ClockThứ Ba, 26/01/2021 08:42

Ở nhà đón tết

TTH - Cả tuần nay, tôi cứ phân vân giữa việc ở nhà ăn tết hay cả nhà cùng đi du lịch. Là bởi cái tết của nhiều năm sau khi lập gia đình cũng xoay quanh chuyện chợ búa, cúng kỵ rồi chúc tết hai bên nội ngoại, bạn bè, chăm hai đứa con... “Nghỉ ngơi đâu chẳng thấy chỉ thấy thêm mệt” - chồng tôi nói thế khi những ngày tết còn phải tiếp khách, bạn bè lâu ngày gặp lại và kiểu gì cũng say, có khi từ 20 tháng Chạp đến mùng 5 tết không có được ngày tỉnh táo.

Bánh gói lá đon của mạ

Vì thế chúng tôi đã nghĩ đến những chuyến đi, để “trốn nhậu” và cũng là cách “trốn tết” sau khi lo xong mâm cúng giao thừa, thắp hương cho ông bà ngày mùng một tết.

Tôi cũng đã tham khảo rất nhiều tour, lại đang trong chương trình kích cầu du lịch, nên giá thành rất phải chăng. Cả gia đình 4 người nếu đi Đà Lạt hoặc Phú Quốc tầm 15-20 triệu đồng, kể cả vé máy bay khứ hồi và phòng khách sạn 4 sao... Quá ổn cho một kỳ nghỉ tết! Chúng tôi nghĩ vậy và đã định book vé. Nhưng...

Tối qua, nhóm bạn rủ nhau đến Ga Huế uống trà cũng là để bàn thêm việc đi du lịch hay ở nhà đón tết. Nhìn sân ga vắng tanh, thưa thớt người đưa đón, thưa thớt những chuyến tàu, tôi đã nghĩ về những khó khăn do đại dịch gây ra. Có lẽ vì thế mà năm nay, rất nhiều người không thể về quê ăn tết. “Mọi năm, giờ này sân ga nhộn nhịp lắm, không phải như bây giờ, khu chính đóng cửa tối om. Chỉ còn một hai cửa cho khách lên xuống ở khu nhà ga trung tâm”, chủ quán trà giọng trầm buồn như lời giải thích cho sự thưa vắng ấy.

Tôi lại nhớ đến anh bạn của mình, trong cử cà phê sáng thứ bảy, khi nói về điều ao ước trong ngày tết là được đón con trai trở về sau khi đã kết thúc 5 năm du học ở Australia. Thế nhưng, điều đó cũng chỉ có thể là ao ước bởi dịch bệnh khiến việc trở về của cậu con trai rất khó khăn. Cũng như em dâu tôi, nếu không vì dịch bệnh COVID-19, thì tết năm nay, gia đình nhỏ của em trai tôi đã được đón tết cùng nhau. “Em đã bảo vệ xong chương trình, đã được cấp bằng tiến sĩ, nhưng bây giờ đặt vé máy bay rất khó, phải mất rất nhiều thời gian và phải được sự đồng ý của đại sứ quán nữa, không biết bao giờ mới được trở về. Nhớ Huế, nhớ gia đình, nhớ tết quá...”, dòng tin nhắn của em khiến tôi nghẹn đắng. Câu chuyện giữa nhóm bạn như bị ngắt quãng, ai cũng trầm ngâm khi nghĩ về những người Việt xa quê không thể về quê đón tết.

Bất chợt tiếng loa báo hiệu có tàu chuẩn bị đến Ga Huế phá tan không khí ảm đạm ngày cuối đông. Từ sân ga, có đôi vợ chồng già vui mừng đón con gái trở về sau chuyến tàu từ Hà Nội. Họ ríu rít nói chuyện, ánh mắt ai cũng rạng rỡ khi họ nói sẽ ăn tết cùng nhau.

Lúc đó, chúng tôi cũng đã có quyết định cho mình-là ở nhà đón tết cùng ba mẹ. Dù bận rộn, dù mệt và có lẽ lại “say”, ... nhưng cái tết cùng với người thân, nhất là ba mẹ già, quê hương đất tổ vẫn luôn là cái tết đầm ấm nhất. Bởi, dù đi đâu về đâu, người Việt vẫn luôn hướng về tổ tiên, nhất là ba ngày tết dù đò giang cách trở, dù khó khăn vất vả, tốn kém... họ vẫn luôn trở về để thắp cho ông bà, tổ tiên nén hương, thăm bà con lối xóm, nấu cho ba mẹ nồi bánh chưng... Thế nên, những chuyến xe tàu ngày giáp tết luôn chật kín hành khách. Sân ga hàng không la liệt người chờ chuyến bay. Vì thế, không có lý do gì, mình không ở nhà đón tết cùng ba mẹ. Du lịch-cũng cần lắm để thư giãn, khám phá nhưng sẽ hợp hơn cho những dịp khác... Là tôi đã nghĩ thế khi nói với những người bạn và chồng mình. Cử trà hôm đó nhờ thế cũng thôi băn khoăn và đậm vị hơn.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Chùa trên núi
Về miền an tĩnh

Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Về miền an tĩnh
Hiên nhà có mẹ

Phú trở về nhà khi bóng chiều đã ngả vàng. Đèn đường bật sớm. Ở đầu hẻm, nồi bún riêu của bà cụ cũng cạn đáy, chắc chỉ còn đủ tô cuối dành cho Phú.

Hiên nhà có mẹ
Niềm vui đời thường

Nhà có ba anh em thì anh trai cả và tôi đều sinh sống và làm việc ở tỉnh xa. May mà có vợ chồng cô em út làm nhà ngay trong vườn, sát cạnh nhà cha mẹ đã già yếu, đỡ đần sớm hôm lúc các cụ trái gió trở trời. Để phần nào “bù đắp” về việc mình không thể thường xuyên chăm sóc được cha mẹ, thời gian qua, lần nào về quê tôi thường đến siêu thị gần nhà, tranh thủ mua những loại thức ăn tốt cho sức khỏe của người già, cất vào tủ lạnh để cha mẹ dùng dần. Đồng thời, xin số điện thoại của nhân viên siêu thị, kết bạn zalo. Siêu thị có dịch vụ ship hàng tận nhà cho khách. Các bạn nhân viên cũng nhiệt tình tư vấn (gửi kèm hình ảnh qua zalo) nên dù ở xa, tôi vẫn có thể dễ dàng chọn lựa những loại trái cây tươi ngon cho cha mẹ.

Niềm vui đời thường
Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi

TIN MỚI

Return to top