ClockThứ Ba, 27/05/2014 05:08

Bài toán lớn cho Bạch Mã

TTH - Năm 1991, chính thức trở thành Vườn Quốc gia, công cuộc bảo tồn và phát triển Bạch Mã được phục sinh khá mạnh mẽ, có sức thu hút. Việc đầu tư mở rộng bê tông hóa con đường lên đỉnh Bạch Mã, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng Bạch Mã để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch vẫn đang là bài toán lớn.
Vào dịp Festival Huế 2008, một chủ trương phục hưng Bạch Mã đã được các cấp, các ngành ồ ạt vào cuộc, dồn công của, tiền bạc khá tốn kém với mong muốn tạo được “Ấn tượng Bạch Mã” với chủ đề khá hấp dẫn “Non thiêng vẫy gọi”. Lễ hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức nằm trong chương trình Festival Huế 2008 đã thu hút khá nhiều du khách hành hương tham gia và lần đầu tiên, loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh được thử nghiệm.
 
Hoang phế
Đường lên Bạch Mã hôm nay
Để cho Bạch Mã “non thiêng vẫy gọi”, cả tỉnh đã dốc lòng cải hoán các cơ sở dịch vụ đưa đón khách về với Bạch Mã. Các biệt thự cũ, hệ thống thông tin liên lạc, nước sạch cùng các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cơ bản đáp ứng nhu cầu cho khách đến Bạch Mã. Các cơ sở dịch vụ có sự tham gia của ngành du lịch đã tạo được diện mạo mới của Bạch Mã, thu hút du khách trong hai năm sau đó. 9 biệt thự (nhà nghỉ) với 54 phòng ở đỉnh Bạch Mã được trùng tu, phục hồi để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Theo số liệu của Vườn Quốc gia Bạch Mã, thời điểm đó, trung bình mỗi năm nơi đây đón khoảng 100.000 lượt khách.
Gần đây, do nhu cầu đi lại của du khách cùng sự xuống cấp, Bạch Mã tạm dừng đón khách để nâng cấp mở rộng đường dẫn đến Bạch Mã. Lượng khách ít dần, kinh doanh thua lỗ khiến các doanh nghiệp đành để biệt thự sau khi trùng tu tiền tỉ làm nơi trú ngụ của mây ngàn gió núi. Hai biệt thự Morin 1 và Morin 2, hai biệt thự ở vị trí tuyệt đẹp có 12 phòng này do Công ty du lịch Hương Giang và Công ty khách sạn Xanh ở Huế đầu tư nay chìm trong lá mục. Không tay người, những bậc cấp ngập lá rừng, mái hiên nhà chỏng chơ ngói vỡ, những vật dụng lõng chỏng ngoài sân đang dần mục nát. Những chiếc cầu lan can bằng sắt bục rỉ trông đến tội nghiệp… Ngay trên đỉnh Bạch Mã, một căn nhà hình lục giác, được gọi là Hải Vọng đài có bia đá với hàng chữ “Non thiêng Bạch Mã”, lại hiện ra thảm cảnh trái ngược với sự kỳ vọng. Cửa kính vỡ nát, chai lọ, rác rưởi đầy trong phòng trệt. Trên lầu, khung cảnh hoang tàn cũng chẳng kém. Ái ngại nhất là những vết nứt trên tường lầu do sét đánh. Mấy cột thu lôi ở đây có nhưng không phát huy tác dụng. Hệ thống pin mặt trời đã trở thành phế thải chìm ngập trong lau lách.
Bạch Mã, của hồi môn mà mẹ thiên nhiên trao cho xứ Huế. Ai đó đã ví von vậy. Cái của hồi môn quý giá này thế mà sử dụng được nó cũng thật khó. Cái khó ở đây, chính là chức năng bảo tồn của Vườn quốc gia lấy hoạt động du lịch làm chức năng bỗ trợ. Nhiều người đã lấy Bà Nà của Đà Nẵng để so sánh với Bạch Mã Huế. Nếu chỉ trên góc độ phát triển du lịch thì Bà Nà tiện thể hơn nhiều. Sự tác động của con người, các hoạt động du lịch được cử hành mạnh mẽ mà ít chịu sự áp lực. Bạch Mã không có được điều đó bởi quy chế của một Vườn Quốc gia đang xem ra có phần mâu thuẫn với du lịch. Vườn Quốc gia cấm khách du lịch xả rác, nhưng lại không có giỏ rác. Người ta lo ngại để giỏ rác trong rừng sẽ đầu độc thú rừng. Lo ngại người du lịch mang đến các hạt thực vật ngoại lai sẽ pha tạp nguồn gen. Tham quan du lịch mà khi ra về chỉ được phép mang theo những bức ảnh mà thôi… Rừng phải được yên tĩnh như vốn có của nó. Những hoạt náo trong du lịch không được khuyến khích… Kinh doanh du lịch ở đây đang lỗ, thời tiết lại khắc nghiệt (độ ẩm trung bình luôn trên 80%, lượng mưa cao nhất nước với 8.000 mm/năm) nên nhiều nhà đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người” như thảm cảnh trên ở các ngôi biệt thự. Vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở Bạch Mã vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với các nhà quản lý du lịch, với chủ nhà Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Hy vọng
