ClockThứ Ba, 03/01/2023 14:07

“Kỹ nghệ” Festival Huế

TTH - Sau sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Festival Huế đang thực hiện vai trò lớn lao hơn của mình là góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình “Hội ngộ mùa Đông” diễn ra tối 24/12Chương trình Countdown- Chào năm mới 2023 sẽ diễn ra tại Ngã 6 đường Hùng VươngTổ chức cuộc thi ảnh và video “Dấu ấn Festival Huế 2022”

Sự tham gia dịch vụ làm tăng tính kỹ nghệ

Đến nay, Festival Huế đã qua hơn 22 năm và 10 kỳ được tổ chức, mang trong mình sứ mệnh đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, cả nghệ thuật, di tích, lối sống và nghệ thuật sống. Xây dựng Huế thành Thành phố Festival của Việt Nam mang tầm quốc tế. Đồng thời, chủ động đón nhận, tiếp thu những xu hướng sáng tạo nghệ thuật có giá trị của tinh hoa văn hóa thế giới.

Là một trong những cá nhân “đi cùng năm tháng”, góp công lớn “khai sinh” ra Festival Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa vẫn luôn tự hào rằng, Festival Huế được ra đời mang trong mình “sứ mệnh tiên phong” trong xây dựng và phát triển lễ hội thành sản phẩm du lịch. Bởi một điều không cần bàn cãi là khi vào thời điểm 2000, làm lễ hội để thu hút khách du lịch vào giai đoạn thấp điểm, có lẽ chỉ có Huế đầu tiên nghĩ đến và triển khai.

Khi thành kỹ nghệ mọi hoạt động đều diễn ra bài bản và đạt hiệu quả tốt

“Tính tiên phong Festival Huế còn thể hiện khi xây dựng cho mình một “công nghệ” tổ chức có tính tiên tiến thời điểm đó, không lẫn với bất kỳ lễ hội nào trong nước, bằng những chương trình IN (bán vé) và OFF (không bán vé). Lễ hội được chia khung thời gian tổ chức, các điểm nhấn quan trọng được diễn ra theo chu kỳ 3 ngày, phù hợp cho một tour du lịch vào thời điểm đó. Một lễ hội mà luôn đề cao tính hội nhập và phát triển văn hóa, luôn cần có những chương trình chất lượng, cái gọi là “nghệ thuật tiên phong”. Điều mà Huế đã, đang và cần phải tiếp tục phát huy thời gian đến”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa mong muốn.

20 năm trôi qua, với Festival Huế cũng khép lại một “vòng đời”, một hình thái tổ chức tập trung dồn nén trong một tuần lễ, nay được thay mới bằng một hình thái được gọi là “Bốn mùa lễ hội”. Tính tiên phong trong cách tổ chức lễ hội lại một lần nữa được thể hiện, vai trò phát triển kinh tế - xã hội được đề cao hơn khi Huế đang trên đường thực hiện các giải pháp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Du khách và công chúng đến với Festival Huế

Tham gia tuần lễ Festival Huế 2022 với vai trò Tổng đạo diễn, đạo diễn Quang Tú cho rằng, giới nghệ thuật luôn đánh giá, tham gia Festival Huế là cơ hội để khẳng định tên tuổi trên diễn đàn nghệ thuật đỉnh cao. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu của Ban tổ chức về những tiêu chuẩn tổ chức, sản xuất, thực hiện chương trình luôn “đẳng cấp cao hơn - ấn tượng mạnh hơn - hấp dẫn nhiều hơn” so với những chương trình thành công của kỳ festival năm trước. Đó là thách thức và động lực để những người làm nghệ thuật tiếp tục sáng tạo không ngừng, để tạo ra những tiết mục, hoạt động mang tính tiên phong.

