ClockThứ Ba, 12/07/2016 05:01

Duyên nợ với môi trường

TTH - Hơn hai mươi năm qua, PGS.TS.Võ Văn Phú, cán bộ giảng dạy Trường đại học Khoa học Huế có nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách chuyên khảo và đào tạo nhân lực cống hiến cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2013) và Bằng khen Điển hình tiên tiến về BVMT giai đoạn 2011-2015.

Nhiều công trình khoa học có giá trị

PGS.TS.Võ Văn Phú tâm sự, năm 1995, khi tình hình môi trường nổi cộm, là vấn đề “nóng” được toàn xã hội quan tâm, cũng là lúc những ý tưởng, nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực này được hình thành và dần dà “bùng mở”. Từ chỗ chủ yếu tập trung nghiên cứu về động vật học, ông bắt đầu đảm nhận các công trình nghiên cứu và chuyển sang giảng dạy chuyên ngành môi trường, BVMT và phát triển bền vững.

PGS.TS Võ Văn Phú (thứ hai bên phải) được vinh danh tại lễ trao giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2013

Con đường đến với nghiên cứu những vấn đề liên quan đến môi trường của PGS.TS.Võ Văn Phú được ví như chuỗi bậc thang. Bắt đầu là những công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học (ĐDSH), cân bằng sinh thái, sau đó là phòng, chống ô nhiễm môi trường, suy thoái ĐDSH và phát triển bền vững. Hiện tại, ông đang tập trung nghiên cứu về ứng phó hoặc/và thích ứng với BĐKH, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM)...

PGS.TS.Võ Văn Phú đã chủ trì nhiều đề tài khoa học các cấp, viết nhiều giáo trình, đầu sách chuyên khảo, nhiều bài báo về môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, nhiều công trình liên quan đến hoạt động thích ứng với BĐKH, quy hoạch bảo tồn ĐDSH,… có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển bền vững và sinh kế cộng đồng của Thừa Thiên Huế, miền Trung và Tây Nguyên.

Ngoài ra, ông còn chủ trì lập các báo cáo ĐMC cho các hoạt động quy hoạch vùng, mở rộng quy hoạch tỉnh, thành phố; chủ trì lập nhiều báo cáo ĐTM và kế hoạch BVMT cho các hoạt động phát triển. Việc lập ĐMC, ĐTM, kế hoạch BVMT, báo cáo quan trắc, giám sát môi trường định kỳ… là hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm sạch hơn và GDP- xanh!

Nhiều “ấp ủ”

Theo PGS.TS Võ Văn Phú, khi nền kinh tế phát triển thì vấn đề môi trường phải được đặt lên hàng đầu, cần phải chú trọng bảo vệ, nếu không sẽ muộn và phải trả giá đắt.

Nhờ những nghiên cứu khoa học công nghệ mà giáo trình, bài giảng của ông mang đậm dấu ấn  thực tiễn và có tính hướng nghiệp cao cho nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học, các thế hệ học sinh và bạn đọc. Theo quan điểm của ông, lý thuyết và thực tiễn là hai mặt của một vấn đề mang tính hữu cơ tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển xã hội. Người thầy giáo phải có nhiệm vụ đào tạo, chia sẻ các vấn đề xã hội đang cần, chứ không chỉ cung cấp những gì mình có! Đào tạo và nghiên cứu khoa học phải là điều kiện cần và đủ cho người thầy ở bậc đại học.

Những năm gần đây, ông chú tâm nghiên cứu việc ứng phó với BĐKH, đến các hiện tượng thời tiết cực đoan và các giải pháp thích ứng nhằm tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển, cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thời vụ trong phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững. Đây là hướng đi rất triển vọng, góp phần chung tay tạo sức “lan tỏa” đến cộng đồng người dân, các nhà quản lý, nhà khoa học trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

PGS.TS Võ Văn Phú trải lòng: Đối với vấn đề BVMT và phát triển bền vững cần có thời gian, trí tuệ và phải nghiên cứu nghiêm túc, bài bản mới đạt hiệu quả. Điều quyết định ở đây, có lẽ trước hết là các nhà khoa học, sau đó là các nhà quản lý và mọi tầng lớp xã hội phải cùng nhau chung sức, chung lòng, chung trách nhiệm.

“Môi trường của chúng ta có trong lành hay không, trái đất của chúng ta có xanh tươi hay không, nền kinh tế xanh của chúng ta có được phát triển bền vững hay không; sức khỏe của mỗi người có được dồi dào hay không,…? Điều đó phụ thuộc vào nhận thức và hành động của chính chúng ta, ngay từ bây giờ!”, PGS.TS.Võ Văn Phú chia sẻ.

PGS.TS.Võ Văn Phú đã chủ trì: 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 3 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 2 đề tài cấp Bộ, 18 đề tài cấp tỉnh và nhiều đề tài cấp cơ sở. Ông đã viết 16 đầu sách chuyên khảo và giáo trình đào tạo đại học, sau đại học liên quan đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học, cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với sự xâm mặn trong nuôi trồng thủy sản ven bờ,…

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

TIN MỚI

Return to top