Thiên thời - địa lợi - nhân hoà là thế “chân kiềng” mà Thừa Thiên Huế đang nỗ lực với khát vọng trở thành đô thị văn hoá, di sản của Việt Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch mang tầm chiến lược để các ban, ngành, địa phương có thêm những quyết sách mới, biến mục tiêu thành hiện thực, mà trước mắt là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025. Theo đó,Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế, khoa học và công nghệ chuyên sâu…
|
Đô thị Huế hội đủ yếu tố trở thành trung tâm văn hoá, du lịch, y tế, khoa học công nghệ chuyên sâu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á
|
Khắc phục, tránh tối đa tái diễn các hạn chế của đô thị đi trước là yêu cầu tất yếu để phát triển nhanh và bền vững cho các đô thị ở Thừa Thiên Huế.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 15 đô thị; trong đó TP. Huế là đô thị trung tâm loại I; các đô thị loại IV (TX. Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn Thuận An) và các đô thị loại V, gồm 7 thị trấn hiện hữu ở Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre và các đô thị mới công nhận, như các xã Lộc Sơn, Vinh Hiền (Phú Lộc), Vinh Thanh (Phú Vang), Phong An (Phong Điền)…
Trong số đô thị trên phần lớn nằm dọc QL1A, phát triển trên cơ sở chức năng đô thị hành chính, riêng Lăng Cô là thị trấn về dịch vụ thương mại-dịch vụ-du lịch. Nhìn chung tỷ lệ đô thị hoá nơi đây đạt hơn 30%, tốc độ phát triển các đô thị này chưa mạnh…
|
Nhiều tuyến đường lớn kết nối liên vùng tạo quỹ đất lợi thế để phát triển đô thị
|
Đơn cử như đô thị Lăng Cô, sau hơn 20 năm phát triển đã để lại bài học cho quá trình phát triển đô thị Huế, nhất là các nhà chuyên môn và người dân sở tại. Thị trấn Lăng Cô được mệnh danh đô thị du lịch biển, nơi có Vịnh Lăng Cô được công nhận Vịnh biển đẹp thế giới vào năm 2009, tạo nhiều cơ hội đột phá phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở cực phía Nam.
Thế nhưng đến thời điểm này, vẫn đang ở trạng thái “nhà quê”, tốc độ phát triển đô thị chậm. Hiện nay, ngoài QL1A đi qua chỉ mới hình thành thêm tuyến giao thông chạy dọc hướng đông, tây quanh đầm Lập An. Nhà cửa hai bên vẫn tuềnh toàng, chỉ sáng lên vài khu vực nhưng chưa tương xứng tiềm năng vị thế “đất vàng” ở đây. Nhiều DA phát triển du lịch có mặt nơi đây từ 10-15 năm trước hiện vẫn trong tình trạng “xí phần”.
Lãnh đạo thị trấn Lăng Cô cho rằng, trong quy hoạch phát triển đô thị biển, nhất là, khi Bộ Chính trị đồng ý xây dựng Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc Trung ương, giấc mơ về một đô thị Lăng Cô nằm trong TP. Chân Mây trở nên gần gũi để tạo động lực cho đô thị Huế.
|
Các đô thị vệ tinh tiếp tục đầu tư chỉnh trang nhiều công trình hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội
|
Theo lãnh đạo này, hiện nay để phát triển đô thị Lăng Cô xứng tầm cần phải thực hiện đồng thời và tổng thể trên 3 khía cạnh: khai thác không gian biển, thiên nhiên biển; khai thác vùng bờ biển, cảnh quan ven biển với phương thức thích hợp; chú trọng các lĩnh vực “hậu cần, kết nối” và “thị trường” để phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch biển. Như vậy mới tạo ra một đô thị biển đúng nghĩa và đúng tầm vóc như kỳ vọng của quy hoạch.
Hiện trạng đô thị ở Lăng Cô cũng là diện mạo đô thị ở TX. Hương Thuỷ, Hương Trà và huyện Quảng Điền, Phong Điền… Thực trạng này phản ánh công tác tạo lập quỹ đất sạch, bố trí tái định cư vẫn bị động, chưa được xem là vấn đề tiên quyết phải thực hiện trong quá trình triển khai DA phát triển đô thị, làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), lựa chọn, thu hút nhà đầu tư phát triển KT-XH.
|
Nhiều dự án du lịch dịch vụ ở đô thị Lăng Cô gặp khó khăn đang dừng hoạt động
|
Bài học từ những vấp váp của đô thị Lăng Cô cần rút ra những kinh nghiệm để có giải pháp tốt nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển đô thị ở các địa phương hiện nay. Ví dụ như đô thị mới An Vân Dương, Đông Nam Thuỷ An… thuộc phía đông nam TP. Huế hiện nay không ít lãnh đạo, người dân đã ngẫm nghĩ về bất cập, hạn chế trong quy hoạch hạ tầng giao thông mà lo ngại nhất mỗi khi vào mùa mưa. Chưa kể câu chuyện người dân ảnh hưởng dự án, bị thu hồi đất để an cư, lạc nghiệp… Tất cả những tồn tại trên cần được xác định, tháo gỡ để phát triển các đô thị hiện nay.
Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề của thời đại, đô thị Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài xu hướng này, nhất là trong quy hoạch chiến lược nhiều đô thị hình thành phía đông, giáp biển.
Theo các chuyên gia đầu ngành của Bộ Xây dựng nhận định tại hội nghị góp ý vào đồ án quy hoạch chung đô thị đến 2065 vào dịp đầu tháng 4/2023, các đô thị ven biển hứng chịu tác động của 4 tai biến chủ yếu liên quan đến BĐKH. Bao gồm: tai biến bão kèm theo mưa lớn tạo sóng lớn sẽ phá hủy bờ và các công trình gần bờ (kể cả giao thông); tai biến lũ và ngập lụt; tai biến do triều cường; tai biến sạt lở, bồi tụ bờ sông, bờ biển. Do đó, việc xây dựng, phát triển đô thị dọc biển như Điền Lộc, Vinh Thanh, Vinh Hưng, Vinh Hiền, kể cả đô thị trung tâm và Chân Mây-Lăng Cô… phải lưu ý đến yếu tố đặc thù, các tai biến do BĐKH kể trên.
|
Nhà máy xử lý nước thải tạo “lá phổi xanh” cho đô thị Huế
|
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, một hội thảo tại TP. Huế do Dự án M-Brace Thừa Thiên Huế phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, vấn đề xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH cho các đô thị Huế được đặt ra; trong đó một kết quả nghiên cứu cho thấy, BĐKH sẽ tăng mức độ ngập ở TP. Huế lên 31,8% vào năm 2050.
Cũng theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh mới đây, dự báo mức tăng nhiệt độ trung bình năm vào giữa thế kỷ này ở Thừa Thiên Huế là từ 1,3-1,5 độ C. Lượng mưa trung bình năm có xu hướng gia tăng khoảng gần 18%. Số lượng bão mạnh và rất mạnh cũng có xu hướng gia tăng. Do đó tất yếu nhiều nhà cửa, cảng cá, cầu, tuyến đường, các khu du lịch biển ở vùng Đông nằm trong vùng chịu tác động nặng nề của BĐKH.
Hiện nay, đô thị Huế đã, đang dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề thích ứng BĐKH. Đáng kể nhất hàng chục DA, công trình đầu tư hệ thống thoát nước khu vực trung tâm TP. Huế; chỉnh trị, nạo vét các sông hồ, đê kè chống sạt lở biển, đê chắn sóng cảng biển Chân Mây…
|
Duy trì phong trào trồng cây ngập mặn, tạo hành lang xanh, chống BĐKH cho đô thị Huế
|
Theo lãnh đạo tỉnh, hiện nay đang giao các sở, ngành chức năng lập kế hoạch xây dựng các hệ thống hành lang xanh, thoát lũ trên nền định hướng Quy hoạch 649.
Theo đó, hệ thống hành lang xanh thoát lũ quy hoạch xung quanh khu vực trung tâm (TP. Huế, An Vân Dương, một phần Hương Thủy, Hương Trà); đồng thời, đan xen theo hướng Bắc- Nam ở khu vực Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc đảm bảo giữ được hành lang thoát lũ.
Ngoài ra, tỉnh đã có các đề án nghiên cứu riêng về vấn đề ngập lụt phía Đông Nam, phía Bắc. Trong đó, quy hoạch đã tổ chức các hành lang xanh cho tiêu thoát nước, cải tạo hệ thống sông hiện hữu theo hướng mở rộng dòng chảy, đào thêm hệ thống kênh, mương, tăng thêm các cửa thoát lũ sông Hương, sông Bồ về hướng biển.
|
TP.Huế được đánh giá là đô thị xanh, sinh thái, cảnh quan…
|
Riêng với khu vực đô thị phía Đông- Nam TP. Huế áp dụng giải pháp thiết kế đô thị dạng đảo, dành các khu vực trũng cho cây xanh và kênh tiêu thoát nước, vừa tạo dựng được khu vực cảnh quan độc đáo, hòa hợp với không gian Huế hiện trạng. Theo đó, có khoảng 190km kênh mương được quy hoạch đào mới, hệ thống kênh mương được cải tạo mở rộng khoảng hơn 70km…
Ngoài ra, các đô thị ở Thừa Thiên Huế khi mở rộng phát triển đặc biệt lưu ý đến hệ thống công viên cây xanh, diện tích mặt nước, góp phần hình thành các không gian xanh, hỗ trợ thoát lũ để đô thị mát mẽ vào mùa khô và không ngập úng vào mùa mưa.
Nội dung: MINH VĂN - HOÀI THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - HỒ TUẤN
Biểu đồ: MINH TUẤN
Thiết kế: QUANG THIỀU
>> Kỳ 1: Hình hài bức tranh đô thị phía Nam và phía Bắc
>> Kỳ 2: Định hình bản sắc đô thị