Tháng 9 năm 2009 đến tháng 3/2013, Bạch Mã canh cửa để làm đường. Đó là một trong những lý do xuống cấp của các cơ sở dịch vụ ở Bạch Mã. Một vị khách buông lời sau chuyến đi “chả nhẽ con đường tốn kém này chỉ để đến với các phế tích thời nay như này sao?”. Tất nhiên câu trả lời là để “khởi động lại” Ấn tượng Bạch Mã.
Không thể phủ nhận về các cơ sở dịch vụ du lịch xuống cấp cần được tu chỉnh nâng cấp để đưa vào khai thác. Vườn Quốc gia Bạch Mã đang xúc tiến kêu gọi các tổ chức, công ty trong và ngoài nước đến đầu tư các hoạt động du lịch sinh thái khác ở Bạch Mã theo hướng liên kết, liên doanh, hoặc cho thuê môi trường rừng và cảnh quan theo định hướng của nhà nước về hoạt động du lịch đối với vườn quốc gia. Một động thái mới đây (trong tháng 3/2014) là Vườn Quốc gia Bạch Mã đã kết hợp với Công ty tư vấn AE TEC-Mo, Macau khảo sát để xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ở Bạch Mã.
Trước đó, đại điện đoàn Macau là bà Maria José (CEO) và bà Catarina Dasil Vaalves (Chuyên gia Kinh tế Môi trường) đã làm việc với đồng chí Lê Trường Lưu – Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo VQG Bạch Mã và Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh về chủ trương xây dựng Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã. Tại VQG Bạch Mã, đoàn Macau đã tiến hành khảo sát một số địa điểm nằm trong khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã như thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, đỉnh Hải Vọng Đài, sân bay trực thăng, rừng Chò đen... Đoàn cũng đã khảo sát công viên rừng và các khu vực có các biệt thự cũ thời Pháp để quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ở Bạch Mã.
Cùng với VQG Bạch Mã, đoàn Macau đã tiến hành khảo sát những địa điểm du lịch nổi tiếng khác tại Huế như các Di sản văn hóa thế giới, Đại Nội, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, hồ Truồi, Cảnh Dương, Lăng Cô, đèo Hải Vân và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Sau khi khảo sát tất cả những địa điểm này, đoàn sẽ tiến hành xây dựng đề cương dự án để giúp tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bạch Mã và giới thiệu các nhà đầu tư cho tỉnh. Dự án được thực hiện sẽ góp phần giúp cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung cũng như du lịch sinh thái Bạch Mã nói riêng giải quyết những khó khăn trước mắt và tìm ra hướng đi mới thông qua những chính sách đầu tư. Đặc biệt, dự án còn là sợi dây nối kết Bạch Mã với các địa điểm du lịch lân cận trong và ngoài tỉnh thành một mắc xích, đảm bảo cho du lịch sinh thái Bạch Mã được khai thác bền vững, hiệu quả và gắn với mục tiêu bảo tồn.
Tại chuyến thăm Bạch Mã này, tôi đã bắt gặp sự hiện diện của Công ty Du lịch dịch vụ Thanh Tâm hiện đang bắt tay cải tạo ngôi biệt thự Đỗ Quyên, biệt thự Phong Lan, hoàn thiện bể bơi và một số công trình khác nhằm phục vụ cho việc đón khách đến với Bạch Mã trong dịp Festival Huế 2014. Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Ngọc Thanh cho hay, Công ty đang kết hợp với Vườn Quốc gia đánh thức lại Bạch Mã. Bằng những dịch vụ du lịch mới hấp dẫn mọi đối tượng. Từ sự thành công của Công ty tại khu du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên ở biển Lăng Cô, tôi đặt hy vọng tới công ty của anh, về sự mạnh dạn lội ngược dòng này.
Bài và ảnh: Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ
Return to top