ngày lên phố

Những ai đã sống làm việc ở Huế đều biết đến Phò Trạch, trung tâm thị trấn huyện Phong Điền từng nổi tiếng với các quán ăn, nhà hàng cho lữ khách tứ phương và những chuyến xe đường dài xuyên Việt. Những sôi động ở thị trấn này bây giờ đã lan tỏa tạo đà cho một vóc dáng xứng tầm đô thị động lực phía bắc tỉnh nhà.

Chờ ngày lên phố
Đường về nhà thêm gần

Hàng trăm sinh viên ở xa, có hoàn cảnh khó khăn đã được Đại học Huế và các trường thành viên tổ chức những chuyến xe miễn phí, giúp sinh viên về quê sum vầy, đón tết bên gia đình.

Đường về nhà thêm gần
Cứ tết là tất bật

Qua 20 tháng Chạp, ngày cũng như đêm, trên các cung đường chính trên địa bàn Thừa Thiên Huế, những chuyến xe nội, ngoại tỉnh qua lại nhộn nhịp và hối hả.

Cứ tết là tất bật
Sân ga ngày cuối năm

Hơn 1 giờ sáng 29 tết. Chuyến tàu SE18 từ phía nam trễ giờ. “Mua không được vé à em, răng lại đi chuyến tàu khuya như ri”. Giải thích với chị chủ quầy hàng tạp hóa tính tình xởi lởi, do tôi thu xếp công việc đến tận tối muộn mới xong. Muốn tranh thủ từng giờ, về quê ngay với ba mẹ già.

Sân ga ngày cuối năm

TIN MỚI

Return to top