Dù còn đó những “điểm gợn”, song điều được khẳng định, hướng tổ chức Festival Huế thành bốn mùa là xu hướng tất yếu, là phù hợp cho “vòng đời thứ hai” của mình, trước yêu cầu làm mới chính mình để thực hiện nhiệm quan trọng là phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những ngày gấp rút chuẩn bị kế hoạch cho “Lễ hội bốn mùa” năm 2023, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế tự tin khẳng định, Festival Huế có những bước đi đầu tiên khi thay đổi hình thái tổ chức. Thành công nhất của năm 2022 được chỉ ra, sự hưởng ứng của cộng đồng, tạo tiền đề khai thác du lịch. Khi dàn trải lễ hội ra quanh năm giúp các lễ hội đảm bảo chất lượng và được nâng tầm. Như lễ hội Diều trong các kỳ festival trước đó như bị “lãng quên” trong một bữa ăn quá thịnh soạn. Hay như lễ hội Đèn Lồng, trước đây chỉ là đạo cụ, trang trí cho lễ hội, nay là chủ thể, tạo thành thương hiệu và ngành nghề thủ công phục hồi.

Ông Đạt đưa ra vấn đề cần được thực hiện tốt hơn cho những năm tiếp theo là, từ những thành công bước đầu, cần xã hội hóa tốt hơn và giảm áp lực khi tổ chức. Nâng tầm và chuyên nghiệp hóa lên thành “công nghệ” tổ chức. Mục tiêu ngày càng cần được làm tốt hơn là từ bảo tồn, đến phát huy và phát triển kinh tế từ du lịch, tạo đà cho “công nghiệp văn hóa” phát triển.

“Kinh tế lễ hội” hay nói rõ hơn là làm kinh tế từ lễ hội quả là khái niệm còn mới mẻ và đôi khi lạ lẫm với nhiều người, khi lâu nay lễ hội chỉ biết đến là thời gian cư dân tụ họp, là sinh hoạt cộng đồng diễn ra long trọng, đem lại sự phấn chấn cho mọi người. Nhưng khi đã nói về kinh tế thì cần nâng tầm lên thành “kỹ nghệ”. Sau nâng tầm và chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức, cần “kỹ nghệ” là để trau chuốt, hoàn thiện dịch vụ.

Khi đã nói đến “kỹ nghệ” là sự tổng hòa, vai trò của thương nghiệp phải được đặt lên nhiều hơn nữa. Tính kết nối, giữa cơ quan quản lý, đến người dân, đến từng doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan cần chặt chẽ hơn. “Kỹ nghệ” đạt đến đỉnh cao là một “thế trận” liên hoàn, từ chủ thể tham gia tổ chức, đến từng người dân, từng hoạt động, từng địa điểm tổ chức… để có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của khách. Như lễ hội tâm linh, khi “kỹ nghệ” thành công mới giúp khách trở về với cội nguồn, bản quán, trở về với tổ tiên, quê hương, và trở về với tín ngưỡng tôn giáo.

Festival Huế là sản phẩm du lịch lễ hội, là một loại hình du lịch văn hóa mang tính đặc thù. Hoạt động của festival có tầm quan trọng đối với kinh tế và xã hội. Thông qua đó các lễ hội được bảo tồn và phát triển, đồng thời tạo việc làm, mang lại thịnh vượng cho đời sống tinh thần và vật chất của người dân địa phương. Hơn thế nữa, nó làm cho điểm đến hấp dẫn hơn bằng cách thu hút khách du lịch đến để tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị văn hóa của vùng đất thông qua lễ hội. Lễ hội là thế mạnh rất lớn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Huế một vùng đất văn hóa có cảnh quan tươi đẹp hữu tình, là thành phố Festival đặc trưng.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
4.3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3/3/1989-3/3/2024)
“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân

Rộn ràng những niềm vui, rạng rỡ những nụ cười, ấm áp những cái bắt tay thật chặt giữa bộ đội biên phòng (BĐBP) và người dân, đó là “bức tranh” đẹp đẽ trên 33 xã, phường, thị trấn biên giới, trong “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

“Chìa khóa” phát huy sức mạnh biên phòng toàn dân
Return to top