ClockChủ Nhật, 16/08/2020 17:13
ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ Ở DOANH NGHIỆP:

Đường dài phải đi

TTH - Đáp ứng xu thế hội nhập, cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế đã đổi mới, đầu tư công nghệ sản xuất kinh doanh nhưng theo doanh nghiệp, hoạt động này đang gặp nhiều rào cản.

Đổi mới công nghệ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệpĐổi mới công nghệ để mở rộng thị trường

Nhờ thiết bị công nghệ cao, nên cán bộ, kỹ sư chỉ làm việc tại phòng nhưng có thể điều khiển dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty CP Xi măng Đồng Lâm

Hiệu quả

Theo ông Huỳnh Thặng, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế (ở Lộc Tiến, Phú Lộc), do đặc thù là đơn vị sản xuất kinh doanh chế biến sản phẩm dăm gỗ thô xuất khẩu ra nước ngoài nhưng trước đây thiết bị máy móc phụ trợ lạc hậu, hoạt động vận chuyển hàng với hình thức thủ công, bằng sức lao động của công nhân là chủ yếu dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí cho đơn vị.

Khắc phục những hạn chế trên, năm 2019, lãnh đạo đơn vị nghiên cứu, đầu tư hai Robot tự động bốc hàng với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, giống như những chiếc xe di động nhờ vào sự lập trình sẵn có thể làm việc cả ngày lẫn đêm với công suất cao gấp 4-5 lần so với con người. Nếu trước khâu vận chuyển này với thiết bị băng chuyền cũ để vận chuyển 300 tấn hàng/ngày cần thêm 20 lao động, nay có hai robot hỗ trợ chỉ cần 4 lao động điều khiển.

“Áp dụng Robot không chỉ rút ngắn thời gian sản xuất và cải thiện được năng suất lao động, nâng cao chất lượng hiệu quả cho đơn vị, đặc biệt hơn giảm thiểu những rủi ro tai nạn từ quá trình vận chuyển, bảo đảm an toàn cho quá trình sản xuất”, ông Thặng nói.

Tại nhà máy xi măng Đồng Lâm, dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ dựa trên công nghệ lò quay tiên tiến. Các thiết bị hiện đại với hệ thống tự động hóa cao, được điều khiển từ phòng điều khiển trung tâm, các khâu sản xuất đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo về chất lượng. Toàn bộ dây chuyền đều được trang bị thiết bị lọc nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh trong sản xuất công nghiệp.

Theo đại diện lãnh đạo nhà máy Xi măng Đồng Lâm, trong quy trình hoạt động sản xuất ở đây con người chỉ điều khiển thông qua hệ thống máy điều khiển, giám sát, phần còn lại được hệ thống robot và máy móc thực hiện. Nhờ đó chi phí nhân công, nguyên liệu, thất thoát giảm hẳn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Đường dài phải đi”

Theo ông Trương Phước Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, đầu tư đổi mới công nghệ trong DN mang lại hiệu quả kinh tế cao được chứng minh từ những DN dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, kết quả đầu tư đổi mới công nghệ của DN ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng hiện nay chưa đến 23%. Rào cản lớn nhất do nguồn vốn đầu tư đổi mới công nghệ là không nhỏ, trong khi đó phần lớn các DN đang hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa. Để đầu tư, cải tiến một khâu nào đó trong sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm họ phải “nâng lên đặt xuống”, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để làm.

Với sự phối hợp của robot bốc hàng trên băng tải, các xe múc cẩu giảm di chuyển hơn tại Công ty PISSICO Huế

TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KHCN chia sẻ, giai đoạn 2012-2017, toàn tỉnh chỉ có 43,5% DN tham gia đổi mới công nghệ thông qua các sở, ngành chức năng triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động. Trong đó, chương trình KHCN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ; hay nguồn khuyến nông, khuyến công từ Sở Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ cải tiến công nghệ... gần 400 lượt DN, với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng.

Kinh phí từ các chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ hiện còn hạn chế; trong lúc đó, nhiều DN ở địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức lợi ích từ đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Khắc phục hạn chế trên, theo ông Thắng, các ban ngành chức năng đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền giúp DN “đột phá” đầu tư, đổi mới công nghệ để phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Đồng thời thông tin, cải tiến các hình thức giúp DN thuận tiện tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ và một số chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo Quyết định 39/2018/QĐ-UBND tỉnh ban hành ngày 28/6/2018.

Ông Trương Phước Thành cho rằng, với xu hướng kinh tế hội nhập hiện nay, dù muốn dù không, DN phải có những đổi mới công nghệ để phù hợp với hoàn cảnh. “Dù đường dài nhưng phải đi”. Không chỉ tranh thủ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các DN cần giải bài toán tài chính trong đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ thông qua các nguồn vốn vay từ ngân sách, hợp tác với các DN cùng ngành, lĩnh vực trong, ngoài địa phương để nghiên cứu đầu tư công nghệ thích hợp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có thể xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn, phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh; hay xem xét cải tiến từng công đoạn... nhằm giảm áp lực về vốn.

Quyết định 39/2018/QĐ-UBND tỉnh ban hành ngày 28/6/2018; trong đó  Điều 8 nêu rõ các mức hỗ trợ như: Chuyển giao công nghệ độc lập (không kèm thiết bị) được hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng mua công nghệ; chuyển giao công nghệ (kèm thiết bị công nghệ) được hỗ trợ tối đa 30% chi phí mua thiết bị công nghệ phục vụ duy trì, phát triển thế mạnh các ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh (trừ địa bàn TP. Huế và TX. Hương Thủy); hỗ trợ tối đa 30% chi phí mua thiết bị công nghệ thực hiện cải tiến công nghệ thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, cạnh tranh với giống nhập khẩu.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp

Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã tạo hành lang pháp lý cho HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tạo hành lang pháp lý để đổi mới hoạt động HĐND các cấp
Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp

Sau khi Quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TX. Hương Trà ưu tiên xúc tiến đầu tư, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm, các cụm công nghiệp (CCN); chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm hình thành các CCN trên địa bàn.

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

TIN MỚI

Return